Quy trình chữa trị bệnh viêm kết mạc đau mắt đỏ

Viêm kết mạc đau mắt đỏ là bệnh lý do nhiễm trùng hoặc dị ứng gây ra, khiến người bệnh khó chịu và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, tìm cách chữa trị đúng đắn là ưu tiên hàng đầu khi bị bệnh.

Thực hiện đầy đủ các bước sau đây sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chữa trị, giúp bạn thoát khỏi căn bệnh viêm kết mạc đau mắt đỏ nhanh chóng và hiệu quả.

1. Xác định chính xác nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ thường xuất hiện những triệu chứng như mắt đỏ ngầu, chảy nước mắt và ngứa. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà các biểu hiện đau mắt đỏ có thể thay đổi, cụ thể:

Trường hợp bệnh do virus tấn công một bên mắt hoặc cả hai mắt sẽ khiến mắt người trở nên nhạy cảm với ánh sáng. Đau mắt đỏ do siêu vi gây ra rất dễ lây lan và khó điều trị. Thời gian để cơ thể lành bệnh cũng lâu hơn, có thể kéo dài từ một đến ba tuần. Cách tốt nhất để điều trị đau mắt đỏ do siêu vi là ngăn ngừa các biến chứng có thể phát sinh.

Đau mắt đỏ do vi khuẩn gây nên thường đặc trưng bởi các triệu chứng tiêu biểu như xuất hiện rỉ dịch có màu vàng hoặc xanh lá cây ở hốc mắt. Các trường hợp bệnh nặng, dịch nhầy có thể làm hai mí mắt dính chặt vào nhau. Bệnh có thể xuất hiện ở một bên hoặc cả hai mắt. Để chữa trị viêm kết mạc đau mắt đỏ do vi khuẩn, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ.

Cuối cùng đau mắt đỏ do dị ứng thường đi kèm với các triệu chứng dị ứng khác như nghẹt mũi hoặc sổ mũi. Khi bị đau mắt đỏ do dị ứng, cả hai mắt đều sẽ bị nhiễm bệnh. Dạng viêm kết mạc đau mắt đỏ này sẽ không lây lan. Trong trường hợp này, khi không tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng nữa thì mắt sẽ lành lại. Người bệnh có thể chữa trị tại nhà nếu dị ứng nhẹ. Song nếu bệnh nhân mắc các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng thì cần phải được điều trị y tế ngay.

Xác định đúng nguyên nhân gây bệnh giúp chữa trị đau mắt đỏ nhanh chóng và hiệu quả.

2. Điều trị viêm kết mạc đau mắt đỏ

Sử dụng thuốc dị ứng trong trường hợp bị đau mắt đỏ do dị ứng

Nếu bị đau mắt đỏ do dị ứng nhẹ thì thuốc dị ứng thông thường như antihistamine (thuốc có tác dụng chống chất histamin) có thể giúp bạn loại bỏ một cách nhanh chóng các triệu chứng khó chịu. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng không có xu hướng thuyên giảm sau khi dùng thuốc, có thể bạn đã bị nhiễm bệnh do vi khuẩn hoặc siêu vi gây ra.

Vệ sinh vùng mắt bị nhiễm bệnh thường xuyên

Khi bị đau mắt đỏ, hãy dùng khăn mềm sạch lau mắt để ngăn ngừa vi khuẩn gây mưng mủ cho mắt. Bắt đầu từ vị trí hốc mắt trong cùng, ngay cạnh mũi, bạn nhẹ nhàng lau toàn bộ mắt theo chiều tiến dần về đuôi mắt. Áp dụng cách này sẽ giúp loại bỏ dịch nhầy khỏi ống dẫn nước mắt và mắt của bạn một cách an toàn. Tuy nhiên, cần chú ý rửa tay thật sạch trước và sau khi lau mắt. Sau khi lau xong nhớ vứt bỏ khăn giấy hoặc khăn lau mắt dùng một lần, giặt sạch khăn mặt ngay sau khi sử dụng.

Sử dụng thuốc nhỏ mắt

Thuốc nhỏ mắt có thể làm giảm nhẹ các biểu hiện đau mắt đỏ như khô mắt và giúp bạn rửa sạch các chất bụi bẩn. Hầu hết, các loại thuốc nhỏ mắt thông thường là dung dịch bôi trơn dịu nhẹ có chiết xuất từ nước muối nên rất an toàn. Ngoài ra, một vài loại thuốc nhỏ mắt không cần kê toa có chứa chất kháng histamin rất hữu hiệu trong việc điều trị viêm kết mạc do dị ứng.

Chườm lạnh hoặc chườm ấm lên mắt

Ngâm một chiếc khăn mềm, sạch vào nước ấm. Sau đó, vắt khô và chườm nhẹ lên mắt bị đau. Cách tốt nhất để điều trị đau mắt đỏ do dị ứng là chườm lạnh, nhưng chườm ấm giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn và làm giảm sưng tấy khi mắc bệnh do siêu vi hoặc do vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên, bạn cũng nên nhớ rằng, chườm ấm có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm sang vùng mắt còn lại. Vì vậy, hãy thay gạc sau mỗi lần sử dụng và dùng các miếng gạc khác nhau cho mỗi bên mắt.

Khám bác sĩ

Các bác sĩ có thể đưa ra cho bạn những lời khuyên hữu ích về việc bạn cần làm gì khi bị đau mắt đỏ. Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn cảm thấy mắt bị đau hoặc đau nặng, tầm nhìn giảm sút và các triệu chứng không cải thiện sau khi đã thực hiện tất cả các bước trên. Đặc biệt, nếu mắt của bạn trở nên đỏ đậm, bạn cần phải đi khám càng sớm càng tốt.

Đi khám ngay nếu nghi ngờ rằng mình đang mắc phải một dạng viêm kết mạc siêu vi nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh do virus Herpes simplex gây ra, bị suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV hoặc đang trong quá trình điều trị ung thư. Hoặc nếu nhận thấy thuốc kháng sinh không cải thiện tình trạng viêm kết mạc do vi khuẩn sau 24 giờ.

Trong một số trường hợp, bạn cần đi khám bác sĩ ngay.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *