1. Tổng quan về Chọc dò tủy sống
Tên khoa học: Chọc dò tủy sống
Tên thường gọi: Chọc dịch tủy sống, chọc dò ống sống thắt lưng hay còn gọi là vòi cột sống.
Mô tả sơ bộ kỹ thuật:
Chọc dò tủy sống, chọc dò ống sống thắt lưng hay còn gọi là vòi cột sống là một thủ thuật y khoa. Thủ thuật này được tiến hành để lấy dịch não tủy (một chất lỏng trong suốt, mang chất dinh dưỡng và “đệm” vào não cùng tủy sống) bằng một loại kim đặc biệt được đưa xuyên qua da vào trong ống tủy. Sau khi lấy một lượng nhỏ dịch não tủy, kim sẽ được rút ra.
Chọc dịch não tủy là một thủ thuật được thực hiện với mục đích chẩn đoán và điều trị. Việc chọc dò tủy sống thắt lưng chỉ nên được thực hiện sau khi khám lâm sàng người bệnh và xét đến những lợi ích, nguy cơ của thủ thuật.
2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định:
Chẩn đoán: Chẩn đoán dựa vào:
- Quan sát màu sắc dịch não tủy.
- Đo áp lực dịch não tủy.
- Xét nghiệm dịch não tủy: sinh hóa, tế bào, vi khuẩn.
- Một vài trường hợp đặc biệt cần bơm không khí hoặc thuốc cản quang để chụp não hoặc tủy sống.
Điều trị
- Lấy bớt dịch não tủy trong trường hợp tăng áp lực sọ não để giúp bệnh nhân giảm bớt khó chịu, đau đầu.
- Bơm thuốc vào ống sống để gây tê, điều trị.
- Chọc dò tủy sống thường thực hành trong các bệnh về não, màng não, viêm não, lao màng não, xuất huyết não, ít thực hiện trong các trường hợp u não, áp xe não.
Chống chỉ định:
- Tăng áp lực nội sọ quá cao do khối u choán chỗ hoặc do tắc hệ thống dẫn lưu của não thất.
- Chấn thương tủy hoặc chèn ép tủy.
- Nhiễm trùng tại chỗ vị trí chọc dò.
- Bệnh lý giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu.
- Suy hô hấp, suy tuần hoàn nặng.
3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật
Ưu điểm:
- Như vậy có thể thấy chọc dò tủy sống là phương pháp tương đối an toàn, ít tác dụng phụ.
- Nếu cân nhắc với hiệu quả, thì đây là phương pháp tối quan trọng trong chẩn đoán cũng như theo dõi nhiều bệnh thần kinh, bệnh nhân hoàn toàn có thể yên tâm nếu được bác sĩ chỉ định thực hiện kỹ thuật này.
- Nhiều người cho rằng chọc dò tủy sống sẽ lấy đi phần tinh túy trong cơ thể nhưng thật ra thủ thuật này chỉ lấy dịch xương sống. Dịch xương sống không phải là tinh túy hay tủy mà chỉ như “nước mắt” trong cơ thể, lấy đi không ảnh hưởng gì.
Nhược điểm:
- Nguy cơ của thủ thuật này là nhiễm trùng tại nơi chọc nếu không được đảm bảo vô trùng và tụt não, gây tử vong. Do đó cần thực hiện ở những cơ sở y tế uy tín và bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.
4. Quy trình thực hiện
- Trước khi thực hiện thủ thuật, bác sĩ phải giải thích thật rõ ràng về quy trình để bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hiểu vấn đề, tránh lo lắng.
- Tư thế của bệnh nhân: Thủ thuật này có thể được thực hiện trong khi ngồi hoặc nằm theo yêu cầu của bác sĩ.
- Lưng của bệnh nhân được lau kỹ bằng thuốc khử trùng.
- Một tấm phủ sẽ được đặt trên lưng người bệnh để giữ cho vùng này được vô trùng.
- Bác sĩ sẽ cẩn thận chích mũi kim giữa đốt sống vào khoảng trống có chứa dịch và rút ra khoảng vài mi-li-lít để mang đi xét nghiệm. Đây là một thủ thuật khó và có thể phải chích lại hơn 1 lần. Một lưu ý quan trọng là bệnh nhân không được nhúc nhích trong khi thực hiện thủ thuật, điều này sẽ được bác sĩ sẽ dặn dò rất kỹ trước đó. Nếu như có khó chịu hoặc cần cử động vì lý do gì, bệnh nhân có thể nói với bác sĩ để được giải quyết.
- Sau khi lấy được mẫu dịch não tủy, kim được rút ra và băng dán sẽ được đặt vào chỗ chích. Bệnh nhân hoàn toàn có thể ngồi dậy và cử động nếu muốn.
5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật
- Bệnh nhân cảm thấy hơi đau và ép nhẹ khi mũi kim chích vào, có cảm giác bị châm chích kéo dài khoảng vài giây. Nếu người bệnh cảm thấy đau nhói xuống chân, cần nói cho bác sĩ biết ngay. Bác sĩ có thể chỉnh sửa vị trí của kim để giúp cho bệnh nhân dễ chịu hơn.
- Bệnh nhân đôi khi có thể bị đau lưng dưới nhẹ sau đó (giống như vết bầm), nhưng thường sẽ tự hết.
- Một tác dụng phụ thông thường khác có thể gặp, đó là nhức đầu.
- Nếu bệnh nhân bị chứng rối loạn xuất huyết thì có nguy cơ bị chảy máu, gây tổn hại dây thần kinh và cột sống. Tuy nhiên trường hợp này thì rất hiếm gặp.
6. Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?
- Nhiễm khuẩn ( áp xe vị trí chọc, viêm màng não mủ…)
- Tụt kẹt não
- Chảy máu (gây ổ máu tụ ngoài màng cứng hoặc chảy máu dưới nhện)…
- Co giật sau khi chọc dò tủy sống
- Người bệnh có thể nôn trong thời gian làm xét nghiệm, tuy nhiên, nếu sau vài giờ hoặc vài ngày mà bệnh nhân vẫn còn nôn, cần thông báo với bác sĩ ngay.
- Người bệnh mệt mỏi và hay buồn ngủ, không chịu ăn uống.
7. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này
- Trước khi xét nghiệm, bạn cần phải cung cấp một số thông tin về tiền sử bệnh cũng như các loại thuốc mà bạn đang dùng. Trước khi tiến hành xét nghiệm, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn cho trẻ ngừng sử dụng một số loại thuốc và có một số thay đổi nhỏ trong chế độ ăn.
- Uống nhiều nước để bù lại lượng dịch não tủy bị mất. Bạn có thể uống nước trái cây hoặc ăn các món súp để tăng cường bổ sung nước cho cơ thể.
- Nghỉ ngơi sau khi làm xét nghiệm là một điều rất cần thiết để giúp cơ thể nhanh hồi phục. Không nên di chuyển nhiều hoặc hoạt động mạnh vì như vậy có thể khiến máu rỉ ra.
- Giữ cho vùng tiêm sạch sẽ và thay băng thường xuyên theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
Nguồn: Vinmec