Lao kê: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh

Lao kê là dạng bệnh lao lan tỏa khắp cơ thể người và tạo các tổn thương kích thước nhỏ (1–5mm). Trên phim chụp X-quang ngực của người bệnh lao kê có hình ảnh nhiều đốm nhỏ rải rác khắp phế trường giống như các hạt kê rất đặc trưng, do đó có thuật ngữ lao “kê”. Lao kê có thể lan tỏa đến bất kì cơ quan nào, trong đó có phổi, gan và lách. 

Bệnh lao kê có nguy hiểm không?

Có khoảng 2% người bị lao kê trong tổng số người bị bệnh lao và chiếm tới 20% tổng số ca lao phổi.

Lao kê là một bệnh lao đường máu nên rất nặng. Khi có tổn thương ở nhiều bộ phận, nếu không được điều trị tốt và chăm sóc cẩn thận, tỷ lệ người bệnh tử vong rất cao.

Nguyên nhân bệnh

Nguyên nhân gây ra bệnh lao kê là trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis.

Bệnh học lao kê.

Từ những tổn thương ở phổi hoặc ngoài phổi, Mycobacterium tuberculosis vào đại tuần hoàn đi khắp cơ thể gây bệnh (tiết niệu, hạch, não, màng não,…). 

Khi bị nhiễm lao, đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào được kích hoạt. Vùng bị nhiễm bệnh được bao quanh bởi đại thực bào và hình thành các u hạt là biểu hiện điển hình của bệnh lao kê.

Bệnh xuất hiện khi cơ thể bị suy yếu như sau sởi, suy dinh dưỡng, viêm phổi, đái tháo đường, có thai, nhiễm HIV/AIDS,… Lao kê thường gặp ở trẻ em, ít khi gặp ở người lớn.

Sau khi Mycobacterium tuberculosis vào cơ thể, bệnh sẽ diễn biến qua 2 giai đoạn là nhiễm lao rồi đến bệnh lao phụ thuộc vào mức độ nhiễm nhiều hay ít (lượng Mycobacterium tuberculosis) và sức đề kháng của cơ thể. Bệnh khởi phát ngay sau khi nhiễm lao gọi là lao tiên phát, đa số gặp ở trẻ dưới 4-5 tuổi như lao kê, lao hạch, lao màng não, … và ít lây.

Triệu chứng bệnh

Bệnh nhân mắc lao kê thường gặp những dấu hiệu không đặc hiệu như ho và hạch bạch huyết sưng to. 

Các triệu chứng lao kê khác bao gồm:

  • Gan to (40%).
  • Lách to (15%).
  • Viêm tuyến tụy (<5%).
  • Rối loạn chức năng đa cơ quan với suy thượng thận (tuyến thượng thận không sản xuất đủ nội tiết tố steroid để điều hòa chức năng các cơ quan khác).
  • Bệnh lao kê cũng có thể đi kèm với tràn khí màng phổi hai bên hoặc một bên. 
  • Khó thở.
  • Tiêu chảy.
  • Tổn thương da.
  • Nhiều bệnh nhân có thể bị sốt kéo dài vài tuần với những cơn sốt cao hàng ngày vào buổi sáng.
  • Tăng canxi huyết là triệu chứng phổ biến, xuất hiện từ 16-51% các trường hợp lao kê.
  • Bệnh lao màng mắt (lao kê ở mắt) hoặc các tổn thương bao quanh dây thần kinh thị giác thường liên quan đến bệnh lao ở trẻ em. Những tổn thương này có thể xảy ra ở một mắt hoặc cả hai mắt, số lượng tổn thương khác nhau tùy theo bệnh nhân. Lao màng mắt có thể là triệu chứng quan trọng của bệnh lao kê, vì sự hiện diện của bệnh thường có thể xác định chẩn đoán.
  • Khoảng 10-30% người lớn và 20-40% trẻ em bị bệnh lao kê có viêm màng não do lao. 
Lao kê: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Dấu hiệu lao kê ở trẻ em: 

  • Sốt cao dao động, đổ mồ hôi trán và lưng.
  • Rối loạn hô hấp (ho, khó thở, tím tái đầu chi…). 
  • Có đến 80% trường hợp lao kê ở trẻ em có tổn thương màng não (dấu hiệu nôn vọt, cổ cứng, quay mặt vào phía tối).
  • Khám phổi có nhiều ran ẩm.

Đường lây truyền bệnh

Lao kê có lây không?

Bệnh lao kê là một dạng bệnh lao, vì vậy có thể lây nhiễm qua người khác. Tuy nhiên, nhiều người bị nhiễm khuẩn lao nhưng lại không mắc bệnh do có hệ miễn dịch khỏe mạnh và khả năng chống bệnh tốt.

Lao kê có thể lây qua đường hô hấp, đường máu hoặc sữa mẹ. 

Đối tượng nguy cơ bệnh

  • Tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh lao kê.
  • Sống trong điều kiện không hợp vệ sinh.
  • Có chế độ ăn uống không lành mạnh.
  • Trẻ nhỏ.
  • Người cao tuổi.
  • Người nghiện tiêm chích ma túy.
  • Nhiễm HIV/AIDS.
  • Người bị suy giảm hệ miễn dịch do các bệnh khác.
  • Người đã từng mắc bệnh lao nhưng không điều trị triệt để.

Phòng ngừa bệnh

  • Phòng bệnh lao bằng vắc xin BCG:

BCG (Bacille Calmette-Guerin) là loại vắc xin phòng bệnh lao thường được tiêm cho trẻ sơ sinh ngay trong tháng đầu sau sinh ở một vài quốc gia đang có dịch lao, trong đó có Việt Nam. Khả năng bảo vệ của BCG giảm dần theo thời gian, vì vậy có thể tiêm nhắc lại ở lứa tuổi học cấp I hoặc cấp II. Người bệnh vẫn có thể bị mắc bệnh lao ngay cả khi đã tiêm vắc xin BCG, tuy nhiên việc tiêm phòng sẽ hạn chế được những thể bệnh lao nặng.

  • Ngăn ngừa việc tiếp xúc với bệnh nhân mắc lao: nên tránh tiếp xúc quá gần và quá lâu với bệnh nhân lao ở môi trường đông đúc (ví dụ: bệnh viện, phòng khám hay nhà tình thương).
  • Những người làm việc trong phòng khám, bệnh viện hay những nơi dễ tiếp xúc với bệnh nhân lao thì nên được tư vấn cách kiểm soát lây nhiễm hoặc phải có kiến thức chuyên sâu về sức khỏe cũng như sử dụng các thiết bị bảo vệ đường hô hấp cá nhân. Những đối tượng này cần được khám sức khỏe định kỳ hàng năm để phát hiện bệnh sớm và nên làm xét nghiệm da (xét nghiệm Mantoux) hay xét nghiệm IGRA (Interferon-gamma release assay – Xét nghiệm giải phóng Interferon-gamma) trước khi rời đi nơi khác. Nếu kết quả xét nghiệm vẫn âm tính, nên kiểm tra lại 8 đến 10 tuần sau.
  • Phòng bệnh lao bằng thuốc: người bị nhiễm vi khuẩn lao thể ẩn và nằm trong nhóm nguy cơ cao phát triển bệnh có thể được chỉ định uống thuốc Isoniazid để ngăn ngừa phát triển thành bệnh lao.
  • Không để trẻ suy dinh dưỡng hoặc bị các bệnh mãn tính, nếu có thì cần điều trị kịp thời. 
  • Giữ nhà ở thông thoáng, vệ sinh thân thể và răng miệng thường xuyên. 

Các biện pháp chẩn đoán bệnh

Khám lâm sàng.

Xét nghiệm: các xét nghiệm cho bệnh lao kê thường được tiến hành tương tự như chẩn đoán các bệnh lao khác bao gồm:

  • Chụp X-quang phổi: trên phim phổi cho thấy tổn thương hạt, nốt với tính chất điển hình là 3 đều: đều về kích thước, đều về độ cản quang và đều về sự phân bố.
  • Cấy đàm.
  • Soi phế quản.
  • Sinh thiết phổi.
  • Chụp CT/MRI đầu.
  • Cấy máu.
  • Soi đáy mắt.
  • Đo điện tim.
  • Xét nghiệm lao trong máu hoặc IGRA là cách chẩn đoán bệnh lao thể ẩn. Xét nghiệm da tìm yếu tố lao thường được sử dụng để phát hiện các dạng lao khác, không hữu ích trong việc phát hiện bệnh lao kê. Xét nghiệm tuberculin da không thành công do số lượng âm tính giả cao. Âm tính giả xảy ra do tỷ lệ kháng thể kháng lao thấp hơn nhiều so với các dạng lao khác.
Lao kê: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Các biện pháp điều trị bệnh

Trong điều trị bệnh lao kê, quan trọng nhất vẫn là sử dụng thuốc kháng lao:

  • Phác đồ điều trị bệnh lao kê tiêu chuẩn theo khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới là dùng isoniazid và rifampicin trong 6 tháng, cũng như ethambutol và pyrazinamid trong hai tháng đầu tiên. 
  • Nếu có bằng chứng của viêm màng não, người bệnh có thể được điều trị kéo dài đến 12 tháng.

Corticoid được xem là một loại thuốc hạn chế được những tổn thương nặng nề ở phổi và các cơ quan khác, nhất là ở màng não. 

Việc chống suy hô hấp do tổn thương ở phổi và chăm sóc khi người bệnh hôn mê, khi có tổn thương ở màng não,… là rất quan trọng.

Lao kê được điều trị theo phương pháp trị liệu ngắn ngày, theo dõi trực tiếp đạt hiệu quả 90%.

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *