Tuyến yên: Vị trí, chức năng, các bệnh thường gặp

1. Vị trí của Tuyến yên

Tuyến yên hay còn gọi là tuyến não thùy là một tuyến nội tiết có kích thước bằng hạt đậu và khối lượng 0.5g (0.018 oz) nằm ở sàn não thất ba, trong hố yên của thân xương bướm. Đây là một tuyến quan trọng giữ vai trò chỉ đạo hoạt động của hầu hết các tuyến nội tiết khác.

2. Cấu tạo của Tuyến yên

Dựa vào hình thể, nguồn gốc thai và chức năng, người ta chia tuyến yên làm ba thùy: thùy trước, thuỳ giữa và thuỳ sau.

2.1 Thùy trước tuyến yên(tuyến yên bạch)

Thùy trước được chia làm 3 phần: phần phễu, phần trung gian, và phần xa (hay phần hầu). Thùy trước tuyến yên có tính chất là một tuyến nội tiết thật sự, nó gồm hai loại tế bào:tế bào ưa acid tiết ra hormon GH và Prolactin, tế bào ưa kiềm tiết ra ACTH, TSH, FSH, LH, Lipoprotein…

Chức năng: các hormon này tham gia vào rất nhiều hoạt động quan trọng của cơ thể như: quyết định sự tăng trưởng của cơ thể (GH), sự tăng trưởng và phát triển các tuyến sinh dục (LH, FSH). Đặc biệt các hormon tiền yên còn có tác động điều hòa hầu hết các tuyến nội tiết khác, nên người ta gọi tuyến yên là đầu đàn trong các tuyến hệ nội tiết.

2.2 Thuỳ sau tuyến yên

Gồm các tế bào giống như các tế bào mô thần kinh đệm,các tế bào này không có khả năng bài tiết hormon. Chúng chứa các hormon do vùng dưới đồi bài tiết ra đó là Vasopressin và Oxytoxin. Chức năng của Vasopressin (ADH):hay còn gọi là hormon làm tăng hấp thu nước ở ống lượn xa và ống góp. Nếu thiếu hormon này thì nước không thể tái hấp thu ở thận gây bệnh đái tháo nhạt. Oxytoxin: đây là hormone làm tăng co bóp cơ tử cung. Phụ nữ có thai thường có nồng độ hormone này tăng cao trong máu. Đến giai đoạn sinh, tác dụng của oxytoxin làm co bóp mạnh cơ tử cung và đẩy thai nhi ra ngoài

2.3 Thuỳ giữa tuyến yên

Thường phát triển mạnh ở động vật cấp thấp, ở người chỉ phát triển ở trẻ nhỏ. Thuỳ giữa tuyến yên tiết ra MSH có tác dụng phân bố sắc tố da. Động mạch cung cấp máu cho tuyến yên là hai nhánh: động mạch tuyến yên trên và động mạch tuyến yên dưới, cả hai đều xuất phát từ động mạch cảnh trong.

3. Chức năng của Tuyến yên

Tuyến yên tiết ra nhiều loại hormon khác nhau, tác động đến các bộ phận khác nhau của cơ thể.

3.1 Thùy trước tuyến yên

Thùy trước gồm ba phần là phần phễu, phần trung gian và phần xa. Về cấu tạo được hình thành từ hai loại tế bào là tế bào ưa acid và tế bào ưa kiềm.

Thùy trước có thể xem là một tuyến nội tiết thật sự, nó tiết ra nhiều loại hormone có phạm vi tác động rất rộng từ tăng trưởng, chuyển hóa đến sinh sản,… Có thể kể đến như:

  • Hormon Adrenocorticotrophic hormone (ACTH) có chức năng kích thích tuyến thượng thận sản xuất cortisol. Cortisol có vai trò quan trọng trong trao đổi chất, kiểm soát lượng đường, điều hòa huyết áp và là yếu tố chống viêm.
  • Hormone tăng trưởng (Growth hormone -GH) tác động đến nhiều tế bào khác nhau, giúp tăng chiều cao ở trẻ em, kiểm soát khối lượng cơ bắp,và lượng mỡ trong cơ thể.
  • Hormon Prolactin khích thích tuyến vú sản xuất sữa.
  • Hormon kích thích tuyến giáp TSH kích thích tuyến giáp sản xuất hormon tuyến giáp là triiodothyronine (T3) và thyroxin (T4), giúp kiểm soát nhiều chức năng của cơ thể như nhịp tim, nhiệt độ và trao đổi chất.
  • Hormone kích thích nang trứng (Follicle-stimulating hormone – FSH) giúp kích thích buồng trứng sinh nang trứng và tinh hoàn sinh tinh trùng. Trong khi đó, hormone Luteinising hormone (LH) kích thích sự rụng trứng và kích thích các tế bào trong tinh hoàn sản xuất testosterone

3.2 Thùy sau tuyến yên

Là nơi tập trung khoảng 50.000 đầu mối thần kinh liên lạc khắp cơ thể, thùy sau sản xuất hai hormone đó là:

  • Hormone Oxytocin là kích thích sự co bóp của tử cung lúc phụ nữ chuyển dạ và giúp vú tiết sữa.
  • Hormone chống bài niệu (ADH) tác động lên thận, giúp cơ thể hấp thu lại nước từ ống lượn xa và ống góp. Nếu thiếu hormone này sẽ gây nên bệnh đái tháo nhạt, là tình trạng nước không thể tái hấp thu tại thận. Hormon ADH cũng gây tăng huyết áp.

3.3 Tuyến yên hoạt động như thế nào?

Vùng dưới đồi và tuyến yên có mối quan hệ mật thiết, thống nhất với nhau giúp cơ thể khôi phục lại sự cân bằng, đáp ứng lại những sự thay đổi của cơ thể đối với môi trường xung quanh.

Khi các hormone trong cơ thể giảm hay tăng đến một mức nhất định, các bộ phận trong cơ thể sẽ phát các tín hiệu báo đến vùng dưới đồi. Vùng dưới đồi sẽ sử dụng các hormone riêng của mình liên lạc với tuyến yên, kích thích tuyến yên sản xuất các hormone phù hợp. Các hormone của tuyến yên phóng thích vào máu, tác động đến các cơ quan đích (như thận, tuyến giáp, cơ quan sinh sản,…) và giúp các cơ quan đích này sản xuất ra các hormone riêng của nó. Các hormone được sản xuất tại cơ quan đích này sẽ điều hòa cơ thể, giúp cơ thể lập lại sự cân bằng. Ví dụ như khi nồng độ hormone T3, T4 trong máu quá cao làm tăng nhịp tim và tốc độ chuyển hóa trong cơ thể, tuyến giáp sẽ gửi tín hiệu về vùng dưới đồi, vùng dưới đồi điều khiển tuyến yên giảm sản xuất hormone TSH làm tuyến giáp giảm sản xuất hormone T3, T4.

4. Những vấn đề cần lưu ý

Trong đó suy chức năng tuyến yên tương đối phổ biến. Đây là tình trạng thiếu hụt một hoặc nhiều hormone tuyến yên. Bệnh gây nên bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể là do sự thiếu hụt bẩm sinh, do khối u tuyến yên, do viêm, do chấn tương, xâm nhiễm hoặc bệnh không rõ nguyên nhân. Bệnh thường khởi phát từ từ, dấu hiệu bệnh không rõ rệt, bệnh nhân có một số triệu chứng chung như: mệt mỏi, ăn kém ngon miệng, co cứng bụng, nôn ói, da xanh tái, rụng lông và tóc, nhiều vết nhăn ở da, hạ huyết áp tư thế đứng, nhịp tim chậm, mất kinh, teo tinh hoàn,…Sự suy giảm chức năng tuyến yên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan chịu sự tác động của hormone tuyến yên như tuyến giáp, tuyến thượng thận, cơ quan sinh dục. Trong một số trường hợp suy tuyến yên cấp có thể đe dọa mạng sống người bệnh.
Khi có những bất thường về sức khỏe và các triệu chứng cảnh báo về suy tuyến yên, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *