Kem đánh răng là vật dụng có lẽ đã quá quen thuộc với chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Nó đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ vệ sinh răng miệng. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn rất nhiều công dụng của kem đánh răng khác cũng hữu ích không kém mà chúng ta sẽ được tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Kem đánh răng và các thành phần có trong kem đánh răng
Kem đánh răng là một chất ở dạng gel hoặc hỗn hợp nhão giúp tẩy sạch răng. Kem đánh răng sẽ được sử dụng cùng với bàn chải đánh răng để làm sạch các mảng bám, thức ăn thừa còn sót lại ở kẽ răng. Từ đó giúp răng trắng sạch, thơm tho và khỏe mạnh.
Đặc biệt trong kem đánh răng không thể thiếu các thành phần quan trọng như:
- Fluoride: Là thành phần chính, đóng vai trò chủ chốt có mặt trong mọi loại kem đánh răng. Tác dụng của loại chất này là giúp tăng cường tái tạo khoáng hóa cho men răng, làm sạch, giảm nguy cơ sâu răng và bảo vệ răng chắc khỏe.
- Triclosan: Đây là chất giúp diệt khuẩn, ngăn ngừa việc mảng bám hình thành, giảm mùi hôi răng miệng.
- Sodkium lauryl sulfate: Thành phần giúp kem đánh răng tạo bọt.
- Parapen: Thành phần này giúp bảo quản kem, bên cạnh đó còn giúp giữ ẩm cho kem đánh răng trong suốt, ngăn chặn vi khuẩn phát triển.
- Hương tổng hợp: Để cho kem đánh răng có hương vị đa dạng và phong phú hơn. Ngoài ra mùi hương này còn tác động đến hơi thở của bạn. Hương thơm của kem đánh răng sẽ giúp khoang miệng có mùi dễ chịu, lấn át cả mùi hôi do vi khuẩn và mảng bám gây ra.
Trên đây là những thành phần thường xuất hiện trong kem đánh răng. Bên cạnh đó, tùy vào công dụng chuyên biệt của sản phẩm mà nhãn hàng có thể cho thêm một số thành phần khác.
Đi kèm với tác dụng chính là giúp bảo vệ và giữ cho răng chắc khỏe, kem đánh răng với thành phần đặc biệt còn có rất nhiều công dụng mà bạn nên biết để áp dụng vào cuộc sống hằng ngày.
Kem đánh răng chứa các thành phần giúp loại trừ mảng bám, giữ răng sạch sẽ và mang lại hơi thở thơm tho.
Các công dụng của kem đánh răng trong cuộc sống
Ngoài công dụng của kem đánh răng đối với răng miệng đã quá quen thuộc. Đó là loại bỏ mảng bám trên răng, làm răng trắng sáng và thơm mát. Đồng thời giúp giảm viêm nướu và ngăn ngừa các bệnh về răng miệng. Thì kem đánh răng còn có rất nhiều công dụng hữu ích không kém.
Công dụng của kem đánh răng đối với sức khỏe
Thường ở quốc gia nhiệt đới như chúng ta có rất nhiều muỗi, côn trùng. Khi bị chúng cắn bạn sẽ cảm thấy vô cùng ngứa ngáy và khó chịu. Để giảm bớt cơn ngứa hay vết sưng ấy thì bạn có thể xoa một ít kem đánh răng lên vết cắn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng kem đánh răng trên các vết bỏng nhẹ không hở miệng. Công dụng của kem đánh răng lúc này là giúp làm dịu cơn nóng rát. Chỉ cần thoa nhẹ lên vết bỏng là bạn đã thấy mát lạnh, dễ chịu ngay.
Có thể bạn không ngờ tới, nhưng với những ai bị đau đầu thường xuyên cũng có thể sử dụng kem đánh răng để hạn chế cơn đau. Bởi kem đánh răng thường có chứa một lượng tinh dầu bạc hà hoặc chiết xuất từ bạc hà vừa đủ. Nên bạn có thể sử dụng khi bị nhức đầu thay cho dầu gió. Khi dùng, bạn xoa kem lên hai bên thái dương và xoa bóp nhẹ nhàng thì cơn đau sẽ thuyên giảm dần.
Công dụng của kem đánh răng để trị mụn
Mụn là nỗi ám ảnh của hầu hết chị em phụ nữ. Và cũng đã có rất nhiều người sử dụng kem đánh răng để chấm dứt “nỗi đau” này. Thực tế trong kem có chứa các hóa chất giúp kháng viêm, tiêu diệt vi khuẩn gây mụn khá hiệu quả. Hơn nữa, thành phần baking soda trong kem đánh răng cũng là một trong những nguyên liệu trị mụn phổ biến.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng vẫn còn những thành phần hóa học trong kem có thể làm ăn mòn hoặc tổn dương da nếu bạn lạm dụng. Do đó, bạn cần biết cách trị mụn bằng kem đánh răng và chăm sóc da đúng cách, không dùng vô tội vạ. Mỗi lần dùng bạn chỉ lấy một ít (cỡ 1 hạt đậu) kem ra tay và chấm lên vùng da bị mụn. Sau đó khoảng chừng 15 – 20 phút thì nhớ rửa sạch lại bằng nước ấm. Tránh để quá lâu trên da sẽ làm da bị ăn mòn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể hòa kem đánh răng với muối ăn theo tỉ lệ 2:1 (muối:kem) để thoa lên vùng da mụn, rồi rửa lại sau 5 – 10 phút. Hãy nhớ bạn chỉ nên dùng cách này 2 – 3 lần mỗi tuần và không được sử dụng thường xuyên, tránh làm tổn thương da.
Công dụng của kem đánh răng trên da
Ngoài trị mụn thì các chị em còn truyền tai nhau phương pháp rửa mặt bằng kem đánh răng. Bởi họ cho rằng các hợp chất trong kem đánh răng giúp làm sạch, cho làn da tươi sáng và trắng hơn. Tuy nhiên quan niệm này là sai lầm, bởi dù chứa các hoạt chất tốt cho da nhưng về cơ bản đây vẫn là kem đánh răng, và việc sản xuất ra nó phục vụ cho mục đích làm sạch răng miệng. Nếu bạn nghĩ kem đánh răng có thể dùng thay sữa rửa mặt thì nó sẽ làm bào mòn da bạn, làm da mỏng và khô hơn.
Ngoài ra, để chữa thâm nám da thì các chị em còn dùng kem đánh răng kết hợp với sữa chua, nước cà chua. Sau đó, hỗn hợp này sẽ được thoa lên mặt và dưỡng trong 20 – 35 phút rồi rửa lại bằng nước ấm. Thực tế nếu làm theo phương pháp này 2 – 3 lần/tuần sẽ giúp xóa mờ thâm nám và hạn chế chất nhờn khá hiệu quả. Tuy nhiên, nếu da bạn quá mỏng hoặc nhạy cảm thì đừng sử dụng kem đánh răng để trị mụn hay chăm sóc da.
Việc sử dụng kem đánh răng để trị mụn hay chữa thâm nám cũng cần có phương pháp và không nên quá lạm dụng.
Công dụng của kem đánh răng giúp làm trắng sáng đồ vật
Mẹo dùng kem đánh răng làm trắng sáng đồ bạc được rất nhiều người áp dụng trong cuộc sống. Sau một thời gian sử dụng thì đồ bạc hay bị xỉn màu, thâm đen và không còn sáng bóng. Khi đó, bạn có thể cho ít kem đánh răng lên bàn chải và chà xát nhẹ. Sau khoảng vài phút, bạn sẽ nhận lại được đồ vật sáng bóng, mới nguyên như lúc ban đầu.
Phương pháp làm sạch này cũng có thể áp dụng trên đèn ô tô và mắt kính. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng kem đánh răng để làm sạch phần cao su trắng phía trước giày thể thao. Cách làm là thấy kem đánh răng chà nhẹ lên phần bị bẩn và lấy một miếng vải ẩm lau sạch bọt kem còn sót lại.
Cuối cùng, với những gia đình có con nhỏ thường xuyên dính đầy các vết màu sáp trên tường cũng có thể dùng kem đánh răng để làm sạch. Để tẩy sạch, bạn hãy dùng kem và một chiếc giẻ lau chà xát lên phần có vết mực. Khi đó các vết màu sáp sẽ được đánh bay ngay.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.