Hôi miệng khi mang thai là tình trạng thường gặp ở nhiều mẹ bầu, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Làm cách nào để hạn chế mùi hôi khó chịu từ khoang miệng là điều mà mẹ nên biết.
Nguyên nhân hôi miệng khi mang thai
Có rất nhiều nguyên nhân bị hôi miệng khi mang thai, chủ yếu là do các bà mẹ gặp vấn đề về răng miệng, cụ thể:
Nôn nghén trong thai kỳ
Có thể bạn không biết rằng, 80% phụ nữ mang thai bị nôn nghén, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Tình trạng nôn nghén nhiều gây trào ngược dạ dày, từ đó làm tăng lượng axit trong khoang miệng, dẫn đến hôi miệng khi mang thai nếu răng miệng không được vệ sinh sạch sẽ.
Thay đổi chế độ ăn uống
Việc thay đổi chế độ ăn uống trong thời gian mang thai như ăn nhiều bữa phụ, bánh kẹo ngọt… làm hại men răng, dẫn đến bị sâu và khiến hơi thở có mùi.
Ngoài ra, các mẹ bầu trong thời gian đi làm thường ăn luôn miệng do thèm nhưng không có thời gian vệ sinh răng miệng nhiều lần đã tạo môi trường thuận lợi cho những vi khuẩn gây mùi khó chịu phát triển.
Uống ít nước làm khô miệng cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh và gây ra hôi miệng.
Thay đổi nội tiết tố gây hôi miệng khi mang thai
Trong thời kỳ mang thai, lượng estrogen và progestin tăng cao làm cho huyết quản mao dẫn ở răng mở rộng ra rồi lại cong lại, tính đàn hồi giảm, ứ trệ huyết dịch và tăng tính thẩm thấu của thành ống dễ dẫn đến viêm nướu, từ đó khiến hơi thở có mùi.
Hôi miệng có thể ảnh hưởng đến thai nhi làm tăng khả năng sinh non hoặc sinh bé nhẹ cân. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo các mẹ bầu nên kiểm tra sức khỏe răng miệng trước khi mang thai và vệ sinh răng miệng cẩn thận, sạch sẽ trong thai kỳ. Tuy nhiên nếu lỡ đã bị hôi miệng khi mang thai thì cần thực hiện ngay các biện pháp khắc phục ngay sau đây.
Phương pháp khắc phục hôi miệng khi mang thai
Làm sạch lưỡi
Một trong những phương pháp kiểm soát hiệu quả mùi hôi miệng chính là làm sạch lưỡi. Vì vậy, mỗi khi đánh răng mẹ bầu đừng nên bỏ qua động tác chải lưỡi nhé. Bạn có thể sử dụng bàn chải đánh răng, cây cạo lưỡi hoặc bàn chải lưỡi, thậm chí một chiếc muỗng cà phê lật ngược để loại bỏ màng vi khuẩn, các mảnh vỡ và chất nhầy bám trên lưỡi.
Tuy nhiên, lúc thực hiện, mẹ bầu nên tránh cạo mạnh làm tổn hại lưỡi và cũng cần tránh cạo vào vùng hàng rào vị giác chữ V ở cực sau của lưỡi. Ngoài ra, chải mặt lưỡi bằng một lượng nhỏ nước súc miệng diệt khuẩn hoặc gel làm sạch lưỡi sẽ ngăn chặn vi khuẩn hoạt động.
Dùng nước súc miệng để hạn chế hôi miệng khi mang thai
Nước súc miệng có tác dụng giảm mùi hôi trong nhiều giờ sau khi sử dụng. Tuy nhiên, loại nước này có thể chứa một số thành phần hoạt hóa có thể bị bất hoạt bởi xà phòng trong kem đánh răng. Vì thế, nha sĩ khuyến cáo không nên súc miệng ngay sau khi đánh răng hoặc dùng nước súc miệng khi chải răng mà nên dùng ngay trước khi đi ngủ để đạt hiệu quả cao nhất.
Vệ sinh răng miệng thường xuyên
Chăm sóc răng miệng hàng ngày bao gồm đánh răng, làm sạch lưỡi, dùng chỉ nha khoa, khám nha sĩ theo định kỳ. Các mẹ bầu nên thực hiện đúng và đủ các bước trong chu trình chăm sóc răng miệng để hạn chế hôi miệng khi mang thai nhé.
Một vài mẹo trị hôi miệng khi mang thai từ thiên nhiên
Nước
Nước đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn hơi thở thơm tho cho các mẹ bầu. Dó đó, sau khi ăn xong, mẹ nên súc miệng bằng nước trong vài giây để làm bong các thức ăn mắc kẹt trong răng và làm sạch miệng. Một khi miệng của bạn sạch sẽ thì vì khuẩn sẽ ít phát triển hơn.
Ngoài ra, uống một hoặc hai ly nước giữa các bữa ăn sẽ giúp kích thích sản xuất nước bọt, làm hạn chế hoạt động của vi khuẩn.
Tinh dầu tràm trà
Tinh dầu tràm trà có tính chất sát trùng, hoạt động như một chất khử trùng mạnh mẽ. Bạn có thể sử dụng kem đánh răng có chứa tinh dầu tràm trà hoặc nhỏ một vài giọt dầu cây trà lên bàn chải đánh răng cùng với kem đánh răng để chăm sóc răng miệng hàng ngày.
Hoặc có thể sử dụng hỗn hợp gồm tinh dầu tràm trà, tinh dầu bạc hà và tinh dầu chanh và nước súc miệng hàng ngày nhằm hạn chế mùi hôi miệng.
Thì là
Một bí quyết chữa hôi miệng được nhiều người áp dụng đó là dùng thì là. Bạn có thể sử dụng cây thì là để loại bỏ hơi thở khó chịu nhờ đặc tính kháng khuẩn mạnh mẽ. Rất đơn giản, bạn hãy lấy một thìa thì là và từ từ nhai hoặc có thể nhai hạt cây thì là trộn với hạt của các hương liệu khác như đinh hương và bạch đậu khấu sau khi ăn những thực phẩm có mùi nhằm kiểm soát hơi thở khó chịu.
Mùi tây
Rau mùi tây chứa chất diệp lục có thể giúp kiểm soát mùi hôi của miệng một cách rất hiệu quả. Bạn có thể lấy lá rau mùi tây tươi đã được nhúng trong giấm và nhai kỹ trong một hoặc hai phút. Ngoài ra, bạn có thể ép lá mùi tây lấy nước rồi uống bất cứ lúc nào bạn muốn hơi thở của mình trở nên the mát.
Trà
Ngoài việc tốt cho sức khỏe, uống trà còn có thể kiểm soát hơi thở có mùi. Nguyên nhân là do các hợp chất polyphenol tìm thấy trong trà xanh có thể ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây mùi hôi. Mẹ bầu có thể lựa chọn trà bình thường hoặc trà thảo dược với cỏ linh lăng tùy theo sở thích.
Hôi miệng khi mang thai thực sự gây nhiều khó chịu và phiền toái cho mẹ bầu. Do vậy, ngay khi nhận thấy hơi thở có mùi khó chịu các mẹ nên áp dụng các biện pháp kể trên để kiểm soát tình hình. Ngoài ra, đừng quên ghé thăm nha sĩ định kỳ trong thời gian mang thai nữa mẹ nhé.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.