Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh chủ yếu do virus gây ra, có thể lây lan và phát tán trong không khí nên dễ bùng phát thành dịch. Nhiều câu hỏi đặt ra đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi, điều trị thế nào để bệnh không bị nặng thêm.
Bệnh đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi?
Nếu bị đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi? Đau mắt đỏ loại nhẹ thì bạn sẽ khỏi bệnh trong vòng 1 tuần. Thời gian này bao gồm cả thời gian ủ bệnh đến lúc xuất hiện những triệu chứng ở mắt.
Các triệu chứng từ khi phát bệnh bao gồm: mắt có triệu chứng cộm rát, và có ghèn ra nhiều, tự chảy nước mắt, mắt đỏ và mi mắt bị sưng, cảm giác khó chịu và ngứa rát mỗi khi chớp mắt nhiều và liên tục. Nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường như mắt có ghèn và dù đã lau sạch ghèn nhưng sau 5 phút lại thấy xuất hiện ghèn bạn nên lưu ý để xử lý kịp thời, nếu để nặng hơn bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt nhẹ, sốt, đau họng, nổi hạch tai hoặc hạch dưới hàm.
Lúc đầu thường là một mắt, sau khoảng 1 – 2 ngày sẽ lan sang mắt thứ hai. Tuy nhiên, mức độ nặng nhẹ giữa hai mắt có thể khác nhau. Đây là một yếu tố khá quan trọng cho việc chẩn đoán chính xác bệnh vì đa số các bệnh về mắt thường xảy ra đồng thời cả hai bên.
Vì đau mắt đỏ do virus gây ra nên có nguy cơ lây nhiễm cao (nhất là trong 2 tuần từ khi bị bệnh) nên việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng. Thời gian đau mắt đỏ ủ bệnh thường từ 5 – 7 ngày. Đa số trường hợp nếu được chăm sóc đúng cách sẽ hết sau 7 – 14 ngày nhưng thông thường bệnh thường sẽ khỏi sau 1 tuần. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời và đúng chỉ định của bác sĩ có thể gây nhiều biến chứng như viêm giác mạc, dẫn tới suy giảm thị lực sau này. Có trường hợp tự chữa không đúng cách ở nhà làm bệnh có thể kéo dài hơn, điều trị cũng phải mất đến 3 tuần mới khỏi.
Lưu ý trong quá trình điều trị đau mắt đỏ để bệnh không nặng thêm
Nếu trong nhà có một người bị đau mắt đỏ mà không biết đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi, hãy áp dụng các biện pháp sau đây để có thể rút ngắn thời gian bệnh và không lây lan cho cả nhà:
- Không dụi mắt bằng tay. Rửa tay kỹ và thường xuyên với xà phòng, nhất là trước và sau khi tra thuốc nhỏ mắt.
- Vệ sinh mắt ít nhất 3 lần/ngày bằng nước muối sinh lý. Dùng khăn sạch để lau mắt, sau đó phải giặt khăn bằng xà phòng, phơi khăn ngoài nắng.
- Không dùng chung thuốc nhỏ mắt với người khác. Trường hợp chỉ bị một bên mắt thì nên sử dụng 2 lọ thuốc nhỏ riêng, 1 cho mắt bệnh và 1 cho mắt lành. Việc chung một chai thuốc sẽ khiến bệnh diễn biến nặng thêm và lây sang mắt còn lại.
- Người bệnh cần uống nhiều nước, nghỉ ngơi, tránh khói bụi, đeo kính râm để bảo vệ cho mắt.
- Không tự dùng thuốc nhỏ có chất “Dexa” hoặc những bài thuốc dân gian chưa được kiểm chứng như lá trầu, nha đam đắp vào mắt vì có thể sẽ dễ gây biến chứng nguy hiểm; nhiều người tự mua thuốc chứa corticoid về nhỏ mà không biết dùng nhiều có thể gây suy giảm miễn dịch, khiến thời gian điều trị lâu hơn.
- Khi thấy có chuyển biến bệnh nặng hơn, bạn cần tới ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám kịp thời. Nếu bệnh không được điều trị, chăm sóc cẩn thận, người bệnh sẽ bị mọc sẹo, giảm thị lực, mắt mờ.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.