Trẻ sơ sinh dễ bị đau mắt đỏ do có sức đề kháng yếu và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Khi trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ, cần được mẹ chăm sóc kỹ càng để bệnh nhanh khỏi, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh là do virus Adenovirus, hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường gặp ở cả người lớn và trẻ em, nhưng trẻ sơ sinh là đối tượng dễ mắc bệnh vì các bé có hệ miễn dịch chưa ổn định.
Thời điểm thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa là lúc bệnh dịch dễ bùng phát. Ngoài ra, trẻ sơ sinh dễ bị đau mắt đỏ nếu trong gia đình có người đang bị mà lại không cẩn thận trong quá trình chăm sóc cho bé. Việc để lẫn lộn đồ dùng của bé với đồ dùng của những thành viên khác, không rửa tay sạch sẽ khi vệ sinh cho trẻ… đều là nguyên nhân khiến trẻ bị bệnh.
Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ
Dấu hiệu trẻ bị đau mắt đỏ dễ nhận thấy nhất là mắt trẻ trở nên đỏ, khó chịu, mí mắt dính vào nhau (đặc biệt vào buổi sáng khi bé vừa thức dậy). Mắt nhiều ghèn màu xanh hoặc vàng, chảy nước mắt. Một số bé có triệu chứng phồng mí mắt hoặc nhạy cảm với ánh sáng. Có thể kèm theo triệu chứng trẻ sốt nhẹ, chảy nước mũi, có hạch ở góc hàm.
Khi bị đau mắt đỏ, thị lực của bé không bị suy giảm nhưng nếu để bệnh nặng, mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc,…
Kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ
Vệ sinh mắt thường xuyên: Lau, rửa ghèn cho trẻ hàng ngày bằng khăn ẩm hoặc bông sạch. Sử dụng xong vứt bỏ bông, không dùng lại, còn với khăn cần giặt sạch sau đó luộc qua nước sôi để tiêu diệt vi khuẩn bám trên khăn.
Nhỏ mắt cho bé ít nhất 3 lần/ngày, có thể dùng nước muối sinh lý 0,9% hoặc nước mắt nhân tạo để rửa mắt, làm giảm cảm giác cộm rát khó chịu.
Giữ gìn để tránh đau cả hai mắt: Thông thường, khi bị đau mắt, người bệnh sẽ bị một bên mắt sau đó lây sang mắt còn lại. Vậy nên, nếu trẻ bị đau một bên mắt mẹ cần giữ vệ sinh an toàn tuyệt đối cho con, tránh để virus gây bệnh có cơ hội tiếp xúc với mắt kia. Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt mẹ cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
Tránh đưa bé đến nơi đông người: Khi trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ, nếu không cần thiết, mẹ không nên đưa bé đến những nơi đông người.
Không để trẻ dùng chung đồ với các thành viên khác: Bố mẹ hãy cho con dùng riêng đồ cá nhân như khăn, gối, chậu rửa mặt: giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng, phơi khăn ngoài nắng để hạn chế vi khuẩn lây lan.
Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ và không được tự ý dùng thuốc: Bổ sung đủ dinh dưỡng cho trẻ để trẻ tăng cường sức đề kháng với bệnh, không bị suy kiệt về sức khỏe khiến cho bệnh càng lâu khỏi. Trẻ cũng cần được nghỉ ngơi, cách ly, điều trị theo đơn của thầy thuốc. Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi mua thuốc nhỏ mắt, dùng thuốc nhỏ mắt vì nếu không dùng đúng thuốc bệnh sẽ rất lâu khỏi và có thể để lại biến chứng nguy hiểm.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.