Thoạt nghe thì prebiotic và probiotic có vẻ giống nhau nhưng thực chất chúng là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Đừng nhầm lẫn bạn nhé.
Probiotic và prebiotic là hai khái niệm có trong dinh dưỡng ngày nay. Trong khi Probiotic là vi khuẩn có lợi thì prebiotic là thức ăn cho những vi khuẩn này. Cụ thể thế nào mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây.
Phân biệt prebiotic và probiotic
Probiotic là các sinh vật sống, thường là các chủng vi khuẩn cụ thể. Đây là vi khuẩn có lợi cho đường ruột thường được bổ sung trực tiếp bằng cách uống men vi sinh, từ thực phẩm và chất bổ sung. Nguồn cung cấp Probiotic phổ biến nhất có thể kể đến là sữa chua. Ngoài ra, các thực phẩm như dưa cải muối, trà kombucha và kim chi cũng là nguồn cung cấp probiotic tốt. Hấp thụ các chế phẩm sinh học dạng viên như cốm hoặc dạng lỏng theo ống cũng là một cách bổ sung probiotic.
Khác với probiotic, prebiotic được tìm thấy trong các loại trái cây và rau quả, có nhiều ở loại có chứa carbohydrate (carbs) phức hợp như chất xơ và tinh bột đề kháng. Cơ thể chúng ta không tiêu hóa những loại carbs này nên chúng đi đến ruột già và trở thành thức ăn cho các lợi khuẩn đường ruột.
Nói tóm lại, hệ thống tiêu hóa chứa hàng nghìn tỷ vi khuẩn cả tốt và xấu. Prebiotic là chất xơ hòa tan làm nguồn thức ăn cho các lợi khuẩn, giúp chúng phát triển khỏe mạnh trong ruột. Từ đó, khả năng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng được cải thiện đáng kể.
Tác dụng của prebiotic
Ngoài việc nuôi dưỡng các lợi khuẩn có trong đường ruột, prebiotic còn có thể: giúp cơ thể hấp thu canxi, thay đổi tốc độ thực phẩm chuyển hóa thành đường, hạn chế việc chỉ số đường huyết tăng đột biến; làm thực phẩm lên men nhanh hơn nên thời gian nằm lại trong hệ thống tiêu hóa ít hơn, giúp nhu động ruột đều đặn hơn và cuối cùng là giữ cho các tế bào đường ruột khỏe mạnh.
Bổ sung prebiotic và probiotic bằng cách nào?
Để bổ sung và cân bằng các lợi khuẩn trong hệ đường ruột của bạn thì việc cung cấp probiotic và prebiotic là điều vô cùng cần thiết.
Những thực phẩm chứa Prebiotic
Bạn có thể bổ sung prebiotic cho cơ thể bằng cách ăn nhiều loại trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt như:
- Trái cây: các loại quả mọng (dâu tây, việt quất, mâm xôi…), chuối, táo;
- Các loại rau xanh;
- Lúa mạch, yến mạch, lúa mì;
- Các loại cây họ đậu như: đậu nành, đậu lăng, đậu gà, đậu thận, đậu phộng,…;
- Rễ cây diếp xoăn;
- Tỏi, hành tây, hành tím, hành ba rô;
- Măng tây;
- Cà chua;
- Ca cao…
Ngoài rau củ, prebiotic cũng có thể được bổ sung qua các thực phẩm khác như: sữa bột trẻ em, sữa chua, bánh mì, bánh quy và ngũ cốc. Những sản phẩm này có thể không ghi “prebiotic” trên nhãn hiệu, do đó hãy kiểm tra thử các thông tin như sau: Galactooligosaccharide, Fructooligosaccharide, Oligofroza, Sợi rễ cây diếp xoăn, Inulin.
Prebiotic cũng có thể được bổ sung qua chế phẩm sinh học. Tuy nhiên, tốt hơn hết là bạn nên bổ sung prebiotic bằng thực phẩm.
Prebiotic có nhiều trong các loại trái cây.
Thực phẩm chứa Probiotic
Sữa chua được biết đến là loại thực phẩm chứa nhiều probiotic nhất. Nếu bạn muốn bổ sung lợi khuẩn, hãy chọn loại sữa chua nguyên chất, chất lượng cao. Ngoài ra, thực phẩm lên men cũng là một nguồn bổ sung probiotic tuyệt vời. Chúng bao gồm: Kim chi, Sauerkraut, trà Kombucha, Kefir, một số loại dưa chua không tiệt trùng và các loại rau ngâm không tiệt trùng.
Ngoài ra, một số chế phẩm hiện nay cũng cung cấp probiotic. Những chế phẩm này rất phổ biến, đa dạng về chủng loại và số lượng vi khuẩn. Tuy vậy, chúng thường không có nguồn thức ăn để vi khuẩn ăn. Trong khi một số chế phẩm được sản xuất để mang vi khuẩn đến ruột non, có tác dụng tốt cho sức khỏe thì những loại khác có thể bị acid dạ dày tiêu diệt số lượng lớn vi khuẩn tốt. Bởi vậy, trước khi quyết định bổ sung probiotic bằng chế phẩm, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước.
Để đường ruột luôn khỏe mạnh thì bạn cần đảm bảo sự cân bằng giữa các loài vi khuẩn khác nhau trong ruột. Để làm được điều này, bạn có thể bổ sung thêm lợi khuẩn sống trực tiếp (probiotic) hoặc nuôi các lợi khuẩn có sẵn bằng cách ăn các loại thực phẩm làm thức ăn cho chúng (prebiotic). Tuy là hai khái niệm khác nhau nhưng chúng đều có mục đích là bảo vệ hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.