Leukemia cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Leukemia cấp

Bệnh Leukemia hay còn gọi là bệnh bạch cầu là bệnh ung thư các mô tạo máu của cơ thể, bao gồm tủy xương và hệ bạch huyết.

Tủy xương là trung tâm xốp của xương tạo ra các tế bào máu: bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu. Các tế bào bạch cầu giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng, tế bào hồng cầu mang Oxy từ phổi đến các cơ quan của cơ thể và lấy CO2 từ các tế bào ra khỏi cơ thể, tiểu cầu giúp tạo ra cục máu đông để kiểm soát chảy máu. Tế bào gốc trong tủy xương sản sinh các tế bào bạch cầu, hồng cầu hoặc tiểu cầu trưởng thành với số lượng chính xác. Khi bệnh bạch cầu xảy ra, tủy xương bắt đầu sản sinh các tế bào bạch cầu chưa trưởng thành, được gọi là tế bào non – ác tính (tế bào blast) có nguồn gốc tại tuỷ xương, mà không phục vụ đúng mục đích của chúng với số lượng đông hơn các tế bào bình thường và ngăn chúng hoạt động đúng chức năng.

Bệnh bạch cầu được phân loại là tủy hoặc lymphocytic tùy thuộc vào loại tế bào bạch cầu bị ảnh hưởng. Mỗi loại tiếp tục chia thành mãn tính hoặc cấp tính phụ thuộc vào tốc độ lây lan bệnh. Một số dạng bệnh bạch cầu phổ biến hơn ở trẻ em,  các dạng bệnh bạch cầu khác xảy ra chủ yếu ở người lớn. Bệnh bạch cầu mãn tính tiến triển chậm hơn so với loại cấp tính. Có bốn loại chính của bệnh bạch cầu:

  • Bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính (ALL).
  • Bệnh leukemia cấp dòng tủy (AML).
  • Bệnh bạch cầu lympho bào mãn tính (CLL).
  • Bệnh bạch cầu nguyên bào tủy mãn tính (CML).

Điều trị bệnh bạch cầu có thể phức tạp – tùy thuộc vào loại bệnh bạch cầu và các yếu tố khác.

Vậy nguyên nhân bệnh leukemia là gì và triệu chứng ra sao?  

Nguyên nhân bệnh Leukemia cấp

Các nhà khoa học hiện này chưa tìm được nguyên nhân chính xác của bệnh bạch cầu. Nó dường như phát triển từ sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường.

Bệnh bạch cầu hình thành như thế nào?

Bệnh bạch cầu xảy ra khi ADN của tế bào tủy xương bị đột biên. Các tế bào này tiếp tục phát triển và phân chia, khi một tế bào khỏe mạnh bình thường ngừng phân chia và cuối cùng sẽ chết, tuy nhiên tủy xương tạo ra các tế bào chưa trưởng thành phát triển thành các tế bào bạch cầu bạch cầu bị đột biến. Theo thời gian, các tế bào bất thường này có thể lấn át các tế bào máu khỏe mạnh trong tủy xương, dẫn đến các tế bào bạch cầu, tế bào hồng cầu và tiểu cầu khỏe mạnh, gây ra các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch cầu.

Triệu chứng bệnh Leukemia cấp

Các triệu chứng bệnh bạch cầu khác nhau, tùy thuộc vào loại bệnh bạch cầu. Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh bạch cầu phổ biến bao gồm:

Leukemia cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
  • Sốt hoặc ớn lạnh.
  • Mệt mỏi kéo dài, yếu.
  • Nhiễm trùng thường xuyên hoặc nặng.
  • Giảm cân mà không rõ lý do.
  • Hạch bạch huyết sưng, gan to hoặc lách.
  • Dễ chảy máu hoặc bầm tím.
  • Chảy máu cam tái phát.
  • Xuất hiện những đốm đỏ nhỏ trên da.
  • Đổ mồ hôi quá nhiều, đặc biệt là vào ban đêm.
  • Đau xương.

Khi nào đi khám bác sĩ?

Đặt lịch hẹn với bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng trên nào khiến người bệnh lo lắng. Các triệu chứng bệnh bạch cầu thường mơ hồ và không cụ thể. Người bệnh có thể bỏ qua các triệu chứng bệnh bạch cầu sớm vì chúng có thể giống với các triệu chứng của bệnh cúm và các bệnh thông thường khác. Thường thì bệnh bạch cầu vô tình được phát hiện trong các xét nghiệm máu vì bệnh khác.

Bệnh bạch cầu được phân loại như thế nào?

Các bác sĩ phân loại bệnh bạch cầu dựa trên tốc độ tiến triển của nó và loại tế bào liên quan.

Phân loại bệnh bạch cầu

  • Bệnh bạch cầu cấp tính. Trong bệnh bạch cầu cấp tính, các tế bào máu bất thường là các tế bào máu chưa trưởng thành, chúng không  thực hiện các chức năng bình thường và chúng nhân lên nhanh chóng, vì vậy căn bệnh trở nên nặng lên nhanh chóng. Bệnh bạch cầu cấp tính đòi hỏi phải điều trị tích cực, kịp thời.
  • Bệnh bạch cầu mãn tính. Có nhiều loại bệnh bạch cầu mãn tính. Một số sản xuất quá nhiều tế bào và một số tạo ra quá ít tế bào máu. Bệnh bạch cầu mãn tính liên quan đến các tế bào máu trưởng thành, những tế bào máu này sao chép hoặc tích lũy chậm hơn và có thể hoạt động bình thường trong một khoảng thời gian. Một số dạng bệnh bạch cầu mãn tính ban đầu không có triệu chứng sớm và có thể không được chú ý hoặc không được chẩn đoán trong nhiều năm.

Phân loại thứ hai theo loại tế bào bạch cầu bị ảnh hưởng

  • Bệnh bạch cầu lympho. Loại bệnh bạch cầu này ảnh hưởng đến các tế bào bạch huyết (tế bào lympho), hình thành tế bào bạch huyết hoặc mô bạch huyết. Mô bạch huyết tạo nên hệ thống miễn dịch của con người.
  • Bệnh bạch cầu tủy. Loại bệnh bạch cầu này ảnh hưởng đến các tế bào tủy xương. Tế bào tủy tạo ra các tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.

Đường lây truyền bệnh Leukemia cấp

Bệnh Leukemia cấp là bệnh ung thư, không phải bệnh truyền nhiễm, do đó không có khả năng lây truyền từ người bệnh sang người khỏe mạnh.

Đối tượng nguy cơ bệnh Leukemia cấp

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu bao gồm:

  • Điều trị ung thư. Những người trải qua hóa trị và xạ trị để điều trị các bệnh ung thư có nguy cơ phát triển một số loại bệnh bạch cầu.
  • Rối loạn di truyền. Bất thường di truyền dường như đóng một vai trò nhất định trong sự phát triển của bệnh bạch cầu. Một số rối loạn di truyền, chẳng hạn như hội chứng Down, có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu.
  • Tiếp xúc với hóa chất. Phơi nhiễm với một số hóa chất, chẳng hạn như benzen – được tìm thấy trong xăng và được sử dụng trong ngành hóa chất  có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu.
  • Hút thuốc. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu tủy cấp tính.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh bạch cầu. Nếu các thành viên trong gia đình bạn được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu thì nguy cơ của thế hệ sau mắc bệnh có thể tăng lên.

Tuy nhiên, hầu hết những người có yếu tố nguy cơ đã biết không mắc bệnh bạch cầu. Và nhiều người mắc bệnh bạch cầu thì lại không có các yếu tố nguy cơ này.

Phòng ngừa bệnh Leukemia cấp

Để giảm nguy cơ phát triển bệnh bạch cầu, người dân có thể thực hiện bằng cách làm như sau:

  • Không hút thuốc là cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh bạch cầu. Không bắt đầu hút thuốc lá và cũng không thử hút.
  • Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng thừa cân và béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu. Chế độ dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể chất có thể giúp người chưa mắc bệnh có một trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.
  • Tránh hoặc giảm tiếp xúc lâu dài với benzen và formaldehyd để giảm nguy cơ mắc bệnh bạch cầu.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Leukemia cấp

Các bác sĩ có thể phát hiện bệnh bạch cầu mãn tính trong xét nghiệm máu thường quy, trước khi các triệu chứng bắt đầu. Nếu người bệnh có các dấu hiệu hoặc triệu chứng gợi ý bệnh bạch cầu, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm chẩn đoán sau:

  • Khám sức khỏe. Bác sĩ sẽ tìm kiếm các dấu hiệu thực thể để phát hiện bệnh bạch cầu, chẳng hạn như da nhợt nhạt do thiếu máu, sưng hạch bạch huyết và gan to và lá lách to.
  • Xét nghiệm máu, bác sĩ có thể xác định xem mức độ bất thường của hồng cầu, bạch cầu hoặc tiểu cầu để gợi ý bệnh bạch cầu.
  • Xét nghiệm tủy xương. Bác sĩ có thể chỉ định lấy một mẫu tủy xương từ xương hông của người bệnh. Tủy xương được lấy ra bằng kim dài và mỏng. Mẫu tủy xương được gửi đến phòng xét nghiệm để tìm kiếm các tế bào ung thư bạch cầu. Các xét nghiệm chuyên biệt về các tế bào ung thư bạch cầu có thể tiết lộ một số đặc điểm được bác sĩ sử dụng để lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp.
Leukemia cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Các biện pháp điều trị bệnh Leukemia cấp

Điều trị bệnh bạch cầu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bác sĩ xác định các lựa chọn điều trị bệnh bạch cầu dựa trên tuổi tác và sức khỏe tổng thể, loại bệnh bạch cầu mà người bệnh mắc phải và liệu nó có lan sang các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả hệ thống thần kinh trung ương. Các phương pháp điều trị phổ biến được sử dụng để chống lại bệnh bạch cầu bao gồm:

  • Hóa trị. Hóa trị là hình thức điều trị chính cho bệnh bạch cầu bằng cách sử dụng các hóa chất để tiêu diệt các tế bào bạch cầu. Tùy thuộc vào loại bệnh bạch cầu, người bệnh có thể sử dụng một hay kết hợp các loại thuốc. Những loại thuốc này có thể ở dạng thuốc viên hoặc tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch.
  • Liệu pháp sinh học. Liệu pháp sinh học hoạt động bằng cách sử dụng các phương pháp điều trị giúp hệ thống miễn dịch nhận biết và tấn công các tế bào ung thư bạch cầu.
  • Liệu pháp nhắm trúng đích được sử dụng rộng rãi trong điều trị ung thư, là phương pháp dùng thuốc sinh học để ngăn chặn sự phát triển và lan tràn của tế bào ung thư, can thiệp vào các phân tử đặc hiệu trong cơ chế sinh ung và sự phát triển của khối u. Ví dụ, thuốc imatinib (Gleevec) ngăn chặn hoạt động của loại protein trong các tế bào ung thư bạch cầu của những người mắc bệnh bạch cầu tủy xương mãn tính, từ đó giúp kiểm soát bệnh.
  • Xạ trị. Xạ trị sử dụng tia X hoặc các chùm năng lượng cao khác để bắn phá các tế bào ung thư bạch cầu và ngăn chặn sự phát triển của chúng. Trong quá trình xạ trị, người bệnh nằm trên bàn cạnh một cỗ máy lớn di chuyển xung quanh  hướng bức xạ đến các điểm chính xác trên cơ thể. Người bệnh được bức xạ ở một khu vực cụ thể của cơ thể, nơi có một bộ các tế bào ung thư bạch cầu, hoặc bức xạ trên toàn bộ cơ thể người bệnh. Liệu pháp xạ trị có thể được sử dụng để chuẩn bị cho việc cấy ghép tế bào gốc.
  • Ghép tế bào gốc. Ghép tế bào gốc là một thủ tục để thay thế tủy xương bị bệnh bằng tủy xương khỏe mạnh. Trước khi ghép tế bào gốc, người bệnh sẽ được hóa trị liệu hoặc xạ trị liều cao để tiêu diệt tủy xương bị bệnh. Sau đó, người bệnh được truyền tế bào gốc tạo máu giúp xây dựng lại tủy xương.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *