Huyết khối (cục máu đông): Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Huyết khối (cục máu đông)

Cục máu đông trong điều kiện sinh lý bình thường là sản phẩm cuối cùng quá trình đông máu có tác dụng bịt kín miệng vết thương, giúp cầm máu, ngăn chặn sự mất máu tiếp diễn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sẹo hóa làm liền vết thương. Sau đó dưới tác động của các tác nhân chống đông máu trong cơ thể, cục máu động sẽ dần được tiêu biến đi.

Huyết khối (thrombosis) là hiện tượng hình thành nên cục máu đông bệnh lý trong mạch máu hoặc trong buồng tim trên người sống. Các cục máu đông này có thể gây tắc mạch tại chỗ hoặc di chuyển theo dòng máu đến gây tắc cho các mạch máu ở đoạn xa (có khẩu kính nhỏ hơn). Tùy theo vị trí mà cục huyết khối gây tắc mạch mà BN có thể có các kết cục lâm sàng khác nhau nhưng nói chung đều rất nghiêm trọng: nếu gây tắc các động mạch ở chân hoặc tay (tắc mạch chi) có thể gây hoại tử vùng chi thể bị tắc nghẽn; tắc mạch ở tim hoặc não thì gây nhồi máu cơ tim hoặc nhồi máu não (đột quỵ não); tắc tĩnh mạch thì gây viêm tắc tĩnh mạch…

Sự hình thành của huyết khối

Ở 1 người bình thường, trong cơ thể diễn ra cả 2 quá trình đông máu và chống đông máu. Trong điều kiện sinh lý bình thường thì sự chống đông luôn chiếm ưu thể, giúp dòng máu chảy luôn thông suốt, giúp cho hệ tuần hoàn có thể đưa máu đến mọi nơi trong cơ thể để máu thực hiện các chức năng quan trọng của mình. Quá trình chống đông chỉ khởi động khi có xảy ra tổn thương nhằm ngăn chặn, hạn chế sự mất máu. Các cục huyết khối được hình thành trong điều kiện này (điều kiện sinh lý) thường nhỏ và có thời gian sống ngắn, dễ dàng bị tiêu biến bởi dòng máu hoặc phân huỷ bởi các chất tiêu cục huyết như plasmin.

Tuy nhiên, trong 1 số điều kiện bệnh lý, các cục huyết khối lại được hình thành ngay trong lòng mạch, thậm chí ngay trong buồng tim mà không hề có tổn thương trước đó. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự hình thành cục huyết khối bệnh lý nhưng nói chung nó là hậu quả của sự tác động qua lại giữa 3 yếu tố:

  • Sự thay đổi về huyết động: khi các dòng chảy của máu chậm lại hoặc dòng chảy bị xáo trộn (chảy rối) (ở tiểu nhĩ hoặc sau các van tĩnh mạch): các tế bào máu di chuyển chậm lại và trở nên dễ bám dính vào các tổn thương ở nội mô mạch máu (tiểu cầu), từ đó làm khởi phát quá trình đông máu, hình thành nên lưới sợi fibrin, gia tăng bắt giữ các tế bào máu khác làm tăng kích thước cục huyết khối. Dòng chảy chậm làm cho cục máu đông mới hình thành không bị đẩy bật đi, tạo điều kiện thuận lợi làm cho cục huyết khối ngày càng to dần và gây tắc mạch. Rung nhĩ và huyết khối tĩnh mạch sâu là hai nguyên nhân làm chậm dòng chảy của máu và gây đông máu.
  • Tổn thương tế bào nội mô: các mảng xơ vữa hình thành trong lòng mạch có thể thúc đẩy sự hình thành cục máu đông khi chúng bị nứt, vỡ. Hầu hết các trường hợp nhồi máu cơ tim và đột quỵ xảy ra có liên quan đến sự nứt vỡ của các mảng xơ vữa trong động mạch.
  • Gia tăng nồng độ các yếu tố đông máu trong cơ thể: Các yếu tố đông máu hoà tan trong huyết tương có vai trò trong tăng cục huyết khối  có thể gặp trong ung thư , suy tim mạn tính , trong bệnh nhân bỏng do mất dịch và  đông máu rải rác trong lòng mạch hay gặp trong sốc (DIC).

Tiến triển cục huyết khối

Phụ thuộc vào tình trạng huyết động của cơ thể:

  • Nếu cục nghẽn nhỏ: Sẽ bị tiêu huỷ và không để lại hậu quả gì.
  • Cục lớn dính vào thành mạch hoặc tế bào nội mô của tim, theo thời gian trong cục huyết khối sẽ bị kích thích của các tế bào viêm và mạch máu tổ chức hạt được hình thành làm cho chúng chắc hơn gọi là quá trình tổ chức hoá cục nghẽn (thay thế tơ huyết và các tế bào máu bằng tổ chức liên kết xơ). 
  • có thể được tái tạo lại dòng chảy với việc tạo thành hệ tuần hoàn mới, vòng qua chỗ gây tắc nối hai đầu bị tắc lại. 
  • Nếu cục nghẽn không thể tái tạo, nó bị tiêu huỷ và ó thể vỡ ra thành các mảnh lớn đi vào hệ tuần hoàn và gây tắc mạch (emboli) làm cho một phần nào đó của cơ quan hay cơ thể thiếu máu và hoại tử.
  • Nhiễm trùng: nếu có vi khuẩn gây mủ xâm nhập vào cục nghẽn bạch cầu sẽ được huy động tới, bắt giữ vi khuẩn rồi sau đó thoái hóa thành mủ. Cục nghẽn hóa mủ, tan rã thành nhiều mảnh theo đường máu trôi đi, dừng lại ở đâu sẽ gây nên ổ mủ ở đó.

Triệu chứng bệnh Huyết khối (cục máu đông)

Các huyết khối tiến triển âm thầm trong thời gian dài, thường là hậu quả của các bệnh lý hoặc tổn thương mạn tính, do đó trừ khi cục huyết khối hình thành gây tắc mạch, còn lại thì thường không có triệu chứng gì trên lâm sàng.

Tùy theo vị trí gây tắc và loại mạch máu bị tắc nghẽn mà có các biểu hiện lâm sàng khác nhau:

Huyết khối (cục máu đông): Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Huyết khối động mạch

Gây thiếu máu cấp tính rồi tiến triển thành hoại từ vùng nhu mô được cáp máu bới nhanh động mạch bị tắc. Tùy theo vị trí tắc mà có hậu quả khác nhau:

  • Tắc mạch chi: gây hoại tử, nếu không thể loại bỏ cục huyết khối gây tắc thì cần tiến hành cắt bỏ chi bị hoại tử.
  • Tắc mạch vành: gây nhồi máu cơ tim.
  • Tắc mạch não: gây nhồi máu não.

Huyết khối tĩnh mạch

  • Đau có thể gặp ở những người huyết khối tĩnh mạch sâu, mức độ đau nhẹ hoặc đau dữ dội, đau tăng khi đi lại.
  • Thay đổi màu da: vùng da bị huyết khối tĩnh mạch có xu hướng nóng, đỏ sau chuyển dần thành màu xanh đen hoặc một màu bất thường.
  • Sưng chân, cảm giác nặng nề, có thể so sánh thấy sự khác biệt giữa hai bên chân.
  • Người bệnh có thể xuất hiện những cơn sốt thường xuyên không rõ nguyên nhân.
  • Cảm giác nóng da vùng da bị huyết khối thường nóng hơn so với các vùng khác.
  • Có thể thấy những tĩnh mạch nông giãn.
  • Biểu hiện khi có các biến chứng bao gồm: Khó thở không rõ nguyên nhân, ho nhiều đôi khi ho ra máu, đau ngực… là những biểu hiện khi huyết khối tĩnh mạch sâu gây biến chứng thuyên tắc phổi. Khi có các triệu chứng này cần đến viện ngay để được điều trị kịp thời.
  • Loét da vùng dưới vị trí tĩnh mạch bị huyết khối.

Đối tượng nguy cơ bệnh Huyết khối (cục máu đông)

Huyết khối là 1 tình trạng bệnh lý rất thường gặp, có thể ảnh hưởng bất kì ai và ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên có 1 số đối tượng có nguy cơ mắc huyết khổi cao, gồm có:

  • Huyết khối động mạch: 

Ở những người nghiện hút thuốc lá, những BN có THA, ĐTĐ, có rối loạn Lipid máu hay tiền sử bản thân hoặc gia đình mắc các bệnh tìm mạch (bệnh tim thiếu máu cục bộ hoặc đột quỵ não … thì thường đều có kèm theo tình trạng vữa xơ động mạch, từ đó có nguy cơ cao hình thành huyết khối gây tắc mạch (mạch chi, mạch não, mạch vành).

Những người béo phì, người có lối sống tĩnh tại, lười vận động… cũng là có nguy cơ cao mắc bệnh này.

  • Huyết khối tĩnh mạch.

Những người có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ dưới đây có thể sẽ bị huyết khối tĩnh mạch sâu:

  • Tuổi cao, trên 70 tuổi.
  • Bị ung thư đang trong thời kỳ hoạt động hoặc đang được điều trị trong vòng 6 tháng trở lại.
  • Bị chấn thương hoặc phẫu thuật vùng chậu hay chi dưới.
  • Bệnh nhân phẫu thuật cần gây mê kéo dài trên 5 tiếng.
  • Bệnh nhân được điều trị bằng Estrogen/Progesterone.
  • Phụ nữ trong tình trạng hậu sản.
  • Dùng thuốc tránh thai.
  • BN mắc suy giãn tĩnh mạch chi dưới.
  • Những người có tình trạng tăng đông máu do bẩm sinh hoặc mắc phải.
  • Bệnh nhân nằm liệt giường trên 3 ngày hoặc đã phẫu thuật trong vòng 4 tuần trước.
  • Đa phần các trường hợp bị huyết khối tĩnh mạch sâu thường xảy ra ở những bệnh nhân phải trải qua phẫu thuật, ốm đau, điều trị nội trú.
  • Hạn chế vận động (do chấn thương hoặc ngồi lâu).
  • Uống quá nhiều rượu mỗi ngày (quá 3 – 4 đơn vị rượu mỗi ngày với nam và 2 – 3 đơn vị rượu mỗi ngày với nữ).
  • Tuổi cao (> 70 tuổi).

Phòng ngừa bệnh Huyết khối (cục máu đông)

Duy trì một thói quen sinh hoạt lành mạnh, thích hợp giúp bạn dự phòng huyết khối:

  • Kiểm soát tốt các chỉ số, huyết áp, đường máu (cố gắng duy trì ở mức bình thường hoặc có thể chấp nhận được).
  • Duy trì mức độ cholesterol ở ngưỡng an toàn bằng việc ăn uống lành mạnh.
  • Chế độ ăn với hàm lượng chất béo bão hòa, choleterol và muối thấp.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Giảm cân.
  • Ngưng hút thuốc lá.
Huyết khối (cục máu đông): Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Huyết khối (cục máu đông)

  • Do đã số các trường hợp huyết khối không có biểu hiện lâm sàng nên việc thăm khám lâm sàng chủ yếu là khai thác tiền sử các yếu tố nguy cơ.
  • Khi cục huyết khối gây tắc, tùy theo vị trí gây tắc mà có biểu hiện lâm sàng khác nhau, ví dụ như:
    • Thuyên tắc động mạch phổi: biểu hiện lâm sàng 1 tình trạng tâm phế cấp.
    • Tắc động mạch vành: lâm sàng hội chứng động mạch vành cấp.
    • Tắc mạch chi (không hoàn toàn): cơn đau cách hồi khi di chuyển.
  • Các phương tiện xét nghiệm, nhất là chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, CT, MRI) hỗ trợ giúp chẩn đoán và xác định vị trí tổn thương do huyết khối làm tắc mạch gây ra nhưng ít có giá trị chẩn đoán sớm.

Các biện pháp điều trị bệnh Huyết khối (cục máu đông)

Mỗi loại huyết khối có phương pháp điều trị khác nhau vì huyết khối có thể xảy ra bất cứ nơi nào trong cơ thể từ não tới chân. Nguyên nhân gây ra bệnh đông máu rất nhiều, nên có nhiều cách điều trị bệnh từ dùng thuốc đến phẫu thuật. Tùy theo vị trí và độ nặng của huyết khối sẽ xác định cách điều trị phù hợp.

Các phương pháp điều trị huyết khối hiện này gồm có:

  • Điều trị thuốc: thuốc chống đông, thuốc làm tan cục máu đông.
  • Điều trị bằng can thiệp phẫu thuật hoặc thủ thuật: Phẫu thuật mở tĩnh mạch loại bỏ huyết khối, phẫu thuật đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ, lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học…

Nói chung, mục tiêu của việc điều trị là lập lại sự lưu thông máu bình thường trong hệ tuần hoàn. 

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *