Nhận biết dấu hiệu bệnh uốn ván sớm sẽ giúp bạn kịp thời điều trị cũng như ngăn chặn được những biến chứng nguy hiểm của bệnh. Việc lơ là dấu hiệu bệnh uốn ván sẽ khiến tình trạng bệnh nặng thêm và không thể kiểm soát.
Dấu hiệu bệnh uốn ván mà bạn cần phải biết
Ngay khi bạn bị thương, nếu không có bất cứ biện pháp kháng khuẩn nào, mà trước đó chưa tiêm ngừa uốn ván, thì rất có nguy cơ bạn sẽ mắc bệnh.
Từ khi vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể cho tới khi phát bệnh sẽ trải qua nhiều giai đoạn. Thường sẽ có 4 giai đoạn là thời kỳ ủ bệnh, thời kỳ khởi phát, thời kỳ toàn phát, và cuối cùng là thời kỳ phục hồi.
Nhận biết dấu hiệu bệnh uốn ván qua từng thời kỳ sẽ giúp kiểm soát được tình trạng bệnh, cũng như hỗ trợ điều trị bệnh tốt hơn.
1. Thời kỳ ủ bệnh
Đây là thời gian mà bạn bị thương cho tới lúc dấu hiệu cứng hàm xuất hiện. Khoảng thời gian là từ 6 – 12 ngày.
Trong giai đoạn này, bệnh không có biểu hiện gì rõ rệt. Tuy nhiên, thời gian ủ bệnh có thể tiên lượng được tình trạng bệnh của bạn. Nếu thời gian ủ bệnh ngắn, chứng tỏ bạn bị nhiễm vi khuẩn uốn ván khá nặng.
2. Thời kỳ khởi phát
Dấu hiệu đầu tiên và duy nhất của thời kỳ này là tình trạng cứng hàm. Người bệnh sẽ có biểu hiện khó khăn khi há miệng, khi nhai. Hai bên quai hàm bị đau, răng có biểu hiện khít chặt lại, hàm trở nên cứng hơn. Thậm chí có thể làm khuôn mặt người bệnh bị biến dạng.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể có biểu hiện sốt nhẹ trong giai đoạn này, và trong người luôn có cảm giác mệt mỏi.
3. Thời kỳ toàn phát
Ở thời kỳ này, người bệnh sẽ có 3 biểu hiện chính sau đây:
Tình trạng co cứng cơ
Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến sự đau đớn cho người bệnh. Dấu hiệu bệnh uốn ván biểu hiện bằng việc cứng hàm ngày càng rõ rệt khiến mặt bệnh nhân bị biến dạng nhăn, cười mếu. Tùy vào tình trạng cũng như nhóm cơ bị co cứng mà bệnh nhân sẽ có tư thế nằm khác nhau.
- Nhóm cơ co duỗi bị co cứng thì người bệnh sẽ có dấu hiệu cổ và người ưỡn ra sau.
- Nhóm cơ gấp bị co cứng thì người bệnh sẽ có tư thế nằm kiểu cong lưng tôm.
- Nếu đồng thời cả hai nhóm cơ trên bị co cứng thì người bệnh sẽ có biểu hiện nằm tư thế uốn vặn thẳng.
- Trường hợp khác nếu như vùng cơ bụng bị co cứng thì vùng bụng sẽ có biểu hiện cứng như gỗ.
- Bàn chân của người bệnh sẽ có biểu hiện duỗi thẳng như chân ngựa khi các chi dưới bị co cứng
- Các chi trên như cơ tay bị co cứng thì tay co lại và khép vào.
- Đặc biệt, nếu cơ hô hấp bị co cứng mạnh thì người bệnh cần được mở khí quản để ngăn ngừa tình trạng suy hô hấp. Do lúc này, ngực của bệnh nhân bị chẹn, làm đờm dãi bị ứ đọng, khiến người bệnh khó khăn khi hô hấp.
Ở những thời kỳ bệnh khác nhau thì dấu hiệu bệnh uốn ván sẽ biểu hiện khác nhau.
Tình trạng co giật
Người bệnh dễ bị kích thích với nhiều thứ, nhạy cảm với ánh sáng, tiếng động, các hoạt động thăm khám hay tiêm chích. Đôi khi, trong tình trạng co giật nhưng bệnh nhân vẫn hoàn toàn tỉnh táo.
Cơ năng bị rối loạn
Các hoạt động thường ngày của người bệnh bị rối loạn, có thể kể đến như cổ họng không thể nuốt được kể cả nước bọt nên phải khạc nhổ. Đờm dãi tiết nhiều và bị ứ đọng, luôn cảm thấy khó thở.
Do tình trạng co cứng bụng nên bị đau vùng thượng vị. Hậu môn, bàng quang bị co thắt nên đại tiện hay tiểu tiện bị khó khăn.
Dấu hiệu bệnh uốn ván khác trong giai đoạn này có thể kể đến như việc toàn thân bị sốt từ 40 – 41 độ, ý thức có lúc tỉnh táo, có lúc như rối loạn thần kinh thực vật. Da mặt thay đổi lúc đỏ lúc tái, mồ hôi tiết ra nhiều, mạch đập nhanh.
4. Thời kỳ hồi phục
Phụ thuộc vào tình trạng bệnh cũng như sức khỏe người bệnh mà thời gian hồi phục của mỗi người là khác nhau. Thường thì khi các dấu hiệu bệnh uốn ván giảm dần là lúc cơ thể người bệnh dần hồi phục. Để bệnh lành hẳn thì mất khoảng vài tuần đến vài tháng.
Bên cạnh nhận biết dấu hiệu bệnh uốn ván, bạn cũng cần phải tìm hiểu những biến chứng của bệnh để phòng ngừa trước.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh uốn ván có thể bạn chưa biết
Việc xem nhẹ các dấu hiệu bệnh uốn ván sẽ dẫn đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm.
Xem nhẹ dấu hiệu bệnh uốn ván sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Người bệnh sẽ gặp các tai biến về hô hấp, đột ngột ngừng thở do đường hô hấp bị tắc nghẽn vì đờm dãi hay dị vật trong cổ họng không được lấy ra.
Các cơn co giật kéo dài khiến người bệnh bị nhồi máu cơ tim, tắc mạch máu phổi. Hay thậm chí trụy tim do độc tố của uốn ván. Không chỉ vậy, người bệnh còn bị nhiều biến chứng nguy hiểm khác liên quan đến cơ, thận, bị suy dinh dưỡng do không thể ăn, hoặc bị chứng lở loét tỳ đè nếu như nằm một tư thế trong thời gian dài.
Để tránh khỏi những biến chứng của bệnh thì tốt nhất nên phòng ngừa uốn ván ngay từ đầu, chủ động tìm hiểu các chương trình tiêm chủng uốn ván, tiêm đầy đủ liều để bảo vệ bản thân và gia đình tốt nhất.
Bài viết vừa mang đến thông tin cho bạn về dấu hiệu bệnh uốn ván cũng như những biến chứng nguy hiểm của uốn ván mà bạn cần lưu ý. Để có thêm thông tin chi tiết và chính xác, vui lòng đến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.