Làm cách nào để điều trị dậy thì sớm?

Dậy thì sớm gây nên những thay đổi về cơ thể và sinh lý trước tuổi có thể dẫn đến những vấn đề về sức khỏe, tâm lý, cần nhận biết những dấu hiệu của dậy thì sớm để nhanh chóng có biện pháp điều trị kịp thời.

Đến một độ tuổi nhất định, bé sẽ bước vào giai đoạn dậy thì với hàng loạt biến đổi về cơ thể và sinh lý. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bé dậy thì sớm dẫn đến hàng loạt vấn đề về sức khỏe, vóc dáng và tâm lý. Cha mẹ cần nhận thức nguyên nhân gây dậy thì sớm, cách phòng ngừa và điều trị một cách hiệu quả.

Thế nào là dậy thì sớm?

Thời điểm dậy thì khác nhau ở hai giới. Những bé gái thường bắt đầu dậy thì trong độ tuổi từ 8 – 12 tuổi, trong khi bé trai bắt đầu dậy thì trong khoảng thời gian từ 9 – 17 tuổi. Dậy thì sớm là tình trạng bé gái bắt đầu dậy thì trước 8 tuổi hoặc bé trai bắt đầu dậy thì trước 9 tuổi.

Quá trình dậy thì được quy định bởi các loại hormone Gn-RH, kích thích tố LH, hormone sinh dục (estrogen ở nữ và testosterone ở nam)  và hormon kích thích nang trứng (VSATTP). Tùy theo nguyên nhân dậy thì sớm, có thể chia làm hai loại: dậy thì sớm trung tâm và dậy thì sớm ngoại vi.

Dậy thì sớm trung tâm gây ra bởi nồng độ Gn-RH cao được sản xuất bởi trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do: khối u trong não, viêm não, viêm tủy sống, suy giáp, não úng thủy, Hội chứng McCune-Albright… Dậy thì sớm trung tâm có thể không hoàn toàn với những đặc tính dậy thì xuất hiện đơn độc. 

Dậy thì sớm ngoại vi gây ra không phải do Gn-RH mà vì nồng độ các kích thích tố sinh dục cao. Tình trạng gia tăng lượng steroid sinh dục có thể bắt nguồn từ bệnh lý cơ quan sinh sản, bệnh lý tuyến thượng thận hoặc do tiếp xúc với nguồn hormone ngoại sinh quá mức. Ngoài ra, gene đột biến gonadotropin hiếm gặp có thể khởi phát việc sản xuất testosterone ở các bé trai từ 1 – 4 tuổi. 

Dậy thì sớm có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?

Dậy thì sớm có thể dẫn đến những vấn đề tâm lý sau khi trưởng thành.

Dậy thì sớm gây nên những biến đổi cơ thể và sinh lý trước tuổi. Những thay đổi này khiến bé trở nên khác biệt quá lớn so với bạn bè đồng trang lứa, từ đó dẫn đến những mặc cảm, tự ti hay thậm chí là dẫn đến chấn thương tâm lý di chứng cho đến khi trưởng thành.

Một vấn đề khác đó là dậy thì sớm ngăn bé không đạt mức tiềm năng phát triển tối đa. Những đứa bé dậy thì sớm có cơ bắp và khung xương phát triển vượt trội khiến bé nhìn cao lớn hơn so với những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc đứa bé sẽ kết thúc dậy thì sớm hơn so với mức trung bình khiến đầu xương đóng khép sớm. Từ đó, thời kỳ sinh trưởng bị rút ngắn và hạn chế chiều cao trẻ đạt được khi trưởng thành.

Một đứa trẻ dậy thì sớm đã có khả năng sinh sản và nhu cầu sinh lý. Tuy nhiên, bé vẫn chưa thực sự trưởng thành về nhận thức dẫn đến những hành động ham muốn không phù hợp với độ tuổi. Vì độ tuổi còn nhỏ, bé chưa có đủ khả năng kiểm soát bản thân tránh xa những cạm bẫy xã hội, từ đó tiềm ẩn nguy cơ mang thai hoặc các bệnh lý lây lan qua đường tình dục.

Dậy thì sớm ở bé gái làm tăng nguy cơ mắc bệnh đa nang buồng trứng. Chu kỳ kinh nguyệt xuất hiện trước 8 tuổi có thể gây nên chứng rối loạn nội tiết sau này dẫn đến bệnh lý này.

Nếu nghi ngờ trẻ dậy thì sớm thì nên làm gì?

Dựa trên những dấu hiệu dậy thì, cha mẹ có thể đoán được phần nào con mình có dậy thì sớm hay không. Nếu nghi ngờ bé dậy thì sớm, hãy nhanh chóng đưa trẻ đi khám nội tiết nhi khoa để được chẩn đoán chính xác nhất.

Nên cho bé đi khám nội tiết nếu phát hiện dấu hiệu dậy thì sớm.

Những xét nghiệm bác sĩ có thể thực hiện:

  • Chụp X-Quang bàn tay và cổ tay để tìm ra dấu hiệu xương đang phát triển quá nhanh.
  • Xét nghiệm máu sau tiêm St-RH hormone.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) để kiểm tra não.
  • Kiểm tra tuyến giáp để xem bé có bị suy giáp không.
  • Siêu âm vùng chậu để kiểm tra u nang buồng trứng.

Làm cách nào để điều trị dậy thì sớm?

Với sự phát triển của y học, dậy thì sớm có thể được điều trị và cho kết quả khả quan. Tùy theo nguyên nhân, phương pháp điều trị có thể khác nhau:

  • Điều trị nội khoa: Sử dụng thuốc để điều chỉnh lại quá trình dậy thì. Phương pháp này có thể bao gồm những mũi tiêm nhằm ngăn trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục không tiết quá nhiều Gn-RH. Việc tiêm thuốc được tiến hành hằng tháng cho đến khi trẻ đạt độ tuổi dậy thì bình thường thì dừng lại.
  • Phẫu thuật can thiệp: Thực hiện khi cơ thể xuất hiện những bệnh lý bất thường như u tuyến thượng thận, u nang buồng trứng… Sau khi được phẫu thuật, trẻ cần được kiểm tra định kỳ để theo dõi kết quả.
Tùy theo nguyên nhân mà cách điều trị dậy thì sớm khác nhau.

Cách phòng ngừa dậy thì sớm là gì?

Có những yếu tố về di truyền gây nên dậy thì sớm không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, vẫn có thể tác động vào ngoại cảnh để hạn chế tình trạng này. Cha mẹ nên đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, không tẩm bổ quá mức, tránh cho uống thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, tránh thực phẩm chứa steroid tăng trưởng… Ngoài ra, nên khuyến khích trẻ thường xuyên vận động ngoài trời để có cơ thể khỏe mạnh và đạt được tiềm năng phát triển lớn nhất.

Nguồn tham khảo: Báo Sức khỏe & Đời sống

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *