1. Vị trí của Dây thần kinh sinh ba
Dây thần kinh sinh ba là một trong 12 đôi thần kinh xuất phát từ sọ não, đi ra khỏi hộp sọ ở phía trước tai. Dây thần kinh sinh ba còn được gọi bằng các tên khác là dây thần kinh số V hay dây thần kinh sọ thứ năm. Đây là một trong những dây thần kinh chính của vùng mặt, mỗi bên có một dây thần kinh.
Dây thần kinh này được gọi là “sinh ba” vì chúng được chia thành ba nhánh chính, mỗi nhánh lại được chia thành các nhánh nhỏ hơn:
- Nhánh đầu tiên (V1) đi đến vùng da đầu, trán, xung quanh mắt (dây thần kinh mắt).
- Nhánh thứ hai (V2) đi đến khu vực quanh má (dây thần kinh hàm trên).
- Nhánh thứ ba (V3) đi đến khu vực xung quanh quai hàm (dây thần kinh hàm dưới).
2. Cấu tạo của Dây thần kinh sinh ba
Giải phẫu dây thần kinh sinh ba
Dây thần kinh sinh ba gồm có phần cảm giác, phần vận động và các nhánh nhỏ
2.1 Phần cảm giác
Nguyên ủy thật của phần cảm giác dây thần kinh sinh ba nằm ở mặt trước phần đá xương thái dương, ở vị trí gọi là hạch sinh ba. Từ hạch sinh ba, các sợi trục của hạch tập hợp để tạo nên rễ cảm giác của dây thần kinh. Rễ này đi qua mặt trước cầu não phải vào trong thân não đến cột nhân cảm giác của dây thần kinh sinh ba kéo dài từ trung não đến phần trên của tủy gai. Từ cột nhân cảm giác có những đường dẫn truyền lên đồi thị và tận cùng hồi sau trung tâm của thùy đỉnh. Tập hợp đuôi gai của tế bào hạch sinh ba tạo nên các nhánh: dây thần kinh mắt, dây thần kinh hàm trên, dây thần kinh hàm dưới.
2.2 Phần vận động
Nguyên ủy thật là nhân vận động của dây thần kinh sinh ba nằm ở cầu não. Các sợi trục ra khỏi cầu não tạo nên rễ vận động của dây thần kinh sinh ba, góp phần cấu tạo nên dây thần kinh hàm dưới.
Các nhánh của dây thần kinh sinh ba:
- Dây thần kinh mắt: từ hạch thần kinh sinh ba, chạy ra trước vào thành xoang tĩnh mạch hang, qua khe ổ mắt để vào ổ mắt. Từ đây, dây thần kinh mắt chia nhiều nhánh nhỏ chi phối cảm giác xoang tráng, xoang bướm, một phần màng cứng não, một phần xoang sàng, da của mũi, da trán.
- Dây thần kinh hàm trên: chạy từ hạch sinh ba qua lỗ tròn, đến hố chân bướm- khẩu cái, chia ra các nhánh bên và nhánh tận là nhánh dưới ổ mắt, qua khe ổ mắt dưới để vào mắt, chạy ở rãnh dưới ổ mắt và cuối cùng qua ống dưới ổ mắt ra da vùng mặt.
- Dây thần kinh hàm dưới: từ hạch sinh ba, dây thần kinh hàm dưới đi qua lỗ bầu dục đến hố dưới thái dương. Từ đây, chia ra nhiều nhánh, các nhánh lớn là nhánh lưỡi và nhánh thần kinh huyệt răng dưới. Dây thần kinh huyệt răng dưới chạy qua lỗ hàm dưới, chạy trong xương hàm dưới, sau đó qua lỗ cằm để ra da vùng cằm.
3. Chức năng của Dây thần kinh sinh ba
Dây thần kinh sinh ba là dây thần kinh hỗn hợp, chi phối cảm giác ở mặt và vận động của cơ nhai. Nhiệm vụ cụ thể của các nhánh dây thần kinh sinh ba là:
3.1 Dây thần kinh mắt
- Chi phối kết mạc, tuyến nước mắt, da phần giữa mũi, phần trước niêm mạc khoang mũi, da mi trên, da tránh, da đầu tới đỉnh đầu.
- Dây thần kinh mắt còn có các sợi giao cảm làm giãn đồng tử và các sợi cảm giác của màng cứng. Nếu dây thần kinh mắt bị tổn thương sẽ gây rối loạn cảm giác da, niêm mạc vùng bị dây thần kinh chi phối, gây viêm giác mạc do thần kinh, mất phản xạ giác mạc.
3.2 Dây thần kinh hàm trên
Chịu trách nhiệm chi phối cảm giác và vận động của da vùng giữa mặt, phía trước thái dương, mi dưới, kết mạc mi dưới, phần bên của mũi, hố mũi, niêm mạc mũi, môi trên, răng hàm trên, khẩu cái, phần trên họng, hầu, lợi, xoang hàm,hạnh nhân, một phần xoang sàng và màng cứng.
Nếu dây này bị tổn thương sẽ gây mất cảm giác vùng trên, loạn dưỡng răng trên, mất phản xạ hầu.
3.3 Dây thần kinh hàm dưới
Chi phối cảm giác cho da vùng thái dương, phần dưới của mặt, tai, má,môi, cằm, lợi, răng hàm dưới, một phần màng cứng và 2/3 trước lưỡi. Chi phối vận động cho cơ thái dương, cơ nhai (cơ cắn), cơ nâng hàm, cơ đưa hàm sang hai bên, cơ căng màng nhĩ, cơ hàm móng và bụng trước cơ hai thân.
4. Các bệnh thường gặp
- Đau dây thần kinh sinh ba
Nguồn: Vinmec