1. Cấu tạo của Dương vật
1.1 Cấu tạo ngoài của dương vật
- Hình thể ngoài của dương vật giống một ống trụ mềm, gắn với bụng dưới.
- Rễ dương vật (root of penis) nằm ở đáy chậu và dính vào xương mu bởi dây chằng treo dương vật.
- Thân dương vật (body of penis) hình trụ có thể cương cứng. Khi cương, mặt trên của nó gọi là mu dương vật (dorsum of penis) và mặt dưới gọi là mặt niệu đạo (urethral surface).
- Qui đầu dương vật (glans penis) được bao bọc trong một nếp nửa da, nửa niêm mạc có thể di động được gọi là bao qui đầu (foreskin). Bao qui đầu ở trẻ em dài, ở người lớn có trường hợp bao qui đầu hẹp, không thể trật lên được gọi là bệnh hẹp bao qui đầu. Đáy của qui đầu lồi lên gọi là vành qui đầu (corona of glans). Rãnh nằm giữa thân dương vật và vành qui đầu là cổ qui đầu (neck of glans).
1.2 Cấu tạo trong của dương vật
Dương vật do 3 khối mô cương (2 khối thể hang nằm song song ở trên, 1 khối thể xốp nằm ở rãnh dưới 2 thể hang, thể xốp bao quanh niệu đạo) và các lớp bọc tạo nên.
- Thể hang : ống có mô cương gồm nhiều khoảng trống như hang động, chạy dọc theo chiều dài dương vật từ xương mu đến ¾ chiều dài rồi nhập vào qui đầu. Qui đầu không có thể hang. Màng ngăn cách giữa 2 thể hang rất mỏng và thô sơ nên máu có thể dễ dàng chảy từ thể hang bên này sang thể hang bên kia.
- Thể xốp: chứa niệu đạo xốp bên trong, cả nước tiểu và tinh dịch đều thoát ra theo đường này nhưng không bao giờ thoát cùng 1 lúc. Khi tinh dịch đang được phóng ra khỏi cơ thể thì lối thoát dành cho nước tiểu bị đóng kín và ngược lại. Tuy nhiên, trong 1 số trường hợp bệnh lý, làm rối loạn cơ chế này, dẫn đến tinh dịch xuất hiện trong nước tiểu gọi là xuất tinh ngược.
- Mỗi thể của dương vật đều được một màng keo bao quanh gọi là màng trắng. Cả ba thể được bao bọc lại bởi cân Buck.
- Cắt ngang thấy trong lòng thể hang và thể xốp như tổ ong, khi kích thích chứa đầy máu làm dương vật cương cứng nên gọi là thể cương.
1.3 Hệ thống mạch máu và thần kinh của dương vật
Hệ động mạch chính của dương vật: Động mạch chính của dương vật là động mạch thẹn trong, khi chạy vào dương vật đổi tên thành động mạch dương vật chung, từ đây nó chia thành 3 nhánh:
- Động mạch lưng nằm trên lưng dương vật
- Động mạch thể hang: cung cấp máu cho hai thể hang. Động mạch này chảy vào thể hang và chia thành nhiều tiểu động mạch xoắn, đổ vào các xoang hang. Các tiểu động mạch này co thắt, hạn chế dòng máu chảy vào các xoang khi dương vậ xìu. Ngược lại, khi dương vật cương, các động mạch giãn nở, giúp mách đổ dồn vào các xoang.
- Động mạch thể xốp: cung cấp máu cho thể xốp.
Hệ tĩnh mạch chính: Cũng gồm 3 tĩnh mạch chính chạy song hành với 3 động mạch. Máu từ các hang mạch máu đổ vào các tĩnh mạch nhỏ rồi từ đó đổ vào tĩnh mạch lớn hơn (gọi là tĩnh mạch lưng), chảy về qua tĩnh mạch lưng nằm gần ngoài da và đổ vào tĩnh mạch bụng, trở về hệ tuần hoàn chung của cơ thể
Hệ thần kinh: Gồm dây thần kinh vận động và dây thần kinh cảm giác:
- Dây thần kinh vận động: Dương vật bị chi phối bởi cả hai hệ thần kinh thân thể và thực vật với các trung tâm giao cảm, đối giao cảm nằm ở tuỷ sống. Từ các trung tâm đốt sống, các dây thần kinh đối giao cảm chạy vào vùng chậu để phối hợp với các dây thần kinh giao cảm xuất phát từ vùng hạ vị, hình thành các dây thần kinh hang. Các dây thần kinh hang kiểm soát các thớ cơ nhẵn của các xoang.
- Dây thần kinh cảm giác dương vật và cung phản xạ cương: các dây thần kinh cảm giác dương vật xuất phát từ thụ thể tại da và quy đầu, tập hợp thành dây thần kinh lưng dương vật. Dây thần kinh này sẽ kết hợp với các dây thần kinh hội âm để trở thành dây thần kinh thẹn chạy vào trung tâm đối giao cảm S2-S4. Hệ thần kinh giao cảm còn có chức năng, trong giai đoạn kích thích tình dục, thúc đẩy các tuyến niệu đạo, tuyến hành-niệu đạo bài tiết chất nhờn đổ vào âm đạo lúc giao hợp.
1.4 Các cấu trúc đi cùng dương vật
Bìu là một túi da rất sẫm màu do thành bụng trĩu xuống tạo thành. Nó được chia thành hai ngăn, mỗi ngăn chứa 1 tinh hoàn, một mào tinh và đầu tinh hoàn của một thừng tinh. Bìu nằm dưới khớp mu, sau dương vật, bìu trái thường xuống thấp hơn bìu phải.
Đến tuổi dậy thì, tinh hoàn bắt đầu sinh ra tinh dịch, tinh trùng sau khi sản xuất ra cũng được dự trữ trong một phần của tinh hoàn gọi là mào tinh hoàn. Gốc dương vật và một phần thân dương vật được phủ một lớp lông quăn để giữ mùi, kích thích sinh dục pheromone. Lông có thể mọc dài xuống bìu, nhiều người mọc lông cả bụng dưới, xung quanh hậu môn hoặc lan ra cả háng và đùi.
1.5 Cơ chế cương và xìu dương vật
Cơ chế dẫn đến sự cương cứng dương vật là do các tĩnh mạch dương vật bị chèn ép.
Khi bị kích thích tình dục thông qua thị giác, xúc giác, khứu giác, thính giác….thì kích thích này sẽ phát ra một tín hiệu từ não bộ, chuyển đến trung tâm gây cương ở tuỷ sống, sau đó, các tín hiệu được gửi tiếp đến mô cương nằm trong hai thể hang qua sự dẫn truyền các sợi thần kinh thể hang. Từ đó, các động mạch cung cấp máu cho dương vật bị giãn rộng, làm cho một lượng máu lớn đi vào các xoang máu. Trong khi đó, chính sự căng giãn này của động mạch làm cho các tĩnh mạch đi kèm bị chèn ép, máu đi vào các xoang bị giữ lại, làm dương vật cương cứng.
Sau khi con người đạt được cực khoái và xuất tinh, hệ thần kinh giao cảm được kích thích, tiết adrenergic làm co các cơ trơn, lượng máu trong các hang thoát dần ra, dương vật bớt cứng và xìu xuống.
Như vậy, ở trạng thái bình thường, các cơ trơn mạch máu co thắt dưới tác dụng của hệ Giao cảm. Ở trạng thái kích thích, các cơ trơn mạch máu giãn nở dưới sự điều khiển của hệ thần kinh đối giao cảm dẫn đến hiện tượng cương dương.
2. Chức năng của Dương vật
Dương vật là cơ quan sinh dục ngoài của nam giới, có hai chức năng chính là: sinh sản sinh dục và chức năng tiểu tiện. Dương vật gồm 3 thành phần: Rễ, thân và quy đầu dương vật. Ở trạng thái bình thường, kích thước cậu nhỏ trung bình từ 3-11cm, khi cương cứng dương vật có thể dài từ 5-14,5 cm.
3. Các bệnh thường gặp
- Rối loạn cương dương
- Hẹp bao quy đầu
- Liệt dương
Nguồn: Vinmec