Cấu trúc và chức năng của bộ não

1. Vị trí của Bộ não

Não người. Bộ não người được bao bởi một lớp ngoài gọi là xương bản sọ, xương bản sọ kết hợp với các xương mặt tạo thành hộp sọ. Hộp sọ có chức năng bảo vệ não khỏi các tổn thương, tác động từ bên ngoài.

Bộ não giữ nhiều chức năng vô cùng quan trọng, có ý nghĩa sống còn với cơ thể. Từ khi mới sinh đến khi trưởng thành, não bộ người có nhiều sự thay đổi lớn. Lúc mới sinh, trung bình não của một đứa trẻ nặng khoảng 450g, thời thơ ấu nặng khoảng 910g, đến khi trưởng thành, trung bình não bộ của người phụ nữ nặng 1220g, nam giới nặng khoảng 1360g.

2. Cấu tạo của Bộ não

Cấu tạo não bộ

Bộ não được hình thành từ các tế bào thần kinh neuron và các tế bào đệm (còn gọi là tế bào thần kinh đệm). Tế bào thần kinh neuron thực hiện chức năng kích thích, dẫn truyền, gửi và nhận các tín hiệu, xung thần kinh. Các tế bào thần kinh đệm làm nhiệm vụ cân bằng nội môi, nâng đỡ, nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho tín hiệu được truyền đi trong hệ thần kinh. Số lượng tế bào thần kinh đệm nhiều hơn số lượng neuron thần kinh gấp khoảng 50 lần.

Cấu tạo não bộ

Giải phẫu não từ ngoài vào trong: ngoài cùng là da đầu và cơ bám xương sọ, tiếp đến là hộp sọ, tiếp theo đến màng não, cuối cùng mới đến não.

Não được chia làm ba phần là: đại não, thân não và tiểu não.

2.1. Đại não

Là thành phần chính của não, gồm hai phần chính là bán cầu não phải và trái, chúng được ngăn cách bởi khe não dọc. Lớp bề mặt ngoài của não được gọi là vỏ não. Vỏ não có màu nâu xám gọi là “chất xám”. Bên dưới vỏ não hay bề mặt não bộ, các sợi liên kết neuron thần kinh với nhau tạo nên vùng màu trắng, gọi là chất trắng.

Một số rãnh lớn trên vỏ não chia não thành các thùy, người ta chia mỗi bán cầu đại não thành 4 thùy chính là: thùy trán, thùy thái dương, thùy đỉnh, thùy chẩm.

Bên trong đại não là hệ thống các khoang chứa dịch gọi là não thất. Có 4 não thất, các não thất này kết nối với nhau bởi các lỗ và ống thông.

Dịch não tủy là một chất lỏng trong suốt lưu thông qua các kênh xung quanh não bộ và tủy gai, giúp bảo vệ, làm giảm bớt chấn thương cho não và tủy gai.  Dịch não tủy được tạo ra từ các não thất. Dịch não tủy liên tục được hấp thu và sản xuất bổ sung, tuy nhiên đôi khi có thể xảy ra sự gián đoạn.

2.2. Thân não

Gồm: trung não, cầu não và hành não. Thân não nằm phía trước tiểu não và liên tục với tiểu não,  nó hoạt động như một trạm chuyển tiếp, truyền thông tin giữa các bộ phận trong cơ thể và vỏ não.

2.3. Tiểu não

Nằm phía sau của não bộ, bên dưới thùy chẩm, ngăn cách với đại não bởi lều tiểu não.

2.4. Các dây thần kinh sọ

Gồm có 12 đôi xuất phát từ não, có nhiều chức năng quan trọng, chịu trách nhiệm về cảm giác mùi vị, thị giác, điều khiển cử động mắt, cơ mặt, cơ cổ, cơ lưỡi, khả năng nghe, khả năng thăng bằng,…

2.5. Vùng hạ đồi

Là một cấu trúc nhỏ chứa các liên kết thần kinh gửi tín hiệu đến tuyến yên. Tuyến yên phát triển từ phần mở rộng của vùng hạ đồi xuống dưới và từ vòm miệng mở rộng lên.

3. Chức năng của Bộ não

Vai trò của não bộ

Bộ não giữ nhiều chức năng vô cùng quan trọng. Não bộ điều khiển chức năng của các cơ quan trong cơ thể, điều khiển lời nói, suy nghĩ, hành động, giúp con người phản ứng lại với các tình huống trong cuộc sống, điều hòa lại cơ thể khi  stress,căng thẳng,… Cấu trúc não với các tổ chức khác nhau, mỗi cấu trúc lại có một chức năng riêng biệt, vừa độc lập vừa thống nhất với nhau tham gia chung vào chức năng điều khiển cơ thể của bộ não.

  • Trung não tham gia điều khiển các cử động mắt, cầu não chịu trách nhiệm trong việc phối hợp cử động mắt, mặt, biểu cảm khuôn mặt, nghe và thăng bằng.
  • Hành tủy chịu trách nhiệm kiểm soát nhịp thở, huyết áp, nhịp tim và cử động nuốt.
  • Hệ lưới kiểm soát mức độ thức tỉnh, mức độ nhận thức về môi trường xung quanh và liên quan đến giấc ngủ.
  • Trong 12 dây thần kinh sọ não, 10 dây xuất phát từ thân não, kiểm soát cử động mắt, biểu cảm khuôn mặt,vị giác, cử động nuốt, cử động mặt, cổ vai, lưỡi.
  • Tiểu não giúp phối hợp các động tác, tạo nhịp điệu khi cử động như khi vẽ tranh, tập luyện thể thao,… Tiểu não giúp duy trì tư thế, cảm giác cân bằng, thăng bằng, kiểm soát trương lực các cơ và vị trí tay chân.
  • Vùng hạ đồi: kiểm soát các chức năng như ăn, ngủ, tình dục, cảm xúc, điều hòa thân nhiệt, tiết các nội tiết tố và vận động.
  • Thùy trán là thùy lớn nhất trong bốn thùy não. Thùy trán chịu trách nhiệm cho các chức năng như lời nói, trí tuệ, hành vi, kỹ năng vận động. Vỏ não trán trước đóng vai trò quan trọng về trí nhớ, sự thông minh, khả năng tập trung, tích cách.
  • Thùy chẩm nằm phía  sau não, chịu trách nhiệm quá trình cảm nhận màu sắc, hình dạng của con người.
  • Thùy đỉnh phân tích đồng thời các tín hiệu nhận được từ các vùng khác nhau của não, từ đó tổng hợp đưa ra các thông tin, cảm nhận, ý nghĩa mới của sự vật.
  • Thùy thái dương tham gia vào bộ nhớ thị giác, giúp nhận biết sự vật, khuôn mặt, tham gia vào bộ nhớ ngôn ngữ, phân tích cảm xúc và phản ứng của người khác.
  • Hệ viền liên quan đến cảm xúc. Trong hệ thống này có vùng hạ đồi, môt phần của vùng đồi thị, hạnh nhân(liên quan hành vi hung hăng) và vùng hải mã (liên quan đến khả năng ghi nhớ thông tin).
  • Tuyến yên kiểm soát nội tiết tố (hormone), chịu trách nhiệm kiểm soát và điều hòa quá trình tăng trưởng và phát triển, chức năng của các tuyến khác như  tuyến giáp, tuyến sinh dục, tuyến thượng thận,…
  • Bán cầu não trái chịu trách nhiệm về ngôn ngữ và lời nói, bán cầu não thì có vai trò chủ đạo hơn trong xử lý thông tin và xác định không gian.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khi tác động vào một bên của não sẽ gửi tín hiệu về phía đối diện của cơ thể. Não bộ bên trái điều khiển phía bên phải của cơ thể và ngược lại. Ví dụ khi tác động vào vùng vận động ở phía bên phải của não sẽ tạo ra những cử động phía bên trái cơ thể, kích thích vỏ não vận động nguyên phát bên trái sẽ làm cho phía bên phải cử động.

4. Các bệnh thường gặp

  • Não úng thủy
  • U màng não

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *