Đường hô hấp dưới là gì?

1. Vị trí của Đường hô hấp dưới

Ở người, đường hô hấp là bộ phận giải phẫu hệ hô hấp liên quan đến quá trình hô hấp.  Đường hô hấp bắt đầu từ mũi hoặc miệng đến phế nang trong phổi. Đường hô hấp được chia thành đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Trong đó, đường hô hấp dưới gồm khí quản, cây phế quản và phế nang.

Đường hô hấp dưới được chia thành các thế hệ (các mức hoặc các đoạn). Thế hệ số 0 của đường hô hấp dưới là khí quản, sau đó hai phế quản chính trái và phải được xếp là thế hệ thứ nhất, tiếp theo ở mỗi một bên của phổi cứ mỗi lần phế quản và các tiểu phế quản phân chia là một thế hệ. Có từ 20 đến 30 thế hệ trước khi đến phế nang.

Chức năng chính của đường hô hấp dưới là thực hiện lọc thông khí và trao đổi khí.

2. Cấu tạo của Đường hô hấp dưới

Đường hô hấp dưới gồm các bộ phận sau đây:

2.1 Khí quản

Là ống dẫn khí dài khoảng 15cm ở người trưởng thành. có thể co giãn 50% chiều dài của nó. Đường kính trung bình của khí quản thay đổi theo độ tuổi, dài khoảng 1,6 cm ở người trưởng thành. Khí quản có từ 12 đến 16 vòng sụn hình chữ C, liên kết với nhau bởi dây chằng vòng, đóng kín phía sau bởi cơ trơn. Di động dễ dàng và có 2 phần là phần cổ và phần ngực. Phần cổ nối tiếp từ dưới thanh quản. Đoạn cuối nó phân chia làm 2 đoạn nối với hai phế quản chính trái và phế quản chính phải ở phần ngực.

Chức năng của khí quản là dẫn không khí ra vào, làm ấm, làm ẩm và làm sạch không khí giống như đường hô hấp trên, và tăng trao đổi khí ở phổi.

Viêm khí quản là bệnh thường gặp, có thể do vi khuẩn hay virus gây ra hoặc bị kích thích từ hạt bụi siêu nhỏ, khí độc. Người làm trong môi trường không khí độc hại, nhiều bụi bẩn thường dễ mắc phải

Thường khởi đầu bằng những triệu chứng của cảm như ho, sổ mũi, sốt nhẹ,… sau 1 – 3 ngày bắt đầu có triệu chứng như là khàn giọng, khó thở, thở rít… nhất là lúc thời tiết trở lạnh và về đêm.

2.2 Phế quản

Được chia thành phế quản chính phải và phế quản chính trái, bắt đầu từ nơi phân chia của khí quản tới rốn phổi. Hai phế quản tạo với nhau một góc 70 độ. Phế quản chính trái thường nhỏ hơn (11mm) , dài hơn (5mm) và dốc hơn phế quản chính phải, nên dị vật thường lọt vào phổi phải.

Phế quản có hình cành cây có nhiệm vụ đưa không khí lưu thông từ ngoài vào phế nang vào ngược lại.

Sự phân chia của cây phế quản: khí quản – phế quản chính – phế quản thùy – phế quản phân thùy – tiểu phế quản – tiểu phế quản tận cùng.

Các bệnh thường mắc phải như:

  • Viêm phế quản là tình trạng viêm lớp niêm mạc các ống phế quản, thường do hút thuốc lá
  • Bệnh hen suyễn là bệnh do đường hô hấp bất ngờ bị thu hẹp do tác nhân như dị ứng, tập thể thao, không khí lạnh,… tạo nên những cơn rít, thở nhanh, ngực co ép và ho.

2.3 Phổi – phế nang

Phổi là cơ quan chính của hệ hô hấp nằm trong lồng ngực, hình nón gồm 1 đỉnh nhô lên khỏi xương sườn 1 đến 3 cm. 1 đáy nằm sát trên cơ hoành, ngăn giữa phổi và các bộ phận trong ổ bụng như gan, dạ dày, lá lách…, 2 mặt (sườn, trung thất), 2 bờ (trước, dưới)  được bao bọc bởi xương sườn xung quanh.

Gồm có phổi phải và phổi trái được cấu tạo bởi các thùy, đơn vị cấu tạo cuối cùng của phổi là các phế nang. Thông thường phổi phải to hơn phổi trái.

Chức năng là trao đổi khí, đem O2 từ không khí vào tĩnh mạch phổi, và CO2 từ động mạch phổi ra ngoài. Trung bình phổi chứa được 6 lít không khí, nhưng chỉ một phần nhỏ được sử dụng thở bình thường. Phổi cũng là nơi lưu trữ máu và lọc một số độc tố trong máu.

Ảnh minh họa: Các bệnh về phổi

Các bệnh về phổi rất phổ biến như:

  • Viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhỏ. Triệu chứng rất giống với cảm lạnh và cúm như sốt, ho, khó thở…
  • Lao phổi là bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất, nguyên nhân chính là do người bệnh có lối sống không hợp lý, tạo điều kiện cho trực khuẩn lao gây bệnh ở phổi. Thông thường không có triệu chứng rõ ràng, điển hình ở người mắc bệnh là ho đờm lẫn máu, kèm mệt mỏi, chán ăn, đau ngực khó thở… Tỉ lệ kháng thuốc của vi khuẩn lao hiện nay rất cao, nên cần tiêm phòng lao cho trẻ em.

Phế nang là đơn vị cấu tạo cuối cùng của phổi, được các mao mạch phổi bao bọc như một mạng lưới có chức năng thực hiện quá trình trao đổi khí. Mỗi phế nang như một cái túi nhỏ rất mỏng manh, nhận không khí từ nhánh tận cùng của cây phế quản là các ống phế nang. Từ ống phế nang có các túi phế nang và đến các phế nang.

Ở người có khoảng 300 triệu phế nang và có diện tích tiếp xúc giữa phế nang và mạch máu là khoảng 70-120 mét vuông tùy theo thì hô hấp là thở ra hay hít vào.

Giãn phế nang là hậu quả của nhiều bệnh gây ra viêm phế quản mãn tính, hen phế quản lâu năm làm căng giãn thường xuyên phế nang, cuối cùng phá hủy và giãn không hồi phục các phế nang. Việc điều trị chủ yêu là lưu thông đường thở, cho bệnh nhân thở oxy. Việc phòng tránh tốt nhất điều trị tích cực các bệnh gây giãn phế nang, không hút thuốc, chống ô nhiễm không khí,…

Bệnh thường gặp ở đường hô hấp dưới xuất hiện khi các bộ phận ở đường hô hấp dưới bị viêm nhiễm, tổn thương. Người già và trẻ em là đối tượng dễ mắc phải vì sức đề kháng yếu thường bị tác động bởi môi trường bên ngoài.

Để phòng ngừa các bệnh đường hô hấp dưới cần:

  • Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên để diệt trừ vi khuẩn
  • Hạn chế tiếp xúc với người mầm bệnh
  • Đeo khẩu trang khi ra đường và nơi nhiều khói bụi, khí độc
  • Không hút thuốc lá trong nhà và nơi công cộng
  • Tiêm vacxin phòng ngừa bệnh đường hô hấp dưới
  • Ngoài ra đối với người có sức đề kháng kém hay bị ho, ốm vặt,… cần bổ sung thực phẩm nhằm tăng cường sức đề kháng

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *