Hội chứng mệt mỏi: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Hội chứng mệt mỏi

Hội chứng mệt mỏi kinh niên (Chronic fatigue syndrome) là một dạng bệnh lý gây mệt mỏi ở nhiều mức độ khác nhau và kéo dài ít nhất 6 tháng, thường kèm theo nhiều triệu chứng thực thể, thần kinh hay tâm lý khác. Bệnh đã được giới y khoa chú ý và y văn ghi lại với nhiều tên gọi khác nhau như: suy nhược thần kinh, hội chứng mệt mỏi sau nhiễm siêu vi,…

Hội chứng mệt mỏi mạn tính là tình trạng người bệnh cảm thấy uể oải, mỏi mệt một cách chung chung, sự mệt mỏi này không hề được cải thiện tốt hơn mặc dù bệnh nhân đã được nghỉ ngơi và không liên quan đến các bệnh lý gây mệt mỏi khác như bệnh tim mạch, bệnh lý tuyến giáp,…

Hội chứng mệt mỏi kéo dài có thể gây ảnh hưởng lớn đến việc học, việc làm và làm giảm các hoạt động của bản thân cũng như chán chường, không muốn tham gia các hoạt động mang tính chất cộng đồng xã hội.

Nguyên nhân bệnh Hội chứng mệt mỏi

Nguyên nhân gây bệnh hiện nay chưa được biết rõ nhưng có liên quan đến nhiều yếu tố. 

Các nguyên nhân có thể gây ra hội chứng mệt mỏi bao gồm:

  • Nhiễm siêu vi.
  • Nhiễm độc.
  • Phản ứng miễn dịch.
  • Trầm cảm.
  • Sau phẫu thuật.
  • Sau chấn thương đầu hoặc các loại chấn thương khác.
  • Trầm cảm.
  • Thay đổi nồng độ cortisol trong máu (nội tiết tố liên quan đến stress) hoặc rối loạn nội tiết tố nữ.
  • Dùng các thuốc nhóm chẹn beta, benzodiazepin, chống trầm cảm và kháng sinh.
  • Hoạt động thể lực quá mức hoặc căng thẳng quá mức.
  • Hội chứng mệt mỏi vô căn.

Triệu chứng bệnh Hội chứng mệt mỏi

Đặc điểm lâm sàng nổi bật là triệu chứng mệt mỏi nhiều ngày, có cảm giác như bất lực hoàn toàn và chán nản vô cùng kéo dài ít nhất 6 tháng.

Hội chứng mệt mỏi: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Có thể kèm theo triệu chứng của các cơ quan hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, thần kinh cơ và các triệu chứng tâm thần rất đa dạng như sau:

  • Sốt nhẹ.                          
  • Khó ngủ.
  • Khó tập trung.                  
  • Đau đầu.
  • Đau họng.                           
  • Giảm cân hoặc tăng cân.
  • Nổi hạch cổ.       
  • Nhịp nhanh.
  • Đau cơ.                                
  • Đau ngực.
  • Yếu cơ, đau khớp.               
  • Đổ mồ hôi vào ban đêm.

Đối tượng nguy cơ bệnh Hội chứng mệt mỏi

  • Giới tính: bệnh gặp ở nữ giới nhiều hơn gấp 4 lần so với nam giới.
  • Tuổi tác: bệnh thường xảy ra ở độ tuổi từ 25 đến 45 (đôi khi cũng có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn tuổi).
  • Bệnh thường gặp ở những nước đang phát triển.

Phòng ngừa bệnh Hội chứng mệt mỏi

Các phương pháp phòng ngừa hội chứng mệt mỏi bao gồm:

  • Có chế độ sinh hoạt làm việc khoa học hợp lý, tránh gắng sức quá mức.
  • Ngủ đủ giấc, lên kế hoạch sắp xếp để có những khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn trong ngày.
  • Giải tỏa căng thẳng bằng cách thường xuyên trao đổi với bạn bè và người thân hoặc đến gặp chuyên gia tâm lý, tham gia vào các nhóm hoạt động thể thao, tập những môn thể dục thư giãn như thiền, yoga hoặc thái cực quyền. 
  • Điều trị tích cực các bệnh lý cấp tính cũng như mạn tính.
  • Tránh các yếu tố gây căng thẳng, lo lắng.
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh, tránh các thức ăn có chứa nhiều chất béo bão hòa hoặc thức ăn đóng hộp, giảm lượng đường ăn vào hàng ngày, ăn nhiều rau xanh, thịt nạc, cá, ngũ cốc nguyên hạt và các thực phẩm từ sữa ít béo.
  • Luôn giữ trạng thái lạc quan, vui vẻ mỗi ngày.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Hội chứng mệt mỏi

Hiện nay, các bác sĩ thường áp dụng tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng mệt mỏi của CDC (Trung tâm kiểm soát và dự phòng bệnh Hoa Kỳ) bao gồm:

Mệt mỏi kéo dài mới khởi phát không giải thích được nguyên nhân, tái phát nhiều lần làm ảnh hưởng đến khả năng làm việc và học hành, không liên quan tới gắng sức và không giảm khi nghỉ ngơi.

Kèm theo ít nhất là 4 trong các triệu chứng sau (với thời gian kéo dài trên 6 tháng):

  • Rối loạn trí nhớ và sự tập trung.
  • Đau họng, loét bên trong miệng (nhiệt miệng).
  • Sưng đau hạch cổ và hạch nách.
  • Đau cơ.
  • Đau nhiều khớp nhưng không sưng, không đỏ.
  • Nhức đầu.
  • Ngủ không yên giấc.
  • Uể oải sau khi làm việc gắng sức ít nhất 24 giờ.

Ngoài ra còn có các tiêu chí khác thường đi kèm như:

  • Rối loạn đi tiêu, đau bụng, nôn, tiêu chảy.
  • Ớn lạnh, đổ mồ hôi vào ban đêm.
  • Thở ngắn.
  • Ho kéo dài.
  • Rối loạn về mắt (nhạy cảm ánh sáng, đau mắt hoặc khô mắt).
  • Dị ứng hoặc nhạy cảm với thức ăn, rượu, hóa chất, thuốc, tiếng ồn.
  • Khó khăn trong việc giữ cân bằng cơ thể (chóng mặt, nhịp tim không đều).
  • Có những vấn đề về tâm thần (trầm cảm, dễ cáu gắt, lo lắng hoặc có những cơn hoảng loạn).

Chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác cũng gây mệt mỏi như bệnh Lyme, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, nghiện rượu, đái tháo đường, suy giáp, thiếu máu, lupus ban đỏ, xơ cứng rải rác, bệnh gan mạn và bệnh lý ác tính hoặc do tác dụng phụ của thuốc.

Hội chứng mệt mỏi: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Các biện pháp điều trị bệnh Hội chứng mệt mỏi

Việc điều trị hội chứng mệt mỏi khá phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp của nhiều liệu pháp điều trị. Tuy nhiên nếu điều trị đúng cách sẽ giúp người bệnh có thể trở lại cuộc sống bình thường hàng ngày.

Các phương pháp điều trị hội chứng mệt mỏi bao gồm:

  • Điều chỉnh hành vi và nhận thức (Cognitive Behavioural Therapy-CBT) đối với những trường hợp bệnh kéo dài cho thấy người bệnh giảm mệt mỏi. Phương pháp này chú trọng khuyên người bệnh thay đổi cách suy nghĩ và cách cư xử.
  • Graded exercise therapy-GET là một dạng điều trị thể lực, trong đó việc tập thể dục đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hội chứng mệt mỏi.
  • Mặc dù không có thuốc điều trị chuyên biệt nhưng có thể dùng các thuốc như acetaminophen, ibuprofen hoặc aspirin giúp giảm đau đầu, đau cơ hoặc đau khớp.
  • Thuốc chống trầm cảm được dùng ở bệnh nhân có trầm cảm, thường dùng để cải thiện tính khí, kiểm soát đau và giúp ngủ tốt.
  • Theo Trung tâm kiểm soát và dự phòng bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết: nếu chẩn đoán và điều trị chậm trễ có thể làm giảm khả năng cải thiện bệnh.

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *