Tổng quan bệnh Lao ruột, phúc mạc và mạc treo các tuyến (lao bụng)
Bệnh lao nói chung là một bệnh nhiễm khuẩn phổ biến gây ra do Mycobacterium tuberculosis. Đây là một bệnh truyền nhiễm cần phải đánh giá y tế và điều trị ngay lập tức.
- Lao ruột là gì? Lao ruột là bệnh lao ở vị trí đường ruột, đặc biệt phổ biến trong các quốc gia đang phát triển. Lao ruột thường đi kèm với các bộ phận khác cũng bị nhiễm lao như lao phổi.
- Bệnh lao phúc mạc là bệnh lao ở màng mỏng bao phủ bên trong cơ thể có chức năng bảo vệ các cơ quan trong ổ bụng, đây là bệnh dễ gặp trong bệnh lao của các cơ quan tiêu hóa.
- Lao màng bụng là tình trạng tổn thương viêm đặc hiệu do lao của màng bụng, thường là tổn thương thứ phát sau các ổ lao khác, đứng thứ 6 sau lao màng phổi, lao hạch, lao xương khớp, lao màng não và lao thanh quản.
Nguyên nhân bệnh Lao ruột, phúc mạc và mạc treo các tuyến (lao bụng)
- Nguyên nhân của lao bụng chủ yếu tới từ vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis qua đường tiêu hóa.
- Ngoài vi khuẩn lao người, nguyên nhân còn có thể là vi khuẩn lao bò hoặc vi khuẩn lao không điển hình.
Triệu chứng bệnh Lao ruột, phúc mạc và mạc treo các tuyến (lao bụng)
Những biểu hiện phổ biến của lao ruột, lao phúc mạc hay mạc treo các tuyến (lao bụng) bao gồm:
- Tiêu chảy mãn tính, rối loạn hấp thu hoặc thậm chí là thủng ruột (ít gặp), chảy máu trực tràng cũng hiếm gặp nhưng vẫn có báo cáo trong lao đại tràng.
- Tắc ruột hoặc khối u bụng vùng hồi manh tràng.
- Triệu chứng nôn mửa, táo bón, đau trướng bụng gặp trong tắc ruột bán cấp tái phát. Ngoài ra có thể có tiếng kêu ùng ục hoặc cảm giác khối khí di chuyển trong bụng và các vòng ruột phình to theo nhu động ruột, triệu chứng mất đi sau khi bệnh nhân trung tiện hoặc đi cầu.
- Hẹp hoặc rò hậu môn trực tràng.
- Loét dạ dày có thể kèm hoặc không có đoạn tắc nghẽn hay biến chứng thủng dạ dày.
- Bệnh nhân có thể sốt, ra mồ hôi ban đêm, ăn uống kém kèm với gan lách to. Dưới kính hiển vi cho hình ảnh viêm gan u hạt.
- Xuất hiện trướng bụng và cổ trưởng, có thể kèm có nang mềm.
- Khối u cổ trướng thường phân thành ngăn như một khối hoặc chùm khối u các hạch bạch huyết ở chính giữa bụng hoặc đau bụng mơ hồ.
Đường lây truyền bệnh Lao ruột, phúc mạc và mạc treo các tuyến (lao bụng)
Lao màng bụng có lây không? Vi khuẩn lao màng bụng Mycobacterium tuberculosis lan truyền chủ yếu qua đường máu, nuốt đờm bị nhiễm hoặc lây lan gián tiếp từ các cơ quan lân cận.
Có 4 con đường đưa vi khuẩn lao vào màng bụng:
- Một là từ hạch mạc treo bị lao khiến vi khuẩn lao lan tràn theo đường bạch huyết hoặc đường tiếp cận tới màng bụng.
- Hai là từ lao hồi manh tràng hoặc lao ruột non, lan tràn qua thành ruột tới màng bụng.
- Ba là lan tràn bằng đường máu từ các tổn thương lao ở vị trí xa.
- Bốn là do vi khuẩn lan tràn từ ống Fallop bị lao tới màng bụng (là nguyên nhân giải thích cho tỷ lệ nhiễm lao màng bụng cao hơn ở nữ giới).
Đối tượng nguy cơ bệnh Lao ruột, phúc mạc và mạc treo các tuyến (lao bụng)
Lao bụng có thể gặp ở tất cả các độ tuổi hay giới tính, tuy nhiên có một số đối tượng có nguy cơ cao mắc lao bụng gồm:
- Độ tuổi dưới 40 đặc biệt là giai đoạn từ 20-30 tuổi.
- Lao bụng gặp ở nữ nhiều hơn nam (số bệnh nhân nữ chiếm tới 75-90%).
- Người nghiện rượu nặng, suy giảm miễn dịch.
- Người làm việc quá sức trong điều kiện thiếu vệ sinh và ăn uống thiếu chất.
Phòng ngừa bệnh Lao ruột, phúc mạc và mạc treo các tuyến (lao bụng)
Vì lao bụng là một bệnh truyền nhiễm với triệu chứng khởi phát nghèo nàn nên việc phòng ngừa chủ yếu là:
- Xây dựng một lối sống lành mạnh, không hút thuốc, hạn chế rượu bia, ăn uống đủ chất và thường xuyên tập thể dục.
- Điều trị triệt để các bệnh lý của bản thân đặc biệt là bệnh lao ở các phần khác của cơ thể vì là nguy cơ trở thành con đường dẫn tới lao màng bụng.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Lao ruột, phúc mạc và mạc treo các tuyến (lao bụng)
Lao màng bụng được chia thành 3 thể là cổ trướng, loét bã đậu, xơ dính:
Thể cổ trướng
- Khởi phát với biểu hiện sốt nhẹ kéo dài, thường về chiều và đêm hoặc có thể sốt cao 39-40°C hoặc có thể không sốt.
- Biểu hiện toàn thân thường là ăn uống kém, chán ăn, đầy bụng, khó tiêu, mệt mỏi, ra mồ hôi trộm, gầy sút.
- Biểu hiện tại chỗ là đau bụng âm ỉ kéo dài hoặc từng cơn, đau không rõ ràng, bụng trướng và rối loạn tiêu hóa.
- Bụng to dần lên mức độ vừa, bệnh nhân có cảm giác tức nặng bụng, bụng bè ngang, rốn lồi khi nằm, bụng xệ và lồi ra phía trước khi đứng. Da bụng người bệnh căng, nhẵn bóng, trắng như sáp nến và có các mảng chắc khắp bụng.
- Khi có cổ trướng cần thăm khám toàn diện để phát hiện tổn thương lao ở các vị trí khác để xem có bị lao đa màng: màng bụng, màng phổi, màng tim hay không.
Thể bã đậu hóa:
- Đây thường là giai đoạn tiếp theo của thể cổ trướng, là giai đoạn gặp nhiều trên lâm sàng bệnh nhân vì giai đoạn cổ trướng diễn biến kín đáo khó phát hiện.
- Bệnh nhân cũng có sốt nhẹ hoặc không sốt hay sốt cao 39-40°C.
- Ở thể này thì các triệu chứng tiêu hóa rầm rộ hơn như cơ thể suy kiệt, mệt mỏi, mạch nhanh nhỏ, hạ huyết áp.
- Bệnh nhân đau bụng từng cơn có khi dữ dội, buồn nôn, nôn, bụng trướng không đối xứng, hình bầu dục.
- Đi cầu phân lỏng vàng có thể lẫn máu, xen kẽ là những đợt táo bón.
- Ở nữ có thể rối loạn kinh nguyệt: rong kinh, thống kinh, vô kinh.
- Khám thực thể bụng bệnh nhân có vùng cứng xen kẽ với vùng mềm, phản ứng thành bụng (+).
- Lao màng bụng thể bã đậu hóa là một thể nặng, có thể gây ra các ổ abcess khi vỡ gây rò mủ, bệnh nhân tử vong do suy mòn và các biến chứng nặng ở đường tiêu hóa.
Thể xơ dính
- Là thể nặng nhất của lao màng bụng, cũng là giai đoạn tiếp theo của thể cổ trướng hoặc loét bã đậu, rất dễ dẫn đến tử vong mặc dù tỷ lệ xuất hiện của bệnh khá hiếm gặp, đặc biệt từ khi có thuốc chống lao.
- Vì các đoạn ruột bị xơ dính nên có thể làm thắt ruột gây nên hội chứng bán tắc hoặc tắc ruột phải can thiệp bằng ngoại khoa. Thể xơ dính còn có thể gây viêm dính quanh gan, mật và viêm tắc vòi trứng.
- Triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào mức độ tổn thương xơ hóa màng bụng, có thể có bụng trướng, bí trung đại tiện hoặc biểu hiện tắc ruột (đau bụng, trướng hơi).
- Triệu chứng thực thể của bệnh nhân có bụng cứng, lõm lòng thuyền do xơ dính co kéo các cơ thành bụng, khi sờ khó xác định được các tạng trong ổ bụng mà chỉ thấy các khối cứng dài, nằm ngang như những sợi thừng do mạc nối lớn bị xơ cứng (dấu hiệu thừng phúc mạc).
Chẩn đoán xác định lao bụng ngoài dựa vào triệu chứng thì còn có một số kỹ thuật hỗ trợ chẩn đoán như:
- Xét nghiệm máu: thể hiện mức độ thiếu máu, giảm bạch cầu và tăng chỉ số sinh hóa ESR huyết thanh.
- Xét nghiệm PPD da/ Xét nghiệm Mantoux: hỗ trợ cho chẩn đoán bệnh lao bụng ở khoảng 55-70% bệnh nhân có kết quả dương tính, xét nghiệm có ít giá trị do độ nhạy và độ đặc hiệu thấp.
- X-quang bụng đơn thuần: là xét nghiệm đơn giản và hữu ích cho thấy sự hiện diện của dòng khí ở nhiều cấp độ cùng với hình ảnh các vòng ruột bị giãn trong trường hợp tắc ruột cấp và bán cấp, hình ảnh vôi hóa các hạch bạch huyết ở bụng cũng chỉ ra bệnh lao.
- Chụp cản quang có Bari: rất hữu ích cho việc chẩn đoán lao ruột (giúp đỡ chẩn đoán trong 75% số bệnh nhân nghi ngờ lao ruột).
Các biện pháp điều trị bệnh Lao ruột, phúc mạc và mạc treo các tuyến (lao bụng)
Điều trị lao bụng cũng tương tự như điều trị lao phổi. Liệu pháp kháng lao thông thường trong vòng ít nhất 6 tháng. Liệu pháp điều trị 12-18 tháng vẫn được nhiều bác sĩ sử dụng.
Điều trị phẫu thuật được sử dụng chủ yếu nhằm điều trị các biến chứng như tắc nghẽn, thủng hoặc xuất huyết ồ ạt không đáp ứng điều trị thông thường.
Nguồn: Vinmec