Nhiễm trùng huyết do liên cầu: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Nhiễm trùng huyết do liên cầu

Nhiễm liên cầu khuẩn là gì?

Streptococcus suis (Liên cầu lợn) là một trong những tác nhân gây bệnh ở lợn và một số loài gia súc khác như trâu, bò, ngựa… Ngoài ra chúng còn có thể gây bệnh cho người. Người nhiễm liên cầu khuẩn biểu hiện bằng viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm nội tâm mạc và viêm khớp. Bệnh liên cầu khuẩn ở lợn thường xuất hiện lẻ tẻ nhưng cũng có khi bùng phát thành dịch.

Trường hợp nhiễm Streptococcus suis đầu tiên ở người được mô tả tại Đan Mạch năm 1968. Sau đó những trường hợp nhiễm S. suis được phát hiện ở nhiều nước khác trên thế giới. Ở nước ta, từ năm 2003 đã có nhiều bệnh nhân nhiễm trùng huyết do liên cầu S. suis được phát hiện ở cả ba miền.

Nhiễm trùng huyết là một bệnh nhiễm khuẩn toàn thân nặng do có sự xâm nhập liên tiếp vào máu của vi khuẩn gây bệnh và độc tố của vi khuẩn.

Bệnh cảnh lâm sàng khá đa dạng làm suy đa phủ tạng, sốc nhiễm khuẩn với tỉ lệ tử vong rất cao có thể từ 20 – 50% các trường hợp vì quá trình phát triển bệnh lý là phụ thuộc không những vào mầm bệnh mà còn phụ thuộc vào sự đáp ứng của từng cơ thể người bệnh.

Nhiễm trùng huyết thường tiến triển nặng và không có chiều hướng tự khỏi nếu không được xử lý điều trị kịp thời.

Nguyên nhân bệnh Nhiễm trùng huyết do liên cầu

Nguyên nhân gây bệnh nhiễm trùng huyết do liên cầu là do vi khuẩn Gram dương Streptococcus suis xâm nhập vào cơ thể như:

  • Trực tiếp vào máu.
  • Từ các ổ nhiễm khuẩn ở các mô tế bào, những cơ quan như: da, mô mềm, cơ, xương, khớp, hô hấp, tiêu hóa…

Triệu chứng bệnh Nhiễm trùng huyết do liên cầu

Các dấu hiệu lâm sàng của nhiễm trùng huyết: sốt cao, rét run, biến đổi tình trạng toàn thân, nhịp tim nhanh, lách to, tăng bạch cầu đa nhân, phối hợp một số biểu hiện nổi bật của một nhiễm trùng huyết do liên cầu:

  • Dấu hiệu da: phát ban kiểu tinh hồng nhiệt, ban xuất huyết chấm hoặc mảng, đôi khi lan rộng ra phát ban nổi phỏng – nốt mủ.
  • Các dấu hiệu về khớp: đau khớp, viêm khớp thanh dịch, hoặc mủ, tổn thương đặc biệt các khớp lớn.

Trường hợp nặng thường có thể có xuất huyết dưới da, ban xuất huyết hoại tử lan rộng ở mặt, ngực, chân, tay, hoại tử đầu chi và rối loạn chức năng đông máu. Bệnh có thể đưa đến sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và tử vong.

Nhiễm trùng huyết do liên cầu: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Đường lây truyền bệnh Nhiễm trùng huyết do liên cầu

  • Streptococcus suis có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không được chín. Hiện nay, chưa có bằng chứng bệnh liên cầu khuẩn có thể lây trực tiếp từ người sang người.
  • Phân, chất độn chuồng, các loại thức ăn và nước uống trong chuồng nuôi lợn có thể trở thành nguồn bệnh thứ cấp. Các động vật khác có khả năng truyền nhiễm bệnh bao gồm ruồi, gián, chuột.

Đối tượng nguy cơ bệnh Nhiễm trùng huyết do liên cầu

  • Người cao tuổi, trẻ sơ sinh, trẻ sinh non, người bị suy giảm miễn dịch.
  • Người làm việc ở trại chăn nuôi lợn, người giết mổ gia súc, cán bộ thú y, người ăn tiết canh lợn hoặc ăn thịt lợn ốm chết.
  • Bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, thuốc corticoid kéo dài, thuốc chống thải ghép.
  • Bệnh nhân đang điều trị hóa chất và tia xạ.
  • Người có các bệnh mãn tính như: đái tháo đường, nhiễm HIV/AIDS, xơ gan, bệnh van tim và tim bẩm sinh, bệnh phổi mạn tính, suy thận mạn tính.
  • Người bệnh đã cắt lách, nghiện rượu bia, có bệnh máu ác tính, giảm bạch cầu hạt.
  • Người bệnh có sử dụng các thiết bị hoặc dụng cụ xâm nhập cơ thể nhưng đóng đinh nội tủy, đặt ống dẫn truyền, đặt ống nội khí quản…
Nhiễm trùng huyết do liên cầu: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Phòng ngừa bệnh Nhiễm trùng huyết do liên cầu

  • Để phòng bệnh nhiễm khuẩn huyết cần tích cực điều trị dứt điểm các ổ nhiễm khuẩn ban đầu (áp-xe, mụn, nhọt, các chấn thương, vết thương nhiễm trùng,…).
  • Phải vô trùng tuyệt đối các dụng cụ y tế. Cán bộ y tế (bao gồm cả bác sĩ, phẫu thuật viên, điều dưỡng…) trước khi thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật phải tuân thủ vô trùng tuyệt đối từ khâu rửa sạch tay, sát khuẩn, đến quần, áo, mũ, khẩu trang…
  • Trong bệnh viện phải nghiêm túc thực hiện vô khuẩn tuyệt đối để không xảy ra nhiễm trùng bệnh viện.
  • Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông để người dân biết và chủ động phòng tránh bệnh liên cầu lợn: Nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y. Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng (Tổ chức Y tế Thế giới – WHO khuyến cáo trên 700C). Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn trong thời gian có dịch. Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống. Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc,chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Nhiễm trùng huyết do liên cầu

Căn cứ lâm sàng:

  • Bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng của nhiễm trùng huyết. Nhiễm trùng huyết thường có ban xuất huyết ngoài da.

Căn cứ xét nghiệm:

  • Bạch cầu tăng cao.
  • Tốc độ máu lắng tăng.
  • Hồng cầu thường giảm.
  • Thường có: ure tăng, creatinin tăng, bilirubin tăng, men SGOT, SGPT tăng, đường máu tăng (gặp ở 50% bệnh nhân). Nước tiểu có Albumin, hồng cầu, bạch cầu, trụ hình.
  • Chẩn đoán quyết định phải có cấy máu (+): Kết  luận (+) chắc chắn khi: cấy máu (+) 2 lần hoặc cấy máu và cấy ổ tiên phát, thứ phát có cùng 1 loại vi khuẩn.

Căn cứ vào dịch tễ: 

  • Có tiếp xúc với lợn mắc bệnh hoặc ăn thịt lợn ốm hoặc chết trong vòng 10 ngày trước khi bệnh khởi phát.

Các biện pháp điều trị bệnh Nhiễm trùng huyết do liên cầu

Cách chữa bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người.

Cách chữa bệnh liên cầu khuẩn lợn, việc điều trị nhiễm trùng huyết phải bảo đảm các nguyên tắc:

  • Tiêu diệt mầm bệnh. 
  • Điều chỉnh các rối loạn do nhiễm khuẩn huyết gây ra.
  • Nâng cao sức đề kháng của người bệnh.

Tất cả các trường hợp nhiễm S. suis phải được coi là những bệnh nhiễm trùng nặng. Điều trị bao gồm điều trị nguyên nhân và điều trị hỗ trợ. Theo dõi sát người bệnh để phát hiện sớm các biểu hiện nặng như sốc, rối loạn đông máu, suy đa tạng… để xử trí kịp thời.

Điều trị nguyên nhân:

  • Hầu hết S. suis nuôi cấy được còn nhạy cảm với các kháng sinh thông thường như Penicillin G, Ampicillin, các Cephalosporin thế hệ 3… Do đó, có thể dùng các kháng sinh này để điều trị. 
  • Chọn kháng sinh cụ thể theo kết quả kháng sinh đồ. 
  • Những trường hợp cấy máu hoặc dịch não tủy âm tính nhưng nghi ngờ cao (dựa vào dịch tễ, lâm sàng…) thì có thể chọn một trong những kháng sinh kể trên. Thời gian dùng kháng sinh từ 2 – 3 tuần.

Điều trị hỗ trợ:

  • Chống viêm bằng corticoid.
  • Đảm bảo tuần hoàn, hô hấp.
  • Cân bằng nước – điện giải, kiềm toan.

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *