Những lưu ý quan trọng khi phòng bệnh mùa cúm

Tiêm phòng cúm là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe của mọi người ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt khi Việt Nam có số trường hợp bị cúm gia tăng nhanh chóng trong thời tiết lạnh. Tuy nhiên, khi tiêm phòng cúm mọi người nên hiểu rõ những điều này.

Thời tiết lạnh sâu cùng với ô nhiễm môi trường đang diễn biến phức tạp đã làm gia tăng bệnh nhân đến khám và điều trị tại các bệnh viện, đặc biệt là bệnh cúm. Tại các bệnh viện tuyến trên ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, số người nhập viện tăng khoảng 20 – 30% so với mùa hè. Theo các chuyên gia cho biết, đây là một trong các nguyên nhân khiến bệnh cúm lây lan nhanh.

Bệnh cúm mùa là gì?

Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, sổ mũi, đau họng, ho, đau cơ, mệt mỏi. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do chủng vi rút cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Cúm có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, thông qua các giọt nước bọt li ti hay dịch tiết mũi họng khi hắt hơi, ho khạc của người bệnh. 

Hiện tại vẫn chưa có thuốc điều trị cúm đặc hiệu, việc điều trị chủ yếu là chăm sóc, nâng cao thể trạng, theo dõi sức khỏe để không bội nhiễm và không lây bệnh cho người khác.

Trong trường hợp phát hiện và điều trị đúng hướng, bệnh cúm thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 – 7 ngày. Nhưng đối với trẻ em, người già, người có sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. 

Những trường hợp nên tiêm vắc xin cúm

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là chủ động tiêm vắc xin cúm, đặc biệt với những đối tượng:

  • Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi. 
  • Phụ nữ mang thai. 
  • Người cao tuổi, đặc biệt là người trên 65 tuổi. 
  • Người mắc các bệnh lý mạn tính như: hen, viêm phổi, bệnh tim mạch, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch do điều trị hoặc do mắc HIV/AIDS, suy thận.
Tiêm vắc xin cúm là cách hiệu quả nhất để phòng bệnh

Những trường hợp không nên chủng ngừa cúm

Mặc dù vắc xin cúm có khả năng phòng bệnh rất cao nhưng ở một số trường hợp lại không nên tiêm vắc xin này. Cụ thể

  • Trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi. 
  • Trẻ từng có phản ứng nghiêm trọng với vắc xin cúm trong quá khứ. 
  • Nếu trẻ bị dị ứng với trứng hoặc nghi ngờ dị ứng với trứng, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho bé tiêm phòng bởi loại vắc xin này được nuôi trong trứng gà và có thể chứa đặc tính của protein trứng. Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể chủng ngừa cúm nếu chỉ bị phát ban khi tiếp xúc với trứng. 
  • Nếu trẻ không khỏe hoặc bị sốt, bạn phải báo cho bác sĩ biết trước khi tiêm.

Phản ứng phụ có thể xảy ra khi tiêm phòng vắc xin cúm

Phản ứng phụ thường gặp nhất của vắc xin ngừa cúm (đối với cả trẻ em và người lớn) là đau ở chỗ được tiêm. 

Ngoài ra, trẻ em, đặc biệt là những người chưa từng nhiễm virus cúm, có thể bị sốt nhẹ, cảm thấy đau và mệt mỏi. Những triệu chứng này có thể kéo dài đến 2 ngày. 

Các phản ứng dị ứng rất hiếm hoi nhưng cũng có thể xảy ra với bất cứ loại vắc xin nào. Tốt nhất là sau khi tiêm vắc xin, bạn nên nghỉ ngơi tại chỗ khoảng 30 phút, nếu không thấy có phản ứng bất thường thì mới về nhà.

Bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ về cách nhận biết để xem bản thân hoặc con bạn có gặp bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào không.

Sau khi tiêm vắc xin có thể gặp một số phản ứng phụ

Biện pháp phòng bệnh cúm mùa

Để đảm bảo sức khỏe cộng đồng, phòng chống cúm mùa, bên cạnh việc phòng cúm bằng vắc xin, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên thực hiện tốt những lưu ý sau:

  • Phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
  • Trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mạn tính, người có sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch kém cần tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh cúm và kể cả trường hợp nghi mắc cúm.
  • Đảm bảo vệ sinh cá nhân và môi trường sống.
  • Có chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý để tăng cường đề kháng.
  • Chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện nghi ngờ bệnh cúm cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
  • Không tự ý sử dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.

Bệnh cúm mùa nếu được phụ huynh quan tâm hơn thì rất dễ để phòng bệnh cho trẻ. Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp bạn có những phương pháp phòng bệnh an toàn và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình một cách tốt nhất.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *