Hiện tại, dịch đau mắt đỏ đang bùng phát mạnh ở khu vực TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Vậy cần làm gì để tránh lây đau mắt đỏ? Hãy cùng Long Châu tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Đau mắt đỏ lây truyền như thế nào?
Đau mắt đỏ là hiện tượng nhiễm trùng mắt, vùng kết mạc bị viêm. Nguyên nhân gây ra đau mắt là do vi khuẩn hoặc virus, cũng có thể do dị ứng. Các triệu chứng cơ bản của bệnh sẽ là đỏ một bên mắt sau đó lan sang bên còn lại, ngứa mắt, cộm mắt. Sáng sớm ngủ dậy mắt đóng ghèn nhiều.
Bệnh đau mắt đỏ có thể lây qua nhiều đường nhưng phổ biến nhất là lây trực tiếp khi tiếp xúc qua đường hô hấp, với nước mắt, nước bọt,… của người bệnh.
Cần làm gì để tránh lây đau mắt đỏ?
Nguồn bệnh đau mắt đỏ có thể lây trực tiếp từ người thân trong gia đình hoặc từ cộng đồng. Vậy cần làm gì để tránh lây đau mắt đỏ?
Đối với người khỏe mạnh
Khi trong nhà có người bị đau mắt đỏ, mọi người cần phải lưu ý một số điểm sau để tránh lây đau mắt đỏ cho bản thân cũng như những người khác.
Một là không sử dụng chung bất cứ vật dụng cá nhân nào với người bệnh, kể cả những thứ bạn nghi ngờ có thể có dính dịch tiết của người bị đau mắt đỏ. Ví dụ như khăn tắm, gối, chăn, chén, đũa và kể cả bồn tắm. Tốt nhất, mọi người nên sử dụng vật dụng riêng của mình và thường xuyên vệ sinh các đồ dụng; nếu có thể hãy cách ly người bệnh thì sẽ hạn chế nguy lây nhiễm vi khuẩn.
Thứ hai, không sử dụng chung thuốc nhỏ mắt với người bệnh.
Để tránh lây đau mắt đỏ, không nên dùng chung thuốc nhỏ mắt với người bệnh.
Thứ ba, hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt đỏ. Nếu gia đình có em bé nhỏ, cần cách ly giữa người bệnh với trẻ.
Thứ tư, bạn nên hạn chế đến những nơi có nhiều mầm bệnh như bệnh viện, hạn chế đi bơi hay sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm nhất là trong thời cao điểm của mùa dịch đau mắt đỏ.
Đối với người bệnh
Do đau mắt đỏ rất dễ lây, nên người bệnh cần phải biết làm gì khi bị đau mắt đỏ để tránh lây nhiễm cho cộng động.
- Người bệnh không nên sử dụng chung đồ với mọi người trong gia đình.
- Cần rửa tay sạch sẽ với xà phòng diệt khuẩn trước khi tiếp xúc với bất cứ đồ vật nào trong gia đình. Tránh đưa tay lên dụi mắt.
- Hạn chế đến nơi công cộng như trường học, công viên,…
- Phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong việc điều trị. Không nên tự ý sử dụng thuốc nếu không có ý kiến của bác sĩ. Nếu người bệnh muốn sử dụng các phương thuốc dân gian thì cần hỏi qua ý kiến của bác sĩ. Trong trường hợp bạn bị đau mắt đỏ ở một bên mắt thì cũng nên dùng 2 chai thuốc nhỏ mắt; 1 cho bên mắt bị bệnh và 1 cho bên mắt khỏe mạnh để tránh trường hợp vi khuẩn từ mắt bên này lây sang mắt bên kia.
- Nếu ra đường cần phải đeo kính để tránh môi trường ô nhiễm, bụi bẩn,… Vì những tác nhân này sẽ khiến cho bệnh trở nặng hơn.
- Khi tiếp xúc với những người xung quanh, cần đeo khẩu trang để tránh nước bọt bắn ra khi nói chuyện, ho, hắt hơi,…
Đau mắt đỏ rất dễ bùng phát thành dịch, bất cứ ai cũng có khả năng nhiễm phải virus. Bệnh nếu không được điều trị đúng cách sẽ để lại nhiều biến chứng nặng ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt sau này. Do đó, khi có bất kì triệu chứng nào của bệnh đau mắt đỏ, người bệnh cần tới các cơ sở y tế uy tín để được khám và điều trị. Hy vọng với lượng thông tin trên, Long Châu đã giúp quý vị biết cần làm gì để tránh lây đau mắt đỏ.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.