Những tháng gần đây tình hình mắc bệnh bạch hầu ở nước ta tăng cao nhanh chóng. Đáng nói hơn, đây là căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong khá cao. Do vậy, ngay từ bây giờ chúng ta cần nhận biết sớm dấu hiệu mắc bệnh và có biện pháp phòng tránh kịp thời nhất.
Bạch hầu tuy đã có thuốc chữa trị đặc hiệu nhưng trước diễn biến phức tạp hiện nay, bệnh có thể bùng phát thành dịch nếu không được phát hiện kịp thời. Nhất là khi các dấu hiệu phát bệnh không rõ ràng hoặc người mắc bệnh chủ quan, không theo dõi kỹ.
Bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu hay còn có tên gọi tiếng anh Diphtheria. Đây là một loại bệnh truyền nhiễm thuộc họ Corynebacteriaceae gây ra. Bệnh thường xuất hiện với hiện tượng nhiễm khuẩn cấp tính tạo ra giả mạc ở amidan, hầu họng, thanh quản và mũi.
Ngoài ra, bệnh còn có thể xuất hiện ở các niêm mạc khác như kết mạc mắt, bộ phận sinh dục và ngoài da.
Các tổn thương của bệnh chủ yếu là do vi trùng gây ra, vừa khiến nhiễm độc vừa khiến nhiễm trùng nguy hiểm. Đối tượng mắc bệnh phổ biến là trẻ em dưới 15 tuổi và người lớn chưa được tiêm vắc xin ngừa bạch hầu.
Triệu chứng thường thấy của bệnh bạch hầu là gì?
Để phòng tránh sớm bệnh bạch hầu, ngay từ bây giờ chúng ta hãy nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh. Cụ thể, trong 2-5 ngày đầu khởi phát bệnh người bị sẽ gặp các triệu chứng sau:
- Đau họng và khàn giọng.
- Hạch bạch huyết ở cổ sưng to.
- Chảy nước mũi.
- Cảm thấy khó thở hoặc thở rất nhanh, thở gấp.
- Giả mạc hai bên họng chuyển sang màu trắng ngà, xám, đen và dai, dễ chảy máu.
- Sốt kèm theo cảm giác ớn lạnh và khó chịu.
Bên cạnh đó, cũng có trường hợp đã bị lây nhiễm vi khuẩn bạch hầu nhưng người bệnh không có các dấu hiệu rõ ràng. Vì thế khả năng lây lan cho cộng đồng rất cao và đáng lo ngại thực sự.
Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào?
Bạch hầu tuy là căn bệnh xuất hiện từ rất lâu nhưng do quy trình tiêm vắc xin đầy đủ nên nhiều năm qua chúng ít có khả năng xâm nhập lại trong cộng đồng. Nhất là tại các quốc gia phát triển phương Tây vắc xin bạch hầu được tiêm ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ.
Còn ở Việt Nam do chưa nhận thức được mối nguy hại từ căn bệnh này nên nhiều người vẫn còn tâm lý khá chủ quan. Đó cũng là nguyên nhân chính khiến dịch bạch hầu dễ dàng bùng phát gây ra các biến chứng khó lường.
Đáng nói hơn, bạch hầu có thể lây lan rất nhanh chóng từ người này qua người khác thông qua giọt nước trong không khí. Chỉ cần một người bị bệnh ho hoặc hắt hơi thì khả năng cao những người xung quanh cũng sẽ bị lây nhiễm, nhất là ở nơi có đông người.
Mặt khác, qua việc sử dụng chung vật dụng cá nhân như cốc nước, khăn mặt chúng ta cũng rất dễ bị lây lan bạch hầu từ người bệnh.
Nếu không được điều trị kịp thời, căn bệnh này sẽ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm sau đây:
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu
Khó thở: Các độc tố tiết ra từ vi khuẩn bạch hầu sẽ gây tổn thương nhiễm trùng vùng cổ và họng. Từ đó tạo ra lớp màng gồm tế bào chết và vi khuẩn ngăn cản khiến việc hô hấp ở người bệnh trở nên khó khăn hơn.
Nguy cơ đau tim: độc tố từ bệnh bạch hầu cũng sẽ di chuyển theo đường máu và làm tổn thương lên các cơ quan khác trong cơ thể, trong đó có tim. Nếu chuyển biến nặng người bệnh sẽ bị suy tim sung huyết thậm chí là đột tử.
Tổn thương hệ thần kinh: khi mắc bạch hầu thời gian dài ngày chúng ta sẽ rất dễ bị tổn thương hệ thần kinh, gây ra triệu chứng khó nuốt, viêm cơ, yếu cơ ở cánh tay, chân, hoặc tê liệt tạm thời.
Tuy rằng các dấu hiệu này có thể hồi phục khi người bệnh được chữa lành, nhưng khả năng phục hồi thường rất chậm. Ngay cả khi đang được điều trị người bệnh cũng có nguy cơ tử vong cao.
Cách phòng tránh bệnh bạch hầu kịp thời nhất
Tuy rằng đã có thuốc đặc hiệu chữa trị bạch hầu nhưng trước tình hình diễn biến phức tạp bệnh này cũng có thể gây ra nhiều tổn thương nguy hiểm. Điển hình là gây hại cho tim, thận và hệ thần kinh ở người bệnh. Do vậy, nhằm ngăn chặn sớm nhất nguy cơ mắc bạch hầu, chúng ta cần ghi nhớ cách phòng tránh kịp thời sau đây:
- Nên uống thuốc phòng và tiêm vắc xin ngừa bạch hầu kịp thời cho tất cả thành viên trong gia đình.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc đến nơi đông người.
- Che miệng khi hắt hơi, giữ gìn vệ sinh răng miệng, thường xuyên súc miệng để cổ họng luôn sạch sẽ, giúp vi khuẩn không có cơ hội xâm nhập.
- Khi có một trong số các dấu hiệu nghi ngờ mắc bạch hầu thì nên chủ động đi khám ngay. Tránh trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, bùng phát thành dịch sẽ gây khó khăn cho công tác điều trị.
Ngoài ra, bạch hầu vốn không nằm trong nhóm bệnh được bảo hiểm hỗ trợ. Cho nên người bệnh sẽ phải chi trả một khoản tiền chữa trị khá lớn dao động từ 40-70 triệu đồng.
Đặc biệt, bệnh này cũng không có tính miễn dịch trọn đời nên khả năng chữa khỏi tái mắc lại là cực kỳ cao. Vì thế, để ngăn chặn kịp thời nguy cơ mắc bạch hầu, chúng ta hãy tuân thủ theo các chỉ dẫn trên đây và đề cao công tác phòng bệnh song song với chữa bệnh.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.