Đau mắt đỏ là có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Hiện nay có nhiều người đang truyền tai nhau về bài thuốc rau răm chữa đau mắt đỏ. Vậy bài thuốc này có công dụng thật hay không?
Phòng tránh nguy cơ đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ là một bệnh do virus gây nên và hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, tránh các nhiễm trùng phối hợp với việc giúp bệnh nhân bớt khó chịu và rút ngắn thời gian khỏi bệnh. Tỷ lệ biến chứng của đau mắt đỏ cũng khá cao, đến 20%. Các biến chứng có thể kể đến như là viêm giác mạc, loét giác mạc… Sau khi nhiễm bệnh thì có nhiều trường hợp miễn dịch được với bệnh trong 1 – 2 tháng, tuy nhiên cũng có những người chỉ được 1 – 2 tuần là tái nhiễm trở lại. Thế nên chúng ta cần lưu ý giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và phòng bệnh hiệu quả.
Nhiều người bị đau mắt đỏ cho rằng mình bị bệnh là do lỡ nhìn vào mắt người bệnh. Nhưng trên thực tế thì việc lây nhiễm không thông qua đường nhìn. Virus đau mắt đỏ là loại lan truyền qua đường hô hấp, đường tiếp xúc trực tiếp và đường nước, thế nên việc lây bệnh rất dễ dàng và càng dễ phát thành dịch. Nếu người bệnh lấy tay dụi mắt rồi cầm điện thoại, điều khiển, tay nắm cửa… rồi người bình thường chạm vào các vật dụng đó rồi dụi tay vào mắt thì đã có nguy cơ dính virus gây bệnh. Đó chính là nguyên nhân mà người trong gia đình, trường học, công xưởng… bị đau mắt đỏ có thể lây lan cho nhiều người.
Thế nên người bị đau mắt đỏ cần có ý thức giữ vệ sinh cá nhân và hạn chế giao tiếp. Tuyệt đối không dùng chung vật dụng cá nhân như khăn mặt với người khác. Đồng thời khi mắc phải bệnh thì hãy nghỉ ngơi tại nhà để tránh nguy cơ lây lan cho những người xung quanh, nhất là tuyệt đối không được đi bơi.
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ để phòng bệnh đau mắt đỏ.
Có nên dùng rau răm chữa đau mắt đỏ hay không?
Hiện nay bài thuốc rau răm chữa đau mắt đỏ được nhiều người bảo nhau là có thể giúp nhanh chóng chữa bệnh. Vậy điều này có thật hay không?
Theo bác sĩ Cao Thành Quí của bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thì việc dùng rau răm chữa đau mắt đỏ là hoàn toàn không nên. Bác sĩ cho biết rằng các loại thuốc có nguồn gốc từ cây cỏ ở dân gian được ghi nhận đã làm cho tình trạng của bệnh nghiêm trọng hơn. Thậm chí nhiều người đã bị mù lòa do thiếu hiểu biết trong việc điều trị bệnh đau mắt đỏ.
Nhiều người đã và đang sử dụng các phương thức truyền miệng như là xông hoặc đắp lá rau răm chữa đau mắt đỏ, lá diếp cá, xương rồng, hoặc pha chế nước muối thịt cóc, nhái… để làm thuốc chữa đau mắt đỏ. Theo bác sĩ Trần Hải Yến, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM thì cách xông các loại lá nêu trên có thể giúp làm bớt các triệu chứng phù nề mi mắt, tuy nhiên lại không có tác dụng trong việc chữa bệnh. Thậm chí là nếu người bệnh không cẩn thận thì có thể dẫn đến bỏng mi mắt, trầy hoặc loét giác mạc kéo theo các biến chứng. Do đó, nếu phát hiện mắc bệnh đau mắt đỏ thì hãy đến thăm khám bác sĩ mà không được tự ý chữa trị.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.