Tổng quan bệnh Suy thận mạn
Thận là một tạng trong hệ tiết niệu, có 2 thận nằm ở 2 bên cột sống trong hố thắt lưng đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể. Thận có chức năng lọc máu để bài tiết ra nước tiểu, các chất thải của cơ thể, điều chỉnh các chất điện giải, ngoài ra thận còn có chức năng duy trì sự ổn định của huyết áp và tham gia vào quá trình tạo máu. Vì một lý do nào đó làm suy giảm chức năng thận sẽ dẫn đến rối loạn các chức năng trên kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống thậm chí tử vong.
Vậy suy thận mạn là gì?
Suy thận mạn là hậu quả cuối cùng của các bệnh thận- tiết niệu mạn tính làm chức năng thận suy giảm dần dần tương ứng với số lượng nephron của thận bị tổn thương và mất chức năng không hồi phục. Suy thận mạn gây ra mức lọc cầu thận giảm, rối loạn điện giải, tăng huyết áp, thiếu máu mạn tính.
Bệnh có thể tiến triển dần dần và nặng lên theo từng đợt và cuối cùng dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối, lúc này hai thận mất chức năng hoàn toàn đòi hỏi phải điều trị thay thế thận như lọc máu, ghép thận,… tốn kém rất nhiều tiền của và gây mệt mỏi chán nản cho người bệnh
Vì vậy suy thận mạn tính cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để cải thiện triệu chứng của bệnh đồng thời kéo dài thời gian chuyển thành suy thận giai đoạn cuối, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Nguyên nhân bệnh Suy thận mạn
- Các bệnh lý ở cầu thận: chiếm 40% bệnh lý gây suy thận mạn bao gồm: viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư, viêm cầu thận mạn, viêm cầu thận do các bệnh hệ thống,….
- Bệnh ống kẽ thận mạn do nguyên nhân nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn.
- Bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp là hai nguyên nhân làm tổn thương thận gây suy thận mạn tính.
- Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác:
- Bệnh thận bẩm sinh và di truyền ( thận đa nang, loạn sản thận, hội chức ALport).
- Bệnh tự miễn ( như lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì).
- Nhiễm độc trong thời gian kéo dài.
- Một số loại thuốc sử dụng để chữa trị các rối loạn bệnh lí cũng có thể làm tổn thương thận, dẫn đến suy thận mạn.
- Bất kì trường hợp nào làm giảm lượng máu cung cấp cho thận, làm tắc nghẽn nước tiểu sau khi rời khỏi thận hoặc làm tổn thương thận đều có thể là nguyên nhân gây bệnh: tắc mạch động mạch thận, nhiễm trùng đường niệu, suy tim sung huyết…
Triệu chứng bệnh Suy thận mạn
Suy thận mạn tính thường không có triệu chứng rõ ràng.Thực tế triệu chứng sẽ không biểu hiện cho tới khi xuất hiện các tổn thương thận nặng nề.
Các triệu chứng có thể gặp là:
- Thiếu máu: da xanh, niêm mạc nhợt, hoa mắt chóng mặt. Mức độ thiếu máu tương ứng với độ nặng của bệnh. Suy thận càng nặng thì thiếu máu càng nhiều làm bệnh nhân mệt mỏi, ăn kém, giảm các hoạt động thường ngày.
- Tăng huyết áp: là triệu chứng hay gặp nhất. Tăng huyết áp lâu ngày, tăng huyết áp không được kiểm soát có thể dẫn đến suy tim, rối loạn nhịp tim, xơ vữa động mạch,..
- Triệu chứng về tim mạch: viêm màng ngoài tim do ure máu cao.
- Triệu chứng thần kinh-cơ: chuột rút, cảm giác dị cảm, kiến bò, bỏng rát ở chân.
- Về hệ xương khớp: loãng xương, viêm xương, đau xương thường gặp trong giai đoạn cuối của bệnh. Xét nghiệm có canxi máu tăng, xquang thấy hình ảnh loãng xương.
- Triệu chứng về tiêu hóa: chán ăn, buồn nôn giai đoạn sau có thể ỉa chảy, loét miệng, loét đường tiêu hóa, xuất huyết tiêu hóa.
- Hôn mê do urê máu cao: có thể xuất hiện ở giai đoạn cuối của suy thận, bệnh nhân thờ ơ, ngủ gà, có thể có co giật, rối loạn tâm thần rồi đi vào hôn mê.
- Các triệu chứng khác có thể gặp như: phù do viêm cầu thận hay giai đoạn cuối của bệnh.
Đối tượng nguy cơ bệnh Suy thận mạn
- Những người có tiền sử mắc các bệnh lý về thận đặc biệt bệnh lý về cầu thận, sỏi thận, nhiễm khuẩn.
- Người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, lupus ban đỏ hệ thống.
- Sử dụng một số loại thuốc gây suy giảm chức năng thận: kháng sinh, NSAID.
Phòng ngừa bệnh Suy thận mạn
- Điều trị triệt để các bệnh lý viêm cầu thận cấp tính, các bệnh lý nhiễm khuẩn tại thận, sỏi thận,…
- Do bệnh thận mạn thường tiến triển âm thầm, không triệu chứng đến giai đọan cuối, nên mục tiêu quan trọng là phát hiện bệnh sớm ở 3 đối tượng nguy cơ cao là người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, và gia đình có người bệnh thận.
- Các đối tượng này cần được làm xét nghiệm tầm soát định kỳ hằng năm và tích cực điều trị sớm tránh bệnh thận tiến triển đến giai đoạn cuối.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Suy thận mạn
Các triệu chứng rất có giá trị để chẩn đoán suy thận mạn:
- Tăng urê máu >3 tháng.
- Có hội chứng tăng urê máu kéo dài (khi không xác định được thời gian tăng urê máu).
- Định lượng creatinin trong máu tăng cao, từ đó ước được mức lọc cầu thận theo nồng độ creatinin . Mức lọc cầu thận giảm ≤ 60ml/phút, kéo dài > 3 tháng.
- Chẩn đoán hình ảnh (Xquang, UIV, siêu âm) cho thấy: kích thước thận giảm đều hoặc không đều cả 2 bên. có thể gặp 1 số hình ảnh như sỏi thận, nang thận, dị dạng thận,..
- Xét nghiệm nước tiểu có protein trong nước tiểu, trụ niệu, hồng cầu niệu.
- Các triệu chứng hay gặp nhưng ít giá trị để chẩn đoán suy thận mạn: tiền sử bệnh thận-tiết niệu, thiếu máu, tăng huyết áp, phù.
Tăng ure và creatinin là biểu hiện của suy giảm chức năng thận, tuy nhiên cho kết quả có thể không chính xác, bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, mất thời gian. Vì vậy để đánh giá chức năng thận có 1 phương pháp hiện đại, có độ chính xác cao đó là xạ hình chức năng thận.
Xạ hình chức năng thận được áp dụng thường quy tại Đơn nguyên Y học hạt nhân tại bệnh viện Vinmec. Xạ hình chức năng thận để đánh giá chức năng thận bằng cách sử dụng thiết bị ghi đo hiện đại nhất của hãng thiết bị y tế hàng đầu thế giới có độ chính xác cao. Với hình ảnh có chất lượng tốt, xạ hình thận chức năng đã trở thành kỹ thuật không thể thiếu để thăm dò chức năng thận, góp phần nâng cao hiệu quả chẩn đoán bệnh lý hệ tiết niệu.
Các biện pháp điều trị bệnh Suy thận mạn
Suy thận mãn tính có chữa được không?
Không có biện pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn suy thận mạn tính. Nhưng việc điều trị có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh và cải thiện các triệu chứng, hạn chế nguy cơ các biến chứng. Chữa bệnh suy thận mãn tính bằng các phương pháp sau:
Điều trị nguyên nhân: điều trị nguyên nhân gây suy thận mạn là then chốt. Đối với phần lớn các bệnh nhân đó là kiểm soát chặt chẽ đường máu và huyết áp bằng các thuốc và chế độ ăn uống, luyện tập, giảm cân, thay đổi thói quen sinh hoạt. Như vậy sẽ giúp làm chậm các tổn thương.
Điều trị bằng chế độ ăn, sinh hoạt: thay đổi lối sống, bỏ thuốc lá, rượu bia, tập thể dục hàng ngày, tránh các hoạt động mạnh, giảm lượng protein, giảm muối trong khẩu phần ăn hàng ngày,
Điều trị các triệu chứng:
- Tăng huyết áp:Tăng huyết áp vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của suy thận mạn. Thường rất khó khống chế huyết áp ở những bệnh nhân suy thận mạn. Huyết áp mục tiêu ≤ 130/80 mmHg. Hạn chế muối: <2g/ ngày. Thuốc huyết áp thuộc nhóm ức chế men chuyển (UCMC) hoặc ức chế thụ thể (UCTT), lợi tiểu,…
- Kiểm soát rối loạn lipid máu: Suy thận mạn tính là một yếu tố nguy cơ dẫn tới các bệnh lý tim mạch do rối loạn lipid máu. Điều trị bằng các thuốc giảm nồng độ các cholesterol xấu, ngăn ngừa nguy cơ tắc nghẽn mạch máu. Nhóm thuốc có thể sử dụng là statin, gemfibrozil.
- Điều trị thiếu máu : thiếu máu rất thường gặp ở bệnh nhân suy thận mạn do thận không sản xuất đủ một chất có tên là erythropoietin (EPO).EPO giúp duy trì quá trình tạo hồng cầu bình thường của cơ thể. Ở bệnh nhân suy thận mạn, mục tiêu với Hb là 11-12g/dL. Việc điều trị bao gồm: Erythropoietin: tiêm dưới da, bổ sung sắt, acid folic.
- Điều trị loãng xương: bổ sung Vitamin D, và canxi, hạn chế phospho trong khẩu phần ăn giúp cho xương khỏe mạnh.
- Điều trị rối loạn điện giải: tùy từng trường hợp mà có biện pháp điều trị khác nhau. Trong suy thận mạn, hay gặp là tăng kali máu. Nếu không được điều trị có thể dẫn tới rối loạn nhịp tim, ngừng tim và các vấn đề khác liên quan tới thần kinh cơ.
Điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối: Khi chức năng của thận dưới 15% chức năng thận bình thường, đi vào suy thận giai đoạn cuối. Điều này có nghĩa là cơ thể không còn đủ chức năng để lọc bỏ các chất độc và dịch dư thừa, phương pháp điều trị: lọc máu, ghép thận. Chạy thận nhân tạo là 1 trong 2 phương pháp lọc máu. Khi chức năng lọc máu của thận không đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể, lúc này chạy thận nhân tạo sử dụng máy móc hỗ trợ quá trình lọc máu thay thế cho thận. chạy thận nhân tạo được coi là giải pháp tốt nhất cho người bệnh suy thận giai đoạn cuối có thể duy trì được sự sống.
Nguồn: Vinmec