Cảnh báo tốc độ dịch tay chân miệng lây lan đáng kinh ngạc

Theo dự báo thì tốc độ mắc bệnh tay chân miệng trên cả nước có nguy cơ gia tăng trong thời gian gần đây bởi tính chất lây lan quá nhanh, trong số đó có nhiều ca nặng đã phải nhập viện điều trị.

Hiện tại mỗi ngày BV Nhi TW trung bình tiếp nhận khoảng từ 30 – 50 bệnh nhân, chủ yếu đến từ Hà Nội. Thống kê do Trung tâm Bệnh nhiệt đới – BV Nhi TW tiến hành khảo sát, tính từ đầu năm đến nay họ đã tiếp nhận hơn 300 ca mắc tay chân miệng. Trong đó chỉ tính riêng trong hai tháng 6 – 7 gần đây, số lượng bệnh nhi chẩn đoán mắc phải đã tăng 5 – 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo  bác sĩ Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp của bệnh viện E thì do thời tiết nắng nóng bất thường nên số lượng trẻ em mắc các bệnh mùa hè cũng tăng nhanh, trong số đó có cả tay chân miệng. Trung bình mỗi ngày Khoa Nội Nhi tổng hợp đã tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 40 – 50 bệnh nhi. Tuy nhiên trong 3 tuần gần đây con số này đã lên tới 10 – 15 trường hợp mỗi ngày do mắc tay chân miệng.

Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, TS.BS. Nguyễn Văn Lâm cho biết bệnh tay chân miệng là chứng bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người do virus đường ruột gây nên, dễ gây thành dịch. Con đường lây nhiễm chủ yếu của bệnh là đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của bé mắc phải.

Trẻ dưới 5 tuổi, nhất là nhóm dưới 3 tuổi dễ mắc tay chân miệng.

Quanh năm chúng ta có thể bắt gặp bệnh rải rác ở hầu hết các địa phương. Mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm bệnh nhưng thường xuất hiện ở các bé dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung trong nhóm dưới 3 tuổi. Các bác sĩ cũng cảnh báo mọi người phải hết sức lưu ý bởi dịch có thể lan nhanh với tốc độ kinh khủng.

Trong lớp chỉ cần 1 trẻ mắc phải thì cả lớp sẽ có nguy cơ lây nhiễm. Đối với tay chân miệng, bé không thể tự tạo ra hệ miễn dịch như sởi được bởi người trẻ có thể mắc nhiều chủng virus tay chân miệng khác nhau qua mỗi năm. Do đó các em có nguy cơ tái mắc sau đó. Hiện bệnh chưa có vaccine phòng chống cũng như thuốc điều trị đặc hiệu.

Các bác sĩ cho rằng dù tay chân miệng có diễn biến nhanh và nhiều biến chứng gây nguy hiểm, tuy nhiên người lớn vẫn có thể nhận biết trẻ có mắc phải hay không thông qua những dấu hiệu như là: sốt nhẹ hoặc sốt cao, xuất hiện tổn thương ở da (rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay và bàn chân, đầu gối, mông…).

Một khi đã phát hiện con mắc phải thì cha mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế, hoặc tốt nhất là chuyên khoa truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng kỹ càng để có thể đưa bé đến bệnh viện kịp lúc, tránh hậu quả đáng tiếc.

Gia đình có trẻ em mắc tay chân miệng cần chủ động đảm bảo các yêu cầu: vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, nhất là sau khi bé thay quần áo, thay tã và sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt. Lưu ý rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà. Dùng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác để lau sàn. Cách ly bé ở nhà và không cho đến nhà trẻ, trường học hoặc các nơi tập trung đông người trong vòng 10 – 14 ngày đầu mắc bệnh.

Hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng, dự báo số ca cũng có nguy cơ tăng nhanh trong thời gian gần đây bởi tính chất lây truyền. Cục Y tế Dự phòng của bộ Y tế đã gửi công văn khẩn đến Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.

Trẻ xuất hiện mụn nước trong lòng bàn tay.

Bộ chỉ đạo các đơn vị giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dịch, phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh kịp thời, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi phát hiện; tăng cường việc lấy mẫu đem đi xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh; củng cố những đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng cho công tác điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch, đồng thời hỗ trợ tuyến dưới khống chế, cấp cứu và điều trị tay chân miệng khi cần thiết…

Theo Diệu Thu (Dân Việt)

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *