1. Tổng quan về Phẫu thuật nội soi Robot cắt/ bóc u buồng trứng
- Tên khoa học: Phẫu thuật nội soi Robot cắt/ bóc u buồng trứng
- Tên thường gọi:
- Mô tả sơ bộ kỹ thuật
Phẫu thuật nội soi robot cắt/ bóc u buồng trứng là phẫu thuật sử dụng các dụng cụ qua cánh tay robot đưa vào ổ bụng qua các lỗ chọc ở thành bụng để tiến hành cắt/bóc u buồng trứng. Phẫu thuật này được thực hiện trên các khối u tân sinh của trứng có nhiều khả năng lành tính, nhằm mục đích lấy đi phần u để lại phần mô lành với các chức năng chế tiết hormone sinh dục. Phẫu thuật này đòi hỏi người bác sĩ cân nhắc kỹ chẩn đoán trước mổ, và trong quá trình mổ đánh giá kỹ khối u để tránh để lại tổn thương có khả năng ác tính.
Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?
- U nang buồng trứng
2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định:
- U buồng trứng không nghi ngờ ác tính và không quá to, không quá dính.
- Ung thư vú có chỉ định cắt buồng trứng
- Viêm ứ mủ vòi trứng.
- Nang nước cạnh vòi trứng.
Chống chỉ định tuyệt đối:
- Bệnh nhân có biểu hiện ruột chướng.
- Người bệnh đang trong chu kỳ kinh hoặc ra huyết bất thường mà chưa điều trị khỏi.
- Thoát vị cơ hoành.
- Các bệnh nhiễm khuẩn, các bệnh về máu.
- Các bệnh nội khoa cấp tính đang điều trị chưa can thiệp phẫu thuật được.
- Các bệnh lý chống chỉ định phẫu thuật nội soi ổ bụng.
- Ung thư buồng trứng.
Chống chỉ định tương đối:
- Bệnh nhân mắc bệnh béo phì.
- Tiền sử phẫu thuật ổ bụng nhiều lần, dính nhiều máu.
- Phẫu thuật viên thiếu kinh nghiệm
3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật
Ưu điểm:
- Giải quyết khối phần phụ bệnh lý.
- Cắt/bóc u buồng trứng bằng phương pháp mổ nội soi là kỹ thuật nâng cao, giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục, không để lại sẹo xấu trên thành bụng.
- Hạn chế tối đa dùng kháng sinh do dùng kháng sinh dự phòng.
- Phẫu thuật ít mất máu trong quá trình mổ, ít đau sau mổ, thời gian nằm viện ngắn.
- Độ an toàn rất cao so với phẫu thuật mổ mở thông thường.
- Máy móc theo dõi hiện đại (máy đo nhịp tim, huyết áp, đo mạch) trong 24/24.
Nhược điểm:
Đây là kỹ thuật khó, do đó đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm và được đào tạo kỹ về kỹ thuật này. Trong quá trình phẫu thuật dễ gây tai biến khi u quá lớn.
4. Quy trình thực hiện
Bước 1: Chuẩn bị
Bệnh nhân sẽ được các bác sĩ thăm khám toàn thân và chuyên khoa để đánh giá bệnh lý phối hợp. Sau khi nghe các bác sĩ tư vấn về: Lý do phải phẫu thuật, các nguy cơ tai biến có thể xảy ra và ký giấy cam kết đồng ý phẫu thuật thì người bệnh sẽ được tiến hành thụt tháo, vệ sinh bụng và âm đạo, thực hiện kháng sinh dự phòng, đánh dấu vết mổ và cuối cùng là hoàn thiện hồ sơ bệnh án trước mổ.
Bước 2: Tiến hành phẫu thuật
- Người bệnh sẽ được đặt nằm ngửa, sát khuẩn vùng bụng, đùi, hai tay sát dọc thân. Đặt ống thông tiểu trước khi tiến hành phẫu thuật. Gây mê toàn thân và thở máy.
- Chọc trocar và bơm CO2 vào ổ bụng của bệnh nhân.
- Bơm hơi C02 với áp lực từ 10 – 12 mmHg tuỳ theo huyết áp động mạch và tuổi của bệnh nhân (thấp hơn 10 lần so với trị số huyết áp động mạch của bệnh nhân).
- Bác sĩ phẫu thuật sẽ kiểm tra tử cung, buồng trứng 2 bên và các tạng xung quanh gồm có quan sát tử cung, hai phần phụ, tiểu khung, kiểm tra dạ dày và gan và đánh giá tổn thương tại buồng trứng trước khi cắt để giải phóng các buồng trứng.
- Cắt khối u buồng trứng qua nội soi.
- Bóc u nang buồng trứng.
- Cuối cùng là lấy bệnh phẩm và kiểm tra cầm máu và khâu vết thương.
5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật
Người bệnh sẽ thấy hơi lạnh khi thoát mê. Nếu cảm thấy khó chịu, cần thông báo ngay với y tá hoặc điều dưỡng viên chăm sóc. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau dùng ở nhà.
Một trong những điều gây khó chịu nhất sau phẫu thuật là nội soi u buồng trứng là tình trạng buồn nôn. Hiện đã có nhiều loại thuốc xử lý được tình trạng này. Có thể sử dụng thuốc trước, trong hoặc sau phẫu thuật. Một số biện pháp tự nhiên như uống trà gừng cũng hữu hiệu trong việc giảm buồn nôn.
6. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?
Nhiều người bệnh có thể gặp phải tình trạng cảm thấy tê ở vết rạch do dây thần kinh bị cắt. Theo thời gian, các dây thần kinh sẽ hồi phục và cảm giác tê sẽ giảm dần. Nếu có các triệu chứng khó chịu tại chỗ rạch như sưng, đỏ… hãy liên hệ ngay với bác sĩ điều trị.
Nếu người bệnh cảm thấy bị lạnh, khó chịu, hay co giật, nên ngay lập tức ủ ấm và thông báo với y tá bác sĩ đề phòng tránh trường hợp sốc hậu phẫu.
Những loại máy móc/thiết bị cần có để thực hiện kỹ thuật này
- Robot Da Vinci thế hệ nhất do Hoa Kỳ sản xuất
Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này
- Dựa vào có tổn thương phần phụ hay không và tuổi của người bệnh (NB > 50 tuổi).
- Đây là kỹ thuật khó, do đó bệnh nhân cần tìm bác sĩ có kinh nghiệm và được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật này.
Nguồn: Vinmec