Hội chứng ống cổ chân: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan

Hội chứng ống cổ chân, hay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ chân là tình trạng rối loạn thần kinh chày sau của ống cổ chân do áp lực lặp lại nhiều lần ở đây.

Thần kinh chày sau này là nhánh của thần kinh tọa, chạy qua ống cổ chân, đóng vai trò tiếp thu cảm giác và kiểm soát vận động của cổ chân và bàn chân. Dây thần kinh này khi bị chèn ép liên tục sẽ tạo ra áp lực dẫn đến sự tổn thương.

Hội chứng ống cổ chân thường xảy ra đối với những người ở độ tuổi trưởng thành nhưng cũng có thể gặp ở trẻ em.

Nguyên nhân

Nguyên nhân hội chứng ống cổ chân xuất phát từ tình trạng dây thần kinh xương chày hoặc các nhánh của nó chạy dọc trong mắt cá xuống lòng bàn chân bị chèn ép. Áp lực này có thể đến từ những tổn thương như gãy xương, bong gân.

Những nguyên nhân khác gây ra bao gồm:

  • Bàn chân bẹt nặng.
  • Sự phát triển xương lành tính ở ống cổ chân.
  • Giãn tĩnh mạch quanh dây thần kinh chày.
  • Viêm khớp.
  • Khối u, khối mỡ gần dây thần kinh chày.
  • Trật khớp cổ chân.
  • Viêm và sưng ở cổ chân.
  • Bệnh đái tháo đường cũng dẫn đến tổn thương dây thần kinh.
  • Mang giày có kích cỡ không phù hợp.
  • Có thể gặp ở phụ nữ mang thai do chân bị sưng phù gây ra.

Triệu chứng

Triệu chứng của hội chứng ống cổ chân bao gồm các dấu hiệu sau:

  • Cơn đau buốt, tê liệt, cảm giác ngứa ran bên trong cổ chân và chạy dọc xuống lòng bàn chân.
  • Tê bì, mất cảm giác ở vị trí bàn chân.
  • Những cơn đau này thường xảy ra đột ngột, tăng lên về đêm và lúc di chuyển, giảm khi nghỉ ngơi.
  • Mất dần khả năng vận động của chân dẫn đến liệt chân và dáng đi bất thường.
  • Dấu Tinel: khi khám bác sĩ dùng búa phản xạ gõ theo đường từ trên xuống thì thấy trên dọc theo thần kinh chày có một điểm đau như điện giật.
  • Những triệu chứng khác sẽ xảy ra khác nhau đối với những ca bệnh khác nhau.
Hội chứng ống cổ chân: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Đường lây truyền

Hội chứng ống cổ chân là bệnh lý không lây truyền.

Đối tượng nguy cơ

Những đối tượng có nguy cơ mắc phải hội chứng ống cổ chân bao gồm:

  • Người thường xuyên vận động nhiều nhưng vận động viên thể thao, người lao động tay chân.
  • Người mắc bệnh béo phì.
  • Người bị viêm khớp, thấp khớp và viêm khớp dạng thấp.
  • Người bị bệnh viêm bao gân.
  • Người có chứng lòng bàn chân phẳng hơn so với bình thường.
  • Người đã có khối u ở trong ống cổ chân.

Phòng ngừa

Để phòng tránh hội chứng ống cổ chân, cần thực hiện theo các chỉ dẫn sau:

  • Giữ vệ sinh chân và kiểm tra chân khi có dấu hiệu bất thường.
  • Không chơi những môn thể thao quá mạnh gây tổn thương chân và tập luyện thể thao một cách hợp lý.
  • Mang giày kích cỡ vừa vặn và phù hợp với các hoạt động.
  • Ngăn chặn béo phì bằng việc tập luyện và ăn uống hợp lý.
  • Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, cần đến các cơ sở y tế khám để chẩn đoán kịp thời.
Hội chứng ống cổ chân: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Các biện pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán hội chứng ống cổ chân, ngoài khai thác bệnh sử, khám và quan sát các triệu chứng lâm sàng, bệnh nhân sẽ được chỉ định các phương pháp cận lâm sàng như sau:

  • Kiểm tra xung điện thần kinh (EMG) để đánh giá các rối loạn chức năng dây thần kinh.
  • Chụp X quang để chẩn đoán phân biệt với những bệnh lý xương, khớp.
  • Siêu âm và chụp cộng hưởng từ để tìm ra nguyên nhân gây chèn ép thần kinh chày.

Các biện pháp điều trị

Cách chữa hội chứng ống cổ chân tùy thuộc vào triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh.

Đối với điều trị tại nhà:

  • Sử dụng thuốc chống viêm không steroid để giảm viêm.
  • Nghỉ ngơi tại chỗ, nâng chân lên cao và chườm đá cũng có tác dụng giảm viêm.
  • Có thể dùng miếng lót giày y khoa để phân phối trọng lượng giúp giảm bớt áp lực lên dây thần kinh.
  • Mang giày vừa chân, hạn chế các hoạt động thể thao mạnh ảnh hưởng đến chân.

Đối với điều trị tại cơ sở y tế:

  • Phong bế thần kinh giúp giảm viêm.
  • Nẹp bàn chân để bất động và hạn chế vận động ở vùng tổn thương làm chèn ép dây thần kinh.
  • Đối với những trường hợp hội chứng ống cổ chân nặng và kéo dài, chỉ định phẫu thuật giải phóng đường hầm cổ chân nhằm giảm bớt áp lực lên dây thần kinh sẽ được đưa ra. Phương pháp này được thực hiện bằng cách rạch phía sau cổ chân vòng xuống vòm chân một đường, bộc lộ dây chằng và giải phóng dây thần kinh. Hoặc kỹ thuật rạch đường nhỏ ở mặt trong cổ chân ít xâm lấn hơn cũng được thực hiện.

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *