Ghẻ nước là bệnh gì? Bệnh ghẻ nước có lây không?

Nguyên nhân gây bệnh ghẻ nước là gì? Bệnh ghẻ nước có lây không? Mức độ nguy hiểm của bệnh như thế nào? Cùng tìm hiểu qua các thông tin trong bài.

Ở nước ta, ghẻ nước là một bệnh lý thuộc về da liễu mà nhiều người thường mắc phải, đặc biệt là người dân quanh năm sinh sống ở những vùng sông nước như khu vực miền Tây. Bệnh ghẻ nước có phải là căn bệnh nguy hiểm không? Bệnh ghẻ nước có lây không? Dấu hiệu nhận biết và cách phòng bệnh ra sao? Chúng ta sẽ cùng nhau phân tích và giải đáp những thắc mắc này qua bài viết sau.

Nguyên nhân gây ghẻ nước

Nguyên nhân chính gây ra bệnh ghẻ nước là do cơ thể bị tấn công bởi ký sinh trùng ghẻ, có tên gọi khoa học là Sarcoptes Scabiei Hominis. Phần lớn trùng ghẻ ký sinh trên da là ghẻ cái, bởi lẽ ghẻ đực sau khi giao hợp đều đã chết. Ghẻ cái có cấu tạo bốn chân, kích thước cơ thể tầm khoảng rất nhỏ chỉ 0.3mm nên mắt thường khó có thể quan sát được. Vòng đời của ghẻ cái là 30 ngày và ở trên thượng bì.

Ở điều kiện thuận lợi, ghẻ cái sẽ sinh sôi và phát triển nhanh chóng. Trong vòng 3 tháng, từ 1 con ghẻ cái có thể sinh sôi thêm 150 triệu con. Một số nguyên nhân chính gây bệnh ghẻ nước phổ biến:

  • Môi trường ô nhiễm: Ghẻ nước thường xuất hiện nhiều ở những nơi thường xuyên bị ô nhiễm không khí, nhiều khói bụi, nguồn nước bị nhiễm bẩn,… Môi trường sống càng bẩn sẽ càng là điều kiện thuận lợi để con ghẻ thích nghi, sinh sôi và phát triển mạnh mẽ.
  • Không gian sống chật hẹp: Nhà ở có diện tích nhỏ hoặc chật hẹp cũng là một trong những lý do gây ra bệnh ghẻ nước.
  • Ở bẩn, lười vệ sinh thân thể: Cơ thể bị bẩn hoặc không được vệ sinh cá nhân thường xuyên sẽ là môi trường tiềm ẩn giúp ghẻ cái sinh nở và phát triển. Đồng thời, tăng nguy cơ ghẻ nước xâm nhập vào cơ thể.
  • Mưa bão, lũ lụt: Nguồn nước sau khi bị mưa bão, lũ lụt sẽ dễ nhiễm bẩn, giúp cho các côn trùng, vi khuẩn, virus có hại phát triển mạnh mẽ, trong đó có ghẻ nước.

Dấu hiệu của ghẻ nước

Vậy làm thế nào để biết cơ thể đã bị nhiễm bệnh ghẻ nước? Nếu cơ thể có xuất hiện một trong những dấu hiệu dưới đây, thì có khả năng bạn đã bị bệnh ghẻ nước:

  • Nổi mụn nước: Trên bề mặt da xuất hiện nhiều các mụn nước hình tròn, nông, chứa nước trắng bên trong. Các nốt mụn này rất dễ bị vỡ khi bạn gãi hoặc ma sát nhẹ với bề mặt khác. Khi các mụn nước vỡ ra, chúng sẽ lan rộng và xuất hiện thêm ở các vùng da khác.
  • Ngứa ngáy khó chịu: Đi kèm với sự xuất hiện mụn nước là những cơn ngứa ngáy khó chịu. Tình trạng này sẽ nghiêm trọng hơn vào ban đêm (thời gian ghẻ cái hoạt động mạnh mẽ nhất). Khi bệnh nhân dùng tay gãi sẽ khiến cho nốt ghẻ lây sang các vùng da lành lặn khác hoặc lây lan cho người khác.
  • Xuất hiện rãnh ghẻ: Nếu để ý kỹ thì bạn sẽ thấy trên bề mặt da của mình xuất hiện những rãnh dài 2mm đến 4mm. Đây là các hang do ghẻ cái đào để đẻ trứng.

Ghẻ nước có lây không?

Bệnh ghẻ nước có lấy không? Ghẻ nước là bệnh da liễu truyền nhiễm và có khả năng lây lan nhanh chóng.

“Ghẻ nước có lây không?” là thắc mắc và lo lắng chung của nhiều người, nhất là những gia đình có nhiều trẻ nhỏ. Theo các chuyên gia da liễu, bệnh ghẻ nước thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm và có khả năng lây lan nhanh chóng từ người này qua người khác. Những người đang mắc bệnh ghẻ nước sẽ có tỷ lệ lây nhiễm cho người khác lên đến 60% qua việc tiếp xúc da trực tiếp, hoặc lây gián tiếp qua ký sinh trùng ghẻ bám trên quần áo, khăn tắm, chăn, drap trải giường,… Bên cạnh đó, bệnh ghẻ nước còn có thể lây lan qua đường tình dục.

Nhiều bệnh nhân bị bệnh ghẻ nước khá chủ quan và cho rằng đây chỉ là một bệnh da liễu thông thường. Tuy rằng, ghẻ nước là bệnh da liễu phổ biến, nhưng khi không được điều trị đúng phương pháp sẽ dễ phát sinh một số biến chứng nghiêm trọng khác. Trong đó, nhiều nhất là các trường hợp da bị nhiễm trùng do bệnh ghẻ nước. Ngoài ra, khi bệnh tái phát nhiều lần sẽ khiến vùng da đó bị chàm hóa. Một biến chứng nguy hiểm khác mà ghẻ nước gây ra là viêm cầu thận sau nhiễm trùng.

Cách phòng tránh như thế nào?

Như đã nói ở trên, nguyên nhân chính gây ra bệnh ghẻ nước là do môi trường sống hoặc nguồn nước bị ô nhiễm. Vì thế, để phòng tránh bệnh ghẻ nước, bạn nên tuân thủ các chú ý sau:

  • Thực hiện giữ gìn thân thể sạch sẽ. Khi vừa đi ra ngoài về nhà hoặc tiếp xúc với nước mưa, nước bẩn, bạn nên vệ sinh thân thể ngay. Vào mùa mưa, bạn nên hạn chế di chuyển ở những khu vực ngập lụt vì nước mưa lúc này sẽ rất bẩn và mang theo nhiều vi khuẩn, vi trùng có hại cho da.
  • Giặt giũ quần áo, giày dép sạch sẽ và thường xuyên. Khi giày, vớ hoặc quần áo còn ẩm chưa khô hoàn toàn, bạn không nên sử dụng.
  • Hạn chế thấp nhấp việc sử dụng đồ dùng cá nhân với người khác, nhất là những người đang mắc bệnh ghẻ nước.
  • Thỉnh thoảng nên giặt giũ chăn mền, giường chiếu, gối bằng nước nóng để khử trùng. Khi phơi chọn nơi có nhiều năng để diệt trừ các vi khuẩn có hại cho da.
Giữ gìn vệ sinh thân thể, môi trường sống để phòng ngừa bệnh ghẻ nước.

Mong rằng từ những nội dung trên đã giúp bạn giải đáp được một số thông tin về nguyên nhân gây bệnh ghẻ nước cũng như bệnh ghẻ nước có lây không. Khi có dấu hiệu của bệnh ghẻ nước, bạn không nên chủ quan mà cần áp dụng ngay các biện pháp điều trị càng sớm càng tốt, tránh các biến chứng gây nguy hiểm cho cơ thể.

Nguồn: Vinmec

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *