Có nhiều thực phẩm được cho là có thể giúp cải thiện các triệu chứng bệnh Parkinson, làm chậm sự tiến triển của bệnh, nên thêm vào chế độ ăn thường ngày. Cùng tìm hiểu nhé!
Bệnh parkinson là bệnh rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến khả năng vận động cũng như cuộc sống thường ngày của một người. Hiểu rõ về tình trạng sức khỏe này có thể giúp bạn kiểm soát tốt bệnh.
Người bệnh Parkinson không cần phải ăn kiêng. Tuy nhiên, thức ăn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc điều trị Parkinson. Bên cạnh đó, thức ăn giúp làm giảm các triệu chứng ngoài vận động của bệnh như táo bón và huyết áp thấp.
Sơ lược về bệnh Parkinson
Parkinson là gì?
Bệnh Parkinson là một rối loạn cấp cao của hệ thần kinh có ảnh hưởng đến vận động. Bệnh không khởi phát ngay lập tức mà sẽ phát triển dần dần, thường bắt đầu ở một tay. Các chuyên gia tin rằng tình trạng run có thể là dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh lý này. Một số rối loạn bổ sung cũng thường gây ra độ cứng hay chậm của chuyển động.
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết:
Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh Parkinson có thể khác nhau tùy vào mỗi người. Các dấu hiệu và triệu chứng sớm có thể nhẹ và không được chú ý. Các triệu chứng thường xuyên bắt đầu ở một bên của cơ thể và tiếp tục nặng hơn ở bên đó, ngay cả sau khi các triệu chứng bắt đầu ảnh hưởng đến cả hai bên.
Một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến khác của bệnh Parkinson có thể bao gồm:
- Các cơn run bắt đầu ở ngón tay, có thể di chuyển qua lại giữa ngón tay cái và ngón trỏ.
- Gặp khó khăn trong việc thực hiện các động tác đơn giản, ví dụ như thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng.
- Cứng khớp và cơ bắp, từ đo hạn chế phạm vi chuyển động và gây đau ở mỗi cử động.
- Giữ thăng bằng kém.
- Giảm khả năng thực hiện các chuyển động tự động, vô thức (chớp mắt, mỉm cười hoặc đung đưa cánh tay khi đi bộ…)
- Thay đổi cách nói chuyện hoặc viết chữ
Các thực phẩm, thực phẩm bổ sung tốt cho người bệnh Parkinson
Thực phẩm giàu probiotics
Đây là các thực phẩm có chứa các vi sinh vật (các lợi khuẩn hoặc nấm men) tốt cho sức khỏe, giúp thúc đẩy cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, bổ sung các thực phẩm giàu probiotics (như sữa chua, kefir, kimchi…) có thể giúp kiểm soát triệu chứng táo bón ở người bệnh Parkinson.
Thêm vào đó, các thực phẩm giàu probiotics cũng có thể giúp khắc phục hội chứng loạn khuẩn ở ruột non. Đây là tình trạng các vi khuẩn đường ruột phát triển quá mức (gấp khoảng 100 – 1.000 lần số lượng bình thường) và gây ra các triệu chứng đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy, giảm cân. Hội chứng loạn khuẩn ở ruột non cũng có xu hướng phổ biến hơn với người bệnh Parkinson so với người không mắc bệnh.
Các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Chế độ ăn nhiều các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa (như các loại rau củ, trái cây, quả mọng, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và quả hạch…) có thể chống lại các gốc tự do, giảm tình trạng stress oxy hóa gây tổn thương tế bào. Do đó, ăn nhiều các thực phẩm này có thể giúp bảo vệ các tế bào thần kinh, tế bào não cho người bệnh Parkinson.
Ăn nhiều các thực phẩm này có thể giúp bảo vệ các tế bào thần kinh, tế bào não cho người bệnh Parkinson.
Trà và cà phê
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nồng độ caffeine cao có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson. Theo đó, caffeine và các chất oxy hóa mạnh mẽ có nhiều trong các thức uống như cà phê, trà… có thể góp phần bảo vệ các tế bào thần kinh trong não. Thực tế cho thấy cũng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thói quen uống trà, cà phê thường xuyên giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh Parkinson.
Nghiên cứu từ Trường Y Rutgers-Robert Wood Johnson (Mỹ) cho thấy caffeine và eicosanoyl-5-hydroxytryptamide (EHT) trong cà phê có thể kết hợp cùng nhau để ngăn chặn các thay đổi sinh hóa liên quan đến sự phát triển của bệnh Parkinson.
Một nghiên cứu khác trên động vật cũng chỉ ra rằng các chất chống oxy hóa trong trà đen có tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn cần thêm các nghiên cứu khác để xác định chính xác ngoài caffeine, các chất nào trong trà có thể giúp làm giảm nguy cơ phát triển bệnh Parkinson.
Với người đã mắc bệnh Parkinson, các chuyên gia vẫn đang cố gắng tìm hiểu liệu bổ sung caffeine có giúp khắc phục triệu chứng bệnh hay không. Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng thường xuyên bổ sung caffeine ở lượng vừa phải có thể giúp cải thiện khả năng vận động, cải thiện các triệu chứng không thuộc vận động trong vòng 4 năm sau chẩn đoán bệnh Parkinson.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.