U tuyến yên: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh U tuyến yên

Tuyến yên là một tuyến nội tiết nằm ở đáy não, có kích thước bằng hạt đậu. Tuyến yên có chức năng điều hòa sự bài tiết của các hormone tư các tuyến nội tiết như tuyến giáo và các tuyến thượng thận. Ngoài ra tuyến yên còn giải phóng những hormone gây ảnh hưởng đến xương và tuyến tiết sữa như: hormone kích thích vỏ thượng thận, hormone tăng trưởng, hormone tăng tiết sữa prolactin, hormone kích thích tuyến giáp.

U tuyến yên là hiện tượng một khối khối u nằm trong tuyến yên, gây ảnh hưởng đến các chức năng hoạt động của tuyến yên trong cơ thể. Khi khối u tăng trưởng sẽ dẫn đến hiện tượng các tế bào sản xuất ra hormone của tuyến yên bị hủy hoại, dẫn đến suy tuyến yên.

Nguyên nhân bệnh U tuyến yên

Hiện nay các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của u tuyến yên, chỉ có rất ít trường hợp bệnh nhân bị u tuyến yên do di truyền trong gia đình có người bị bệnh khổng lồ.

U tuyến yên có nguy hiểm với sức khoẻ của con người và đặc biệt nguy hiểm hơn khi không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Triệu chứng bệnh U tuyến yên

Tùy thuộc vào các loại nội tiết tố do khối u tiết ra, kích thước, vị trí, mức độ phát triển của khối u mà mỗi người bệnh lại có các triệu chứng, dấu hiệu bệnh khác nhau. Trong đó có thể chia ra 3 nhóm dấu hiệu như sau:

Rối loạn nội tiết:

  • Dấu hiệu này do tăng tiết prolactin làm cho người bị bệnh bị chậm kinh nguyệt, rối loạn kinh nguyệt hoặc mất kinh, nặng hơn có thể bị vô sinh; tiết sữa ở vú mặc dù đang không có thai hoặc có kinh nguyệt. Đối với nam giới có thể biểu hiện bằng dấu hiệu giảm ham muốn tình dục; giảm hoặc mất cương, gặp khó khăn trong sinh hoạt vợ chồng.
  • Tăng tiết nội tiết tố tăng trưởng GH làm cho người bị bệnh có những biểu hiện phát triển bất thường như: đầu to, trán rộng, trán dô, mắt to, da thô, môi dày, bàn chân và các ngón chân to bất thường…dẫn đến hình dáng người bệnh rất đặc biệt so với người bình thường.
  • Các dấu hiệu suy tuyến yên, giảm các nội tiết tố gây đến các dấu hiệu vô sinh, ăn không ngon miệng, mệt mỏi, cơ thể giảm sút cân nhanh, rụng lông, chậm phát triển hay chậm dậy thì ở trẻ em. Có một số trường hợp có dấu hiệu bị chảy máu trong u tuyến yên dẫn đến đau đầu dữ dội, mắt nhìn mờ.

Rối loạn thị giác:

Khi u tuyến yên lớn, chèn ép sẽ dẫn đến rối loạn nhìn, nhìn mờ, chỉ nhìn được một phía bên trong hay bên ngoài hoặc chỉ nhìn thấy những hình ảnh ngay trước mặt, không nhìn được ở phía bên ngoài thái dương. Khi khối u lấn sang bên vào xoang tĩnh mạch hang có thể có biểu hiện lác mắt, tê bì mặt… do chèn ép các dây thần kinh số III, IV và số V.

Tăng áp lực trong sọ:

Khi có các biểu hiện đau đầu, nôn, buồn nôn, rối loạn ý thức, thậm chí là hôn mê chính là lúc khối u đã chèn ép trong so gây tăng áp lực trong sọ. Đây cũng là một trong những dấu hiệu khi bệnh u tuyến yên đã phát triển sang giai đoạn nguy hiểm.

U tuyến yên: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Đường lây truyền bệnh U tuyến yên

Cũng giống như các bệnh bệnh liên quan đến khối u khác, u tuyến yên là bệnh không thể lây nhiễm.

Đối tượng nguy cơ bệnh U tuyến yên

Bệnh u tuyến yên có thể xảy ra mọi lứa tuổi, không phân biệt tuổi tác, đặc biệt là người già. Để hạn chế khả năng mắc bệnh, cách tốt nhất là giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.

Ngoài ra, những người có thành viên trong gia đình đã từng bị mắc bệnh tân sinh đa tuyến nội tiết loại 1 sẽ có nguy cơ cao mắc phải bệnh u tuyến yên.

Phòng ngừa bệnh U tuyến yên

Để phòng ngừa bệnh u tuyến yên, trước hết cần thay đổi những thói quen sinh hoạt và phong cách sống hàng ngày như sau:

  • Thăm khám bác sĩ thường xuyên để có thể kịp thời phát hiện và điều trị bệnh. Trong trường hợp đã mắc bệnh cần tuân thủ lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi diễn tiến của bệnh và tình trạng sức khỏe.
  • Không tự ý, tùy tiện sử dụng các loại thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ.
  • Khi có bất kỳ các biểu hiện của bệnh, kịp thời thăm khám bác sĩ để nắm bắt được tình trạng bệnh.

Các biện pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh u tuyến yên trong não, ngoài thăm khám có thể dùng các phương pháp sau:

  • Đo lường mức độ hormone thông qua việc xét nghiệm máu hoặc nước tiểu.
  • Để tìm ra khối u và đo kích thước của khối u, sử dụng phương pháp chụp cộng huởng từ.
  • Kiểm tra thị lực để xác định được những tổn thương hay gặp ở vùng thị giác.

Các biện pháp điều trị

Tùy thuộc vào kích thước cũng như mức độ ảnh hưởng của khối u mà lựa chọn phác đồ, phương pháp điều trị thích hợp. Có thể kể đến một số phương pháp điều trị u tuyến yên hiện nay: phẫu thuật, xạ trị và dùng thuốc. Điều trị u tuyến yên bằng những phương pháp cụ thể sau:

U tuyến yên: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
  • Đối với những bệnh nhân ở giai đoạn đầu của bệnh không cần điều trị hoặc có thể sử dụng thuốc dưới sự chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên với các bệnh nhân này cần duy trì việc tái khám thường xuyên để chắc chắn kích thước các khối u không phát triển.
  • Đối với các trường hợp bệnh nhân có khối u tuyến yên lớn dẫn đến chèn ép lên dây thần kinh thị giác sẽ cần phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ thông qua mũi và xoang. Nếu không thể cắt bỏ khối u bằng cách này có thể sử dụng loại bỏ khối u thông qua hộp sọ.
  • Phương pháp xạ trị được sử dụng để thu nhỏ khối u đối với những bệnh nhân không thể phẫu thuật hoặc phẫu thuật nhưng khối u vẫn bị tái phát.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *