Mổ gai cột sống có nguy hiểm không và nên thực hiện vào thời điểm nào luôn là thắc mắc của nhiều người bệnh bị gai cột sống nặng.
Mổ gai cột sống không phải là một vấn đề đơn giản và tồn tại những rủi ro nhất định buộc người bệnh phải chấp nhận. Chính vì vậy, trước khi quyết định mổ gai cột sống, bệnh nhân cần tìm hiểu kỹ lưỡng về vấn đề này. Sau đây là những thông tin cần thiết giúp bạn có quyết định đúng đắn trong việc mổ gai cột sống.
1. Nên mổ gai cột sống khi nào?
Bệnh gai cột sống ở giai đoạn đầu không làm ảnh hưởng nhiều đến vận động, sinh hoạt của người bệnh. Vì vậy, các bác sĩ khuyên trong thời kỳ này, bệnh nhân chưa nên nghĩ đến việc phẫu thuật. Thay vào đó, nên có biện pháp chữa bệnh gai cột sống bằng cách tập luyện thể dục thể thao, ăn uống khoa học, điều chỉnh tư thế đi lại, ngồi nằm…
Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân bị gai cột sống nặng với các biểu hiện nghiêm trọng như tê bì chân tay, chóng mặt, đau đầu,… thì nên tiến hành phẫu thuật ngay. Bởi nếu không mổ, các gai xương sẽ chèn ép vào dây chằng đốt sống, làm hẹp ống tủy, các lỗ liên hợp và rễ thần kinh khiến bệnh nhân gặp phải nhiều khó khăn.
2. Mổ gai cột sống có nguy hiểm không?
Quá trình mổ gai cột sống
Cùng với sự phát triển của nền y học thế giới, kỹ thuật mổ gai cột sống cũng có nhiều tiến bộ vượt bậc. Trước đây, phẫu thuật có thể gây viêm nhiễm, đau đớn cho người bệnh, tỷ lệ rủi ro cao thì ngày nay phương pháp này đã trở nên đơn giản, nhanh, ít biến chứng hơn. Đối với mổ gai cột sống, đầu tiên các bác sĩ sẽ tiến hành rạch một vết nhỏ trên da tại nơi xuất hiện gai xương. Tiếp theo, cố định các cơ bắp và các mô mềm xung quanh sang hai bên để lộ ra phần xương sống. Sau đó, tùy vào tình trạng người bệnh, các bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ một phần nhỏ hoặc phần lớn xương cột sống. Ở một số trường hợp nặng hơn, người bệnh cần phải cấy ghép thêm các chi tiết đặc biệt để hỗ trợ và giúp ổn định cột sống khi cột sống lỏng lẻo do mất xương.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được chuyển đến phòng hậu phẫu để theo dõi và đánh giá kết quả phẫu thuật. Trong giai đoạn hồi phục, bệnh nhân cần hạn chế các hoạt động có thể gây áp lực lên cột sống như khom lưng, mang vác các vật nặng,… trong vài tuần sau mổ.
Khoảng vài ngày hoặc vài tuần hậu phẫu thuật, bệnh nhân có thể quay trở lại với những vận động nhẹ nhàng. Đối với các trường hợp mổ có lắp các bộ phận cố định đốt sống, thời gian phục hồi sẽ lâu hơn từ 3 – 6 tháng.
Có thể gặp nguy hiểm gì khi mổ gai cột sống?
Bất cứ ca phẫu thuật nào cũng đều tồn tại ít nhiều những rủi rõ nhất định và gai cột sống không phải là trường hợp ngoại lệ. Bệnh nhân có thể gặp phải một số những biến chứng trong và sau mổ như:
- Viêm, nhiễm trùng vùng mổ gây đau.
- Tổn thương cấu trúc thần kinh sau mổ.
- Màng cứng bị rách.
- Các tác dụng phụ do dùng thuốc gây mê trong quá trình phẫu thuật.
Bạn cần nhớ rằng, phẫu thuật là giải pháp cuối cùng khi các phương pháp khác không mang lại tác dụng cho bệnh nhân nữa. Tuy nhiên, đây cũng không phải là giải pháp tối ưu, bởi sau khi mổ thành công ở vị trí này thì các gai ở những đốt sống khác vẫn có thể tiếp tục phát triển.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.