Chì là một kim loại nặng nguy hiểm và thường tích tụ trong cơ thể, gây những biến chứng nghiêm trọng cho sức khoẻ và gây suy nhược thần kinh. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết triệu chứng nhiễm độc chì và điều trị nhiễm độc chì như thế nào. Bài viết sau đây sẽ giải đáp cụ thể những thắc mắc ấy.
Chì tích lũy nhiều trong cơ thể sẽ gây nhiễm độc và hại thần kinh con người. Nhận biết triệu chứng nhiễm độc chì và phương pháp điều trị nhiễm độc chì là kiến thức cần nắm vững cho chúng ta để bảo vệ bản thân và gia đình.
Nhiễm độc chì là gì?
Chì và các hợp chất của chì có độc tính gây hại đến các mô và tế bào của con người. Khi bị chì nhiễm vào cơ thể, chì sẽ len lỏi vào các tế bào, đi tiếp vào đường hô hấp, nhanh chóng thâm nhập vào máu.
Đồng thời, nếu chì hấp thụ qua đường tiêu hóa cũng sẽ di chuyển vào quá trình lưu thông máu dẫn đến ngộ độc.
Nhiễm độc chì có các triệu chứng là tiêu chảy, đau đầu, tim đập nhanh, tuy nhiên bệnh nhân nhiễm độc chì lâm sàng phải nhập viện xảy ra không nhiều.
Hầu hết các trường hợp trẻ em bị nhiễm độc chì đều bắt nguồn từ việc ăn uống, tiếp xúc chì từ đường miệng dẫn chì vào hệ tiêu hóa.
Triệu chứng nhiễm độc chì
Khi nhiễm độc chì, ở trẻ em sẽ có các triệu chứng như hôn mê, co giật, ngủ lịm từng lúc, liệt, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất các kỹ năng học, học kém, chậm phát triển tinh thần. Khi trẻ có biểu hiện nặng trên thần kinh trung ương (hôn mê, co giật), 25-30% số trẻ này có di chứng (chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt) vĩnh viễn. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị đau bụng, chán ăn, thiếu máu. Đa số trẻ bị ngộ độc chì có biểu hiện bệnh rất kín đáo, rất dễ bị bỏ sót, chỉ có thể phát hiện thấy khi khám chuyên khoa kỹ lưỡng và xét nghiệm. Đây là một điều đáng lo ngại.
Trong khi đó, đối với người lớn, biểu hiện nhiễm độc chì là lơ mơ, lẫn lộn, mê sảng, dễ buồn ngủ, mất ngủ, hôn mê, co giật, đau đầu, mất trí nhớ, liệt. Miệng có vị kim loại, chán ăn, táo bón, đau bụng từng cơn, đau cơ, yếu cơ, đau khớp, thiếu máu. Đặc biệt, nhiễm độc chì ở người lớn làm giảm ham muốn tình dục, giảm khả năng sinh đẻ, dễ sảy thai, đẻ non, chậm phát triển thai, dị dạng thai…
Điều trị ngộ độc chì như thế nào?
Cần có sự xét nghiệm nhiễm độc chì trong máu để biết được mức độ nặng nhẹ, từ đó quyết định phương pháp điều trị phù hợp.
Nhiễm độc chì ở mức nhẹ
Cần hướng dẫn kiến thức về bệnh nhiễm độc chì thông qua hình thức giáo dục sức khỏe, đề phòng những nguyên nhân có thể dẫn đến nhiễm chì.
Rửa tay tắm rửa sạch sẽ thường xuyên, không tiếp xúc với môi trường có chứa chì.
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, bổ sung canxi, kẽm và các khoáng chất, các nguyên tố vi lượng, vitamin nếu cần thiết. Thường xuyên kiểm tra khám bệnh định kỳ để biết mức độ nhiễm bệnh.
Nhiễm độc chì ở mức nặng
Cần phải sử dụng phương pháp uống thuốc để loại bỏ chì như: calcium disodium Edetate (CaNa2EDTA), DMSA (DMSA), Dimercaprol (BAL).
Lưu ý rằng những loại thuốc này có tác dụng phụ rất lớn, ảnh hưởng đến tim, gan, thận và các hiệu ứng tổn thương cơ quan khác.
Đồng thời có thể làm rối loạn, ức chế các khoáng chất, nguyên tố vi lượng và nước, mất cân bằng điện giải.
Khi sử dụng các thuốc này phải nhập viện để được theo dõi sự thay đổi của các chức năng gan và thận ECG, nước, điện giải và nguyên tố vi lượng và các thay đổi khác.
Chú ý đến bảo vệ chức năng của gan, thận và tim, kịp thời bù nước và cân bằng điện giải, bổ sung canxi, kẽm, sắt, các khoáng chất và nguyên tố vi lượng khác.
Làm gì khi bị nhiễm độc chì?
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, trong trường hợp nghi ngờ bị nhiễm chì, hãy đến các bệnh viện để yêu cầu xét nghiệm độc chất này trong máu cũng như làm các xét nghiệm lâm sàng. Tiếp đó, ngừng tiếp xúc với nguồn chì gây ra ngộ độc. Và sau cùng là chữa các biểu hiện ngộ độc (hôn mê, co giật cần được cấp cứu, truyền máu nếu thiếu máu nặng); tẩy độc khi mới tiếp xúc với chì -chì còn ở trên da, mắt, trong đường tiêu hóa và chưa hấp thu vào máu. Có thể tắm rửa bằng xà phòng, rửa dạ dày, rửa ruột, nội soi gắp chì trong đường tiêu hóa ra ngoài. Dùng thuốc giải độc để chì được đào thải qua nước tiểu. Điều trị ngộ độc chì cần thời gian, có thể kéo dài hàng tháng đến hàng năm do chì thường gắn chặt ở xương.
Ăn gì để giải độc chì?
Khi bạn biết rằng cơ thể có nguy cơ nhiễm độc chì, nên ngay lập tức điều chỉnh chế độ ăn uống để giảm nhẹ triệu chứng bệnh.
Ăn thực phẩm giàu vitamin C
Khi Vitamin C kết hợp với chì sẽ tạo nên chất không hòa tan trong nước, sẽ được đào thải ra ngoài cùng chất thải.
Liều lượng mỗi ngày ít nhất 150mg vitamin C, nếu có các triệu chứng của nhiễm độc chì cần phải được tăng lên đến 200mg đối với trẻ em.
Vitamin C có nhiều nhất trong các loại trái cây, rau quả như cam chua, chanh, lựu, táo gai, táo, dâu tây, ớt tươi, bắp cải, tỏi, mù tạt, cà chua, súp lơ.
Thực phẩm giàu protein và chất sắt
Đạm và sắt có thể thay thế chì kết hợp với mô hữu cơ, đẩy nhanh sự trao đổi chất để đào thải chì.
Các thực phẩm giàu protein và sắt như trứng, sữa, thịt nạc, các loại rau xanh, trái cây, rau bina, cần tây, rau dền, cà chua, cam quýt, đào, mận, mơ, dứa…
Tỏi
Thực phẩm sẽ giúp đào thải triệu chứng nhiễm độc chì.
Chất allicin trong tỏi có thể được kết hợp với chì để trở thành các hợp chất không độc hại. Ngoài ra, pectin có vai trò lớn trong việc ức chế sự hấp thu chì.
Sữa chua
Sữa chua có tác dụng kích thích nhu động ruột và giảm sự hấp thụ chì trong quá trình tiêu hóa, nên ăn sữa chua với lượng phù hợp.
Nhiễm độc chì thực sự rất nguy hiểm và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể cũng như sức khỏe của con người. Nếu có những triệu chứng nhiễm độc chì, bạn nên đến ngay bệnh viện hoặc trung tâm y tế để xét nghiệm lâm sàng để có phương pháp điều trị kịp thời. Hơn nữa, tập thực hiện những thói quen lành mạnh và ăn uống khoa học cũng sẽ giúp cơ thể thải độc chì đáng kể.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.