Viêm màng não do não mô cầu

1. Tổng quan bệnh Viêm màng não do não mô cầu

Viêm màng não do não mô cầu là bệnh lý nhiễm khuẩn cấp tính xảy ra đột ngột, do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây nên, hậu quả là làm viêm màng bao quanh não và tủy sống. Bệnh này thường xuất hiện tái phát trong năm và có thể thành dịch vào mùa thu, mùa đông và mùa xuân.

Viêm màng não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn rất nghiêm trọng, có thể lấy đi sinh mạng của một người đang khỏe mạnh, đặc biệt là trẻ em trong khoảng thời gian rất ngắn sau những triệu chứng đầu tiên xuất hiện.

Hầu hết bệnh nhân bị viêm màng não do não mô cầu đều được chữa khỏi có hồi phục, tuy nhiên có khoảng 10 – 15% bệnh nhân bị bệnh này có các thương tật vĩnh viễn như tổn thương não, mất thính lực, học tập kém,…và
10 -15 % bệnh nhân tử vong kể cả đã được điều trị.

Bệnh viêm màng não do não mô cầu lưu hành ở mọi nơi trên, nó thường tản phát và có thể gây dịch.

2. Nguyên nhân của bệnh

Tác nhân gây viêm màng não mô cầu là do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây nên, nó thường nằm trong bào tương của bạch cầu đa nhân  ở dạng 2 tế bào cạnh nhau như 2 hạt cà phê và là vi khuẩn gram (-).

Vi khuẩn não mô cầu có sức đề kháng rất yếu nên chỉ sống được vài giờ khi ra ngoài cơ thể và sẽ bị diệt bởi 560C trong 30 phút hoặc 600C trong 10 phút, nhưng vi khuẩn vẫn có thể sống được -200C.

Dựa vào những kháng nguyên polyozit, chia vi khuẩn não mô cầu thành 4 nhóm chính là A, B, C và D trong đó não mô cầu nhóm A và B thường hay gặp nhất.

Ngoài ra các vi khuẩn não mô cầu còn được chia theo nhóm huyết thanh, phân làm 13 nhóm trong đó có nhóm huyết thanh W-135, X, Y và Z. Những vi khuẩn thuộc nhóm huyết thanh này thường có ít độc lực nhưng có thể gây bệnh nặng  và có khả năng gây dịch rất cao.

Bệnh do vi khuẩn não mô cầu nhóm A  gây ra chiếm tỷ lệ rất cao do nó tồn tại lâu dài ở vùng bán sa mạc Sahara ở miền trung Châu Phi.Theo thống kê của cục y tế dự phòng – Bộ y tế, ở nước ta nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh viêm màng não mô cầu là do vi khuẩn não mô cầu nhóm A.

Vào những  năm 90 của thế kỷ 20, ở nhiều nước châu Mỹ La Tinh như Mỹ, Canada, Cuba, Brazil,Colombia,… đã xảy ra các vụ dịch bệnh viêm màng não mô cầu bc do vi khuẩn não mô cầu nhóm B và C chiếm ưu thế.

3. Triệu chứng bệnh Viêm màng não do não mô cầu

Các triệu chứng bệnh viêm màng não mô cầu khác nhau ở từng bệnh nhân. Tuy nhiên các triệu chứng thường gặp là:

  • Triệu chứng sớm: Sốt cao 39 – 40 độ; buồn nôn và nôn; cáu gắt; bỏ ăn; đau đầu, chóng mặt, đau họng, chảy nước mũi.
  • Triệu chứng muộn: Xuất hiện ban đỏ ở những vùng da mỏng, đầu các ngón tay, chân; có các ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước; cứng gáy, đau cổ; sợ ánh sáng, mê sảng, lú lẫn, co giật, mất ý thức, rối loạn cảm giác.

Ở các địa phương có bệnh lưu hành, có khoảng 5 – 10% số người nhiễm não mô cầu mà không có triệu chứng lâm sàng , đây là nguồn lây truyền rất quan trọng trong cộng đồng.

Bệnh viêm màng não mô cầu tiến triển rất nhanh và nguy hiểm do đó khi bệnh nhân thấy có các triệu chứng bất thường trên, cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

4. Đường lây truyền bệnh

Phương thức lây truyền chủ yếu của bệnh lý này là lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh từ người bị bệnh.

5. Đối tượng nguy cơ

Tất cả mọi người đều có cảm nhiễm với vi khuẩn não mô cầu, do đó bất cứ ai, mọi lứa tuổi nào cũng đều có nguy cơ mắc viêm màng não do não mô cầu,  tuy nhiên nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất là lứa tuổi trẻ, thường là trẻ em và thanh thiếu niên và đây cũng ở nhóm tuổi có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất.

6. Phòng ngừa bệnh

Để phòng ngừa bệnh viêm màng não do não mô cầu, tránh lây lan thành dịch trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

  • Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
  • Giữ gìn tốt vệ sinh nơi ở, nhà trẻ, lớp học, nơi làm việc phải sạch sẽ, thông thoáng và đủ ánh sáng.
  • Chủ động tiêm phòng viêm màng não mô cầu để phòng bệnh cho trẻ, do các vắc xin này chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nên việc tiêm phòng bệnh lý này được thực hiện  tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

Có 2 loại vắc xin viêm màng não:

Vắc xin viêm màng não AC giúp phòng ngừa bệnh viêm màng não mô cầu do vi khuẩn não mô cầu tuýp A và tuýp C gây ra. Lịch tiêm vắc xin viêm màng não AC:

  • Trẻ từ 2 tuổi trở lên có thể tiêm vắc xin viêm màng não AC
  • Trường hợp trẻ trên 6 tháng tuổi đã tiếp xúc với người bệnh cũng có thể tiến hành tiêm luôn
  • Tiêm mũi nhắc lại sau mỗi 3 – 5 năm

Vắc xin viêm màng não BC giúp phòng ngừa bệnh viêm màng não mô cầu do vi khuẩn não mô cầu tuýp B và tuýp C gây ra. Vắc xin có tên VA-MENGOC-BC. Lịch tiêm vắc xin viêm màng não BC:

  • Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên – người lớn dưới 45 tuổi
  • Mỗi trẻ cần tiêm 2 mũi, mũi 2 cách mũi 1 khoảng 6 – 8 tuần.

Ngoài ra cần đặc biệt chú ý:

  • Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
  • Tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho người dân bằng cách cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh viêm  màng não do não mô cầu cho nhân dân, nhất là nơi có bệnh lưu hành, để nhân dân biết phát hiện bệnh sớm, cách ly và cộng tác với ngành y tế thực hiện phòng chống dịch trong cộng đồng.
  • Có kế hoạch chủ động phòng chống bệnh do não mô cầu hàng năm. Tăng cường giám sát tại các tuyến, đặc biệt tại các ổ dịch cũ, nơi nguy cơ cao.
  • Ngăn chặn sự thăm hỏi bệnh nhân, hạn chế hội họp, tụ tập đông người, hạn chế sự đi lại giữa nơi có dịch với nơi khác, cần đặt các trạm kiểm soát ra vào vùng dịch và cho uống hoá dược dự phòng.
  • Quản lý người lành mang mầm bệnh, người tiếp xúc bằng cách theo dõi nghiêm ngặt về nhiệt độ và các triệu chứng khác của bệnh đối với người tiếp xúc và các thành viên trong gia đình bệnh nhân để phát hiện và điều trị bệnh sớm.
  • Dùng kháng sinh nhóm beta lactam, phenicol, sulfamid để dự phòng cho người tiếp xúc, người phục vụ bệnh nhân, người ra vào vùng dịch, người sống trong các tập thể, trường học… có nguy cơ bị lây truyền và cả những người lành mang vi khuẩn để phòng bệnh rộng rãi trong vùng dịch.  
  • Xử lý môi trường bằng cách sát khuẩn tẩy uế các chất bài tiết đường mũi họng của bệnh nhân, nên nhỏ mũi họng dung dịch sunfamit hoặc penicillin cho bệnh nhân và những người tiếp xúc trong vùng dịch.

7. Các biện pháp chẩn đoán bệnh

Phương pháp chẩn đoán bệnh thường được sử dụng nhiều nhất trên lâm sàng là xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân.

Mẫu bệnh phẩm thường là:

  • Ngoáy họng lấy chất nhầy ở thành họng.
  • Lấy máu hoặc chích mụn nước hoặc ban xuất huyết.
  • Lấy dịch não tuỷ.

Phương pháp xét nghiệm;

  • Nhuộm gram soi kính hiển vi để tìm song cầu khuẩn hình hạt cà phê, gram (-), thường nằm trong bào tương của bạch cầu đa nhân.   
  • Phân lập vi khuẩn não mô cầu.

8. Các biện pháp điều trị bệnh

Kháng sinh như sunfamit, penicillin hoặc các kháng sinh khác là thuốc dùng để điều trị và dự phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu. Tuy nhiên trước khi sử dụng các thuốc này, cần phải bảo đảm chắc chắn rằng chúng vẫn còn nhạy cảm với vi khuẩn não mô cầu.

Điều trị dự phòng bằng thuốc với các chỉ định của bác sĩ

Điều trị đặc hiệu:

  • Trẻ sơ sinh đến 3 tháng tuổi dùng ampicillin 200 mg/kg và cephalosporin thế hệ III 100 mg/kg, tiêm tĩnh mạch từ 2 đến 3 lần trong 24 giờ.
  • Trẻ dưới 10 tuổi dùng ampicillin 200 mg/kg và chloramphenicol 25 mg/kg hoặc ampicillin và cephalosporin liều như trên tiêm tĩnh mạch 4 lần trong 24 giờ.
  • Đối với người lớn dùng penicillin G 2 triệu đơn vị, tiêm tĩnh mạch cách 2 giờ/lần hoặc ampicillin 2 gam, hoặc cephalosporin thế hệ III 2 gam, tiêm tĩnh mạch 4 lần trong 24 giờ. Thời gian điều trị trung bình 10 ngày.        

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *