Nội soi Robot cắt thận toàn bộ

1. Tổng quan về Nội soi Robot cắt thận toàn bộ

  • Tên khoa học: Nội soi Robot cắt thận toàn bộ
  • Mô tả sơ bộ kỹ thuật:

Phẫu thuật nội soi cắt thận bao gồm cắt toàn bộ thận đi kèm bể thận, một phần niệu quản đoạn trên hoặc toàn bộ niệu quản được thực hiện bằng đường qua phúc mạc và sau phúc mạc. Thận được lấy ra toàn vẹn qua đường mở nho sườn thắt lưng trong trường hợp lấy thận để ghép hoặc bệnh phẩm được cắt nhỏ và lấy ra ngoài qua lỗ trocar.

2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Các bệnh lý thận lành tính và thận đã mất chức năng, ghép thận.
  • Các bệnh lý thận lành tính và thận đã mất chức năng (chụp đồng vị phóng xạ chức năng thận <10%) hoặc chẩn đoán hình ảnh cho kết quả thận ứ nước độ IV).
  • Thận ứ nước mất chức năng do sỏi niệu quản, sỏi bể thận niệu quản.
  • Thận ứ nước mất chức năng do hẹp niệu quản sau mổ.
  • Tăng huyết áp do mạch thận: Hẹp, teo thận.
  • Bệnh thận đa nang mất chức năng hoặc có triệu chứng.
  • U tế bào sáng của thận (RCC: T1 – T3a), u tế bào chuyển tiếp đường bài xuất (TCC)
  • Cắt thận nội soi trên người cho sống để ghép thận.

Chống chỉ định:

  • Thận ứ nước độ IV trên người bệnh suy thận và có bệnh thận bên đối diện.
  • Thận to ứ mủ do bệnh đường tiết niệu mắc phải hay bẩm sinh.
  • Chống chỉ định của phẫu thuật nội soi sau phúc mạc:
  • Tiền sử can thiệp cũ vào khoang sau phúc mạc cùng bên (qua mổ mở hay nội soi): Mổ lấy sỏi thận, sỏi BT – NQ, tạo hình khúc nối bể thận – niệu quản…
  • Nhiễm khuẩn tại chỗ thành bụng. Nhiễm khuẩn tiết niệu chưa được điều trị.
  • Chống chỉ định gây mê NKQ: Bệnh mạch vành, suy tim, tâm phế mạn.
  • Người bệnh có tiền sử mổ qua phúc mạc cũ là chống chỉ định tương đối của cắt thận nội soi qua phúc mạc, khi đó sẽ đi đường sau phúc mạc.

3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật

Ưu điểm:

  • Tính an toàn, thẩm mỹ, giảm mất máu, ít đau khi mổ, phục hồi nhanh, giảm thời gian nằm viện.
  • Giúp bác sĩ điều khiển mổ ở các vùng sâu, vốn là những vị trí khó thực hiện bằng mổ mở thông thường.

Nhược điểm:

  • Kỹ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ chính xác cao nếu không sẽ xảy ra biến chứng nặng nề.
  • Chi phí tiến hành phẫu thuật cao.

4. Quy trình thực hiện

Bước 1: Chuẩn bị:

Người bệnh được làm đầy đủ các xét nghiệm cơ bản và đánh giá sự bù trừ chức năng thận. Các xét nghiệm nhất thiết phải làm bao gồm:

  • Làm siêu âm, chụp niệu đồ tĩnh mạch, chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu để xác định nguyên nhân bệnh lý và đánh giá chức năng thận hai bên.
  • Chụp niệu quản – bể thận ngược dòng khi cần thiết để xác định nguyên nhân.
  •  Chụp đồng vị phóng xạ để xác định phần trăm giảm hoặc mất chức năng thận.
  • Siêu âm Doppler mạch thận, chụp động mạch thận xác định tăng huyết áp do teo, hẹp động mạch thận.

Bước 2: Tiến hành

Thì I: Đặt người bệnh nằm nghiêng 75° đối với mổ nội soi qua phúc mạc và nghiêng 90° đối với mổ nội soi sau phúc mạc, kê độn ở dưới sườn thắt lưng bên đối diện.

Thì II: Vô cảm: Gây mê nội khí quản, sonde niệu đạo được đặt trước mổ.

Thì III: Đặt trocar.

Thì IV: Tạo khoang sau phúc mạc.

Thì V:  Cắt thận: Bác sĩ sử dụng cánh tay robot tiến hành nội soi qua phúc mạc:

  • Trường hợp cắt thận phải: Mở phúc mạc thành sau dọc mạc Toldt phải và hạ góc đại tràng phải, đấy đại tràng và tá tràng vào giữa, vén gan lên cao, phẫu tích niệu quản khỏi mạch sinh dục cho tới cực dưới thận và rốn thận, bộc lộ mặt trước tĩnh mạch chủ dưới và tĩnh mạch thận, động mạch thận nằm sau tĩnh mạch được tách riêng rẽ.
  • Trường hợp cắt thận trái: Sau khi mở dọc mạc Toldt trái và cắt dây chằng lách – đại tràng, đẩy lách và đại tràng trái vào trong, giải phóng cực dưới thận, niệu quản và bộc lộ động mạch tĩnh mạch thận. Bệnh phẩm được cắt nhỏ trong túi nội soi và lấy ra qua chỗ mở rộng lỗ trocar 10mm trên mào chậu, sau đó đặt một dẫn lưu tại vùng mổ.
  • Đối với cắt thận để ghép: Cuống mạch thận có thể được cặp cắt,bằng EndoGIA, Hemolock sau đó được lấy toàn vẹn ra ngoài qua đường mở nhỏ thành bụng nối giữa 2 trocar 1 và 2 hoặc sau khi phẫu tích qua nội soi sẽ mở thành bụng trước, cuống thận bằng Clamp mạch máu sau đó cắt rời và lấy toàn vẹn ra ngoài.

5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật

  • Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể đau nhẹ vùng lưng và đái máu thoáng qua, thường không cần phải dùng thuốc mà chỉ cần uống 2-3 lít nước/ngày để các mảnh sỏi đào đào thải qua nước tiểu.
  • Sau khi rút ống dẫn lưu thận, qua lỗ dẫn lưu có thể rỉ ra một chút nước tiểu song thông thường tình trạng này sẽ hết sau 3 đến 6 giờ nhờ có băng ép tại chỗ.

Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?

Nếu có sốt hoặc cơn đau quặn thận hay các biểu hiện bất thường khác, người bệnh cần đến khám bác sĩ ngay.

Những loại máy móc/thiết bị cần có để thực hiện kỹ thuật này

  • Robot Da Vinci thế hệ nhất do Hoa Kỳ sản xuất

Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này

  • Bệnh nhân không ăn thức ăn đặc hoặc lỏng, không uống các loại thức uống nước trái cây, sữa; không ngậm kẹo trong vòng 8 giờ trước khi thực hiện phẫu thuật. 
  • Bệnh nhân tuyệt đối không uống nước trong vòng 6 giờ trước khi mổ. Trường hợp phải uống thuốc thì uống với thật ít nước.

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *