Uốn ván: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Uốn ván

Uốn ván là bệnh gì?

Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính nặng nề, do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván có tên Clostridium tetani gây nên. Ngoại độc tố này ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, làm tổn thương não và hệ thần kinh trung ương dẫn đến cứng cơ, có thể gây tử vong.

Ở Việt Nam, bệnh uốn ván phân bố rải rác ở các tỉnh thành trong cả nước và có ở mọi lứa tuổi. Bệnh có thể gặp bất kỳ thời gian nào trong năm, không mang tính chất mùa rõ rệt. Chương trình loại trừ uốn ván sơ sinh được triển khai từ năm 1992. Từ năm 2005, Việt Nam đã loại trừ uốn ván sơ sinh theo quy mô huyện với tỷ lệ mắc uốn ván sơ sinh dưới 1/1000 trẻ đẻ sống.Tỷ lệ tử vong của bệnh uốn ván cao hơn ở những người không tiêm chủng và người lớn trên 60 tuổi.

Nguyên nhân bệnh Uốn ván

Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani). Đây là trực khuẩn gram dương, có lông quanh thân, di động tương đối, sống trong môi trường yếm khí. Trực khuẩn thường tạo nha bào hình cầu tròn ở dạng tự do hoặc hình dùi trống. Vi khuẩn uốn ván chết ở 560C, nhưng nha bào uốn ván rất bền vững, còn có thể gây bệnh uốn ván sau 5 năm ở trong đất. Các dung dịch sát trùng như phenol, formalin có thể diệt nha bào sau 8-10 tiếng và đun sôi trong vòng 30 phút cũng giết chết được nha bào.

Loại vi khuẩn này có mặt khắp nơi trên thế giới và chủ yếu được tìm thấy trong đất. Nhiễm trùng vết thương, thường là vết thương hở, vết thương nhiễm bẩn, sâu, nhiều dị vật là môi trường thuận lợi thường gặp vi khuẩn uốn ván. Bào tử xâm nhập vào vết thương trên da, sinh sôi nảy nở và tạo ra độc tố bám vào đuôi các sợi thần kinh. Chất độc sẽ lan dần vào tủy sống và não. Độc tố ngăn chặn những tín hiệu hóa học từ não và tủy sống đến cơ. Cơ sẽ bị co giật nặng, bệnh nhân có thể ngừng thở và tử vong nếu nhóm cơ hô hấp bị co cứng kéo dài. Uốn ván sơ sinh thường bắt nguồn từ nhiễm trùng do cắt dây rốn ở trẻ sơ sinh không đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn.

Uốn ván: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Triệu chứng bệnh Uốn ván

  • Bệnh uốn ván thường bắt đầu bằng triệu chứng co thắt cơ hàm nhẹ, sau đó ảnh hưởng đến các cơ khác trong vùng mặt và các vị trí khác nhau trong cơ thể như ngực, cổ, lưng, bụng và mông. Co các cơ thắt lưng tạo ra tư thế uốn cong lưng đặc trưng. Co thắt các cơ hô hấp ảnh hưởng đến việc hô hấp. Việc co cơ mạnh, đột ngột, kéo dài gây đau cơ, có thể rách cả cơ và gãy xương. Các triệu chứng khác bao gồm sốt, nhức đầu, bồn chồn, khó chịu, bí tiểu, nóng rát khi đi tiểu và đại tiện mất kiểm soát.
  • Uốn ván toàn thân là thể bệnh phổ biến nhất. Triệu chứng uốn ván toàn thân là nhiều cơ bị căng cứng và xuất hiện những cơn co giật đau đớn trong vòng 7 ngày từ khi vi khuẩn xâm nhập. Các cơ bị ảnh hưởng hầu hết thường ở hàm, cổ, vai, lưng, bụng trên, tay và đùi. Cơ mặt bị co lại nên mặt bị nhăn. Một số người bị co giật cơ mạnh, đau đớn khắp toàn thân, thậm chí rách cơ và gãy xương. Bệnh có thể nhẹ khi cơ co cứng với vài cơn co giật, vừa nếu có cứng hàm và khó nuốt hoặc nặng nếu co giật dữ dội hoặc ngừng thở.
  • Uốn ván cục bộ không phổ biến. Triệu chứng uốn ván cục bộ xuất hiện ở các cơ gần vết thương. Uốn ván cục bộ thông thường có tiên lượng tốt hơn uốn ván toàn thân, tỷ lệ tử vong chỉ khoảng 1%. Tuy nhiên uốn ván cục bộ cũng có thể là dấu hiệu báo trước của uốn ván toàn thân.

Đường lây truyền bệnh Uốn ván

  • Thông thường nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu, bị nhiễm bẩn, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, hoặc do tiêm chích nhiễm bẩn. Ghi nhận được các trường hợp mắc bệnh uốn ván sau phẫu thuật, hay sau nạo thai trong những điều kiện không đảm bảo vệ sinh. Có trường hợp tổ chức của cơ thể bị hoại tử và/hoặc các dị vật xâm nhập vào cơ thể bị nhiễm bẩn tạo ra môi trường yếm khí cho nha bào uốn ván phát triển.
  • Trẻ sơ sinh bị bệnh uốn ván sơ sinh là do quá trình cắt và chăm sóc rốn không đảm bảo vệ sinh. Nha bào uốn ván xâm nhập qua dây rốn vì cắt rốn bằng dụng cụ bẩn hoặc sau khi sinh, trẻ không được chăm sóc rốn sạch sẽ, gạc băng rốn không vô khuẩn nên đã bị nhiễm nha bào uốn ván. Bệnh uốn ván sơ sinh thường xảy ra ở trẻ bị đẻ rơi, đẻ tại nhà được chăm sóc theo phong tục tập quán lạc hậu, nhất là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa.
  • Bệnh uốn ván không lây truyền từ người sang người.

Đối tượng nguy cơ bệnh Uốn ván

Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh uốn ván:

  • Suy giảm hệ miễn dịch, không tiêm vắc xin uốn ván.
  • Không được thuốc tiêm phòng TIG kịp thời để chống lại bệnh uốn ván.
  • Sự xuất hiện của vi khuẩn gây nhiễm bệnh khác.
  • Mô bị tổn thương nhiều.
  • Tình trạng sưng tấy xung quanh vết thương.

Những vết thương sau là điều kiện thuận lợi dễ mắc bệnh uốn ván:

  • Vết thương hở, bao gồm xăm mình, xỏ khuyên, vết tiêm.
  • Vết thương nhiễm bẩn, nhiều dị vật.
  • Vết thương do đạn bắn.
  • Gãy xương hở.
  • Bỏng.
  • Vết thương do phẫu thuật.
  • Vết cắn của động vật.

Phòng ngừa bệnh Uốn ván

Các cách phòng ngừa bệnh uốn ván:

  • Tiêm vắc xin uốn ván là cách phòng bệnh tốt nhất. Tiêm vắc xin uốn ván để chủ động phòng uốn ván cho mẹ và UỐN VÁN SƠ SINH cho con. Phụ nữ có thai cần được tiêm tối thiểu 2 liều vắc xin uốn ván cách nhau tối thiểu 1 tháng và liều thứ 2 phải tiêm trước khi sinh 1 tháng. Những lần có thai sau cần tiêm nhắc lại 1 liều uốn ván trước khi sinh 1 tháng. Trẻ em dưới 1 tuổi sẽ được tiêm vắc xin phối hợp phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib.
  • Dùng globulin miễn dịch uốn ván khi có các vết thương sâu, nhiễm bẩn, nhiều dị vật, có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Đối với người có các vết thương sâu, nhiễm bẩn nhiều, chứa dị vật, dễ mắc bệnh uốn ván thì cần xử lý như sau:

Trường hợp người bị thương đã được tiêm vắc xin uốn ván đầy đủ:

  • Đối với vết thương nhẹ, không bị nhiễm bẩn và liều vắc xin uốn ván cuối cùng cách lúc đó > 10 năm thì phải tiêm nhắc lại 1 liều vắc xin uốn ván.
  • Đối với vết thương nặng hoặc bị nhiễm bẩn và trong vòng 5 năm trước đó chưa được tiêm vắc xin uốn ván thì phải tiêm nhắc lại 1 liều vắc xin uốn ván ngay trong ngày bị thương.

Trường hợp người bị thương chưa được gây miễn dịch cơ bản đầy đủ bằng vắc xin uốn ván

Cần phải được tiêm 1 liều vắc xin uốn ván ngay càng sớm càng tốt sau lúc bị thương. Nếu vết thương nặng hoặc bị nhiễm bẩn thì cần tiêm thêm TIG.

Tiêm chưa đủ liều

Trường hợp người bị thương chưa được tiêm đủ 3 liều vắc xin uốn ván hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin uốn ván và có vết thương sâu hoặc bị nhiễm bẩn thì cho tiêm TIG với liều thấp nhất là 250 IU hoặc SAT với liều 1500-5000 IU. Có thể tiêm vắc xin uốn ván, tiêm TIG hoặc SAT cùng một lúc, nhưng phải dùng bơm kim tiêm riêng và tiêm ở vị trí khác nhau. Trước khi tiêm SAT có nguồn gốc từ động vật thì phải thử phản ứng để phòng sốc phản vệ bằng test trong da. Trường hợp người bị thương đã có lần được tiêm huyết thanh động vật thì trước khi tiêm phải thử phản ứng nội bì có đối chứng âm tính bằng tiêm nước muối sinh lý. Đọc kết quả sau 15 – 20 phút. Nếu chỗ đối chứng âm tính và chỗ thử xuất hiện nốt phỏng với quầng đỏ rộng 3mm thì đó là kết quả thử dương tính và cần phải làm giải mẫn cảm.

Ngoài ra cần tuyên truyền giáo dục sức khoẻ về những thông tin cần thiết liên quan đến bệnh uốn ván và uốn ván sơ sinh, sự nguy hiểm và cách sơ cứu của các vết thương do đâm chọc và những vết thương kín và sự cần thiết phải tiêm chủng chủ động hoặc tiêm chủng thụ động sau khi bị thương, sự cần thiết phải tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn trong y tế.

Uốn ván: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Uốn ván

  • Chẩn đoán bệnh uốn ván chủ yếu dựa vào biểu hiện uốn ván với co cứng cơ. Hiện tại không có xét nghiệm máu để chẩn đoán uốn ván và không phân lập được vi khuẩn uốn ván ở người.
  • Thử nghiệm với que đè lưỡi là một thử nghiệm lâm sàng được thực hiện bằng cách chạm vào thành họng sau với dụng cụ đè lưỡi và quan sát phản ứng. Một kết quả dương tính khi có sự co rút không tự nguyện của hàm (cắn xuống “thìa”). Một báo cáo ngắn trên Tạp chí Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Hoa Kỳ cho biết, trong một nghiên cứu đối tượng bị ảnh hưởng, xét nghiệm này có độ đặc hiệu cao (không có kết quả xét nghiệm dương tính giả) và độ nhạy cao (94% người nhiễm bệnh cho kết quả dương tính kiểm tra).

Các biện pháp điều trị bệnh Uốn ván

  • Trước khi điều trị uốn ván, cần làm sạch các vết thương để ngăn ngừa nhiễm trùng. Vết thương phải được cắt lọc các tổ chức bị nhiễm bẩn hoặc hoại tử và Phải duy trì tình trạng thoáng khí của vết thương.
  • Miễn dịch uốn ván (TIG) được tiêm càng sớm càng tốt, ngay cả khi đã được tiêm phòng vắc xin uốn ván trước đây. Tiêm bắp TIG với liều từ 3000 – 6000 IU. Nếu không có TIG, có thể thay thế bằng tiêm tĩnh mạch một liều SAT. Tuy nhiên liệu pháp này chỉ có tác dụng ngắn và không thể thay thế các phương pháp khác. Các chuyên gia Y tế nói rằng cách này có thể an toàn đối với phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
  • Các bác sĩ có thể chỉ định các nhóm kháng sinh penicillin hoặc metronidazole từ 7-14 ngày với liều cao, những kháng sinh này ngăn chặn vi khuẩn độc hại gây co thắt cơ và cứng khớp. Bệnh nhân bị dị ứng với penicillin hoặc metronidazole có thể thay thế bằng tetracycline.
  • Có thể sử dụng thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ kết hợp với mở khí quản hoặc đặt ống nội khí quản, hỗ trợ hô hấp bằng thở máy để cấp cứu bệnh nhân. Đồng thời với điều trị, phải gây miễn dịch chủ động bằng vắc xin uốn ván cho bệnh nhân.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *