Nhiễm nấm Cryptococcus: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Nhiễm nấm Cryptococcus

Nhiễm nấm Cryptococcus (Crytococcoisis) là bệnh lý xảy ra khi người bệnh nhiễm nấm Cryptococcus neoformans, bệnh có thể xảy ra ở người suy yếu miễn dịch và cả người khỏe mạnh. Các nấm Cryptococcus neoformans có ái lực mạnh với các tế bào thần kinh nên trên lâm sàng, viêm não và viêm màng não là hai bệnh lý thường gặp nhất. Các loại nấm khác thuộc chủng Cryptococcus như Cryptococcus albidus và Cryptococcus laurentii cũng có khả năng gây bệnh nhưng vai trò bệnh học của các loài này chưa được khẳng định.  Nấm Cryptococcus neoforman gồm có hai loại là Cryptococcus neoformans var.neoformans và Cryptococcus neoformans var.gattii, có thể phân biệt dựa vào phản ứng sinh hóa hoặc kỹ thuật sinh học phân tử. Hình ảnh nấm cryptococcus dưới kính hiển vi đặc trưng là các thành mucopolysaccharid rất dày bao quanh tế bào.

Nấm Var.neoformans phân bố khắp nơi trên thế giới, chúng thường sống hoại sinh trong đất, trên một số loại thực vật, trong phân cũ đã khô của các loài chim, đặc biệt là chim bồ câu do Cryptococcus neoformans có tính chịu khô tốt và có khả năng chuyển hóa creatinin trong phân chim thành nguồn dinh dưỡng. Trong phân chim mới lại ít gặp nấm Var.neoformans do các vi khuẩn gây thối rữa làm tăng pH trong phân và làm vi khuẩn ngừng phát triển. Các tế bào nấm có kích thước rất nhỏ, khoảng 2 µm, có thể theo gió phát tán và xâm nhập vào đường hô hấp người. Var.neoformans thường gây bệnh ở những người bị suy giảm miễn dịch như bệnh nhân HIV/AIDS, bệnh nhân cấy ghép nội tạng, người dùng corticoid lâu ngày,…

Nấm Var.gattii không tìm thấy ở đất hoặc phân chim mà chúng phân bố chủ yếu trong các chất mục nát ở các hốc của cây bạch đàn, do đó chúng là tác nhân gây bệnh ở những vùng phát triển nhiều giống cây này. Var.gattii thực sự là một vi nấm gây bệnh chứ không phải là tác nhân cơ hội, do chúng có thể gây bệnh ở người khỏe mạnh mà không cần đến tình trạng suy giảm miễn dịch. 

Bệnh nhiễm nấm Cryptococcus xuất hiện khắp nơi trên thế giới và có xu hướng ngày càng tăng do việc sử dụng rộng rãi các thuốc ức chế miễn dịch và sự phát triển của đại dịch HIV/AIDS. Khoảng 1/3 bệnh nhân AIDS nhiễm nấm Cryptococcus và đây là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ tư ở các bệnh nhân AIDS.

Nguyên nhân bệnh Nhiễm nấm Cryptococcus

Bệnh nhân nhiễm nấm Cryptococcus neoformans khi hít phải các bào tử nấm vào đường hô hấp hoặc khi các bào từ tiếp xúc trực tiếp với các vết loét ở da.

Triệu chứng bệnh Nhiễm nấm Cryptococcus

Nấm cryptococcus neoformans gây bệnh ở đâu? Nấm cryptococcus có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể như phổi, da, xương, hệ thần kinh và nhiều cơ quan khác.

Tổn thương ở phổi: thể phổi nguyên phát diễn biến đa dạng, có thể diễn biến âm thầm hoặc thoáng qua, bệnh khó tiên đoán nhất là ở người khỏe mạnh.

  • Thể nhẹ có thể gây viêm phổi nhẹ, bệnh nhân ho, sốt nhẹ, tiết đờm dãi, đau ngực, phần lớn không thấy hình ảnh tổn thương phổi trên X-quang.
  • Thể xâm nhập xuất hiện khi tình trạng nhiễm nấm tiên phát không được điều trị triệt để, có thể dẫn đến viêm phổi mạn tính. Bệnh nhân có thể sốt, ho hoặc không có triệu chứng. Thể xâm nhập làm tăng nguy cơ nấm lan tràn đến hệ thần kinh trung ương.

Tổn thương ở hệ thần kinh:

  • Viêm màng não chiếm tới 85% tổng số các trường hợp bệnh. Bệnh nhân có các triệu chứng đau đầu, lơ mơ, chóng mặt, buồn nôn, nôn, kích thích, lẫn lộn, cứng gáy. Khi bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân sẽ đau đầu dữ dội, sốt cao, rối loạn nhận thức, mất trí nhớ, đôi khi dẫn đến phù gai thị, phù nề, liệt dây thần kinh sọ, hôn mê và tử vong.
  • Đôi khi có thể gặp trường hợp u nấm (crytococcoma), đây là các tổn thương giả u rắn, khu trú ở bán cầu đại não, tiểu não và tủy sống. Bệnh nhân có các triệu chứng đau đầu, ngủ gà, buồn nôn, nôn, lơ mơ, nói lấp, rối loạn vận động, hôn mê, liệt.

Tổn thương ở da:

  • Tổn thương da nguyên phát: các tổn thương ở thể loét hoặc viêm mô tế bào, thường gặp ở những người suy giảm miễn dịch. Bệnh thường tự khỏi nhưng cần được tái khám, theo dõi định kỳ để đề phòng nguy cơ nấm lan tỏa đến hệ thần kinh.
  • Tổn thương da thứ phát: bệnh ở thể lan tỏa, các tổn thương xuất hiện ở đầu, cổ, hậu môn dưới dạng nổi sần, cục, áp xe, vết loét da, tổn thương dạng herpes hoặc u Kaposi.

Tổn thương ở các cơ quan khác:

  • Tổn thương xương: chủ yếu ở xương mặt, xương sọ và xương cột sống. Tổn thương xương chiếm khoảng 10% trong thể bệnh lan tràn, tổn thương thường là hủy xương, người bệnh có cảm giác đau khi vận động, đôi khi có thể viêm khớp đặc biệt là khớp gối.
  • Tổn thương mắt do tăng áp lực nội sọ gây phù gai thị.
  • Bệnh nhiễm nấm Cryptococcus đôi khi có thể gây viêm bể thận, viêm tuyến tiền liệt, viêm nội tâm mạc, viêm gan, viêm thực quản, viêm xoang,…
Nhiễm nấm Cryptococcus: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Đối tượng nguy cơ bệnh Nhiễm nấm Cryptococcus

Những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm nấm Cryptococcus bao gồm:

Những người có hệ miễn dịch bị suy yếu như:

  • Người mắc bệnh HIV/AIDS.
  • Người điều trị bệnh bằng thuốc corticoid liều cao, kéo dài.
  • Người đã trải qua hóa trị, xạ trị để điều trị ung thư.
  • Người từng cấy ghép nội tạng.
  • Người mắc bệnh Hodgkin.

Người nông dân, người chim bồ câu, chim cảnh.

Người sống ở vùng trồng nhiều cây bạch đàn.

Phòng ngừa bệnh Nhiễm nấm Cryptococcus

Để hạn chế nguy cơ nhiễm nấm Cryptococcus, nên lưu ý các điểm sau:

  • Tránh tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm nấm, hạn chế nuôi chim bồ câu hay chim cảnh, tránh quét dọn chuồng chim, hạn chế sống ở những vùng trồng nhiều cây bạch đàn.
  • Thường xuyên tẩy rửa những nguồn nhiễm nấm bằng các dung dịch tẩy trùng cloramin B, javel,…
  • Tránh các khu vực có nhiều khói bụi, ô nhiễm đặc biệt nếu có hệ miễn dịch yếu.
  • Không hút thuốc lá vì hút thuốc lá sẽ làm tăng sự lắng đọng các bào từ ở đường hô hấp.
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, uống nhiều nước.
  • Phải sử dụng đúng liệu trình thuốc kháng nấm và các thuốc điều trị khác theo hướng dẫn của bác sĩ, không ngừng thuốc kể cả khi triệu chứng đã cải thiện.
  • Kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện các bất thường về sức khỏe.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Nhiễm nấm Cryptococcus

Nhiễm nấm Cryptococcus: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Để chuẩn đoán bệnh nhiễm nấm cryptococcus, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và chỉ định lấy các mẫu bệnh phẩm như dịch não tủy, đờm, mủ, máu, nước tiểu, mô ở da bị tổn thương,… để làm các xét nghiệm như:

  • Cryptococcus test nhanh bằng xét nghiệm trực tiếp: mẫu bệnh phẩm sẽ được nhuộm với mực tàu hoặc dung dịch nigrosin, sau đó quan sát dưới kinh hiển vi. Hình ảnh của nấm Cryptococcus neoformans là những tế bào hình tròn hoặc bầu dục, chung quanh được bao bởi một lớp vòng sáng, đó chính lớp mucopolysaccharide không bắt màu phẩm nhuộm. Nếu mẫu bệnh phẩm là dịch não tủy, có thể quay ly tâm trước khi nhuộm để dễ quan sát dưới kính hiển vi.
  • Nuôi cấy nấm: mẫu bệnh phẩm được nuôi cấy trong môi trường Sabouraud trong 2-3 ngày, ủ ở nhiệt độ 370C và 250C. Nếu có nấm trong mẫu bệnh phẩm, sau thời gian nuôi cấy, các vi nấm sẽ mọc to thành khuẩn lạc nhão, có vàng nâu nhạt, khi quan sát dưới kính hiển vi sẽ thấy nhiều tế bào nấm men có nang mucopolysaccharide.
  • Miễn dịch chuẩn đoán: kháng thể kháng Crytococcus neoformas có thể được phát hiện trong giai đoạn sớm của bệnh, trong các trường hợp nhiễm nấm cư trú nhưng hiếm khi phát hiện được trong nhiễm nấm thần kinh trung ương và các thể lan tỏa khác. Kỹ thuật thường dùng hiện nay là ngưng kết hạt latex.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định: chụp CT đầu, chụp X-quang ngực, nội soi phế quản, sinh thiết phổi,…

Các biện pháp điều trị bệnh Nhiễm nấm Cryptococcus

Trong các nấm Cryptococcus neoforman thì Var.gattii gây bệnh chủ yếu ở người khỏe mạnh nên dễ điều trị hơn, Var.neoformans thường gây nhiễm nấm lan tỏa do đó phải kết hợp điều trị bằng thuốc và can thiệp ngoại khoa. Các thuốc được dùng là các thuốc kháng nấm như: amphotericin B, 5-flucytosine, fluconazole, intraconazol, ketoconazole,…Tùy trường hợp bệnh có thể sử dụng phác đồ phối hợp hoặc đơn lẻ theo chỉ định của bác sĩ.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *