Kẽm là gì? Vai trò của kẽm đối với cơ thể

1. Kẽm là gì?

Kẽm là một nguyên tố vi lượng quan trọng, là thành phần không thể thiếu trong cơ thể con người. Kẽm được đưa vào cơ thể chủ yếu qua đường tiêu hóa và được hấp thu ở ruột non. Trong những năm gần đây, các nghiên cứu về kẽm và vai trò của kẽm trong sự tăng trưởng, phát triển được giới y khoa đặc biệt quan tâm. Ngày càng có nhiều bằng chứng khẳng định tầm quan trọng của kẽm trong hầu hết các cơ quan chức năng của cơ thể và thiếu kẽm trở thành một nguy cơ sức khỏe cộng đồng cần tích cực phòng tránh.

2. Công dụng của Kẽm

Vai trò của kẽm. Kẽm có nhiều chức năng sinh học quan trọng do nó liên quan đến cấu hình và chức năng của một loạt enzyme và các yếu tố phiên mã nhân tế bào. Nó là thành phần thiết yếu của nhiều loại protein, đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và phân chia tế bào, tham gia hình thành các tổ chức, phát triển cơ thể như tạo tế bào máu, tái cấu trúc tim, tạo tế bào mỡ, duy trì tế bào gốc, phát triển hệ xương và cơ trơn, tái tạo các tế bào thần kinh võng mạc. Kẽm là thành phần không thể thiếu để sản xuất insulin- hormone có vai trò điều tiết lượng đường máu.

  • Kẽm đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của thai nhi (do thời kì này các tế bào phát triển rất nhanh), trong việc phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên.
  • Kẽm có vai trò quan trọng với hệ miễn dịch vì nó kích thích sự phát triển các tế bào lympho B và lympho B, từ đó tạo một hệ thống phòng thủ giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, tăng cường đề kháng và chống lại nhiễm trùng.
  • Kẽm là khoáng chất rất cần thiết cho sự phát triển của não bộ, vùng trung tâm bộ nhớ của não gọi là “vùng đồi hải mã” có hàm lượng kẽm rất cao. Kẽm và Vitamin B6 có vai trò quan trọng trong dẫn truyền thần kinh.
  • Kẽm có vai trò quan trọng đối với chức năng sinh sản. Ở nam giới, kẽm có nồng độ cao trong tuyến tiền liệt, tham gia vào sự trao đổi nội tiết tố, cân bằng chức năng tuyến tiền liệt, giúp duy trì số lượng và tính di động của tinh trùng và nồng độ testosterone trong huyết thanh. Thiếu kẽm làm chậm dậy thì ở trẻ nam, giảm chất lượng tinh trùng và khả năng tình dục của nam giới. Ở nữ giới, kẽm có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, làm giảm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt.
  • Kẽm giúp điều hòa vị giác và cảm giác ngon miệng,
  • Ngoài ra, kẽm còn giúp hấp thu và chuyển hóa các nguyên tố vi lượng khác như: đồng (Cu), mangan (Mn), magne (Mg),…

3. Nhu cầu

Nhu cầu về kẽm không cố định mà phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, tình trạng sinh lý và giá trị sinh học của kẽm. Nhu cầu kẽm khuyến nghị theo Viện dinh dưỡng Quốc gia như sau:

Nhóm tuổi, giới tính và tình trạng sinh lýNhu cầu kẽm (mg/ngày)Ghi chú
Với mức hấp thu tốtVới mức hấp thu vừaVới mức hấp thu kém
Trẻ emDưới 6 tháng1,1*2,8**6,6**** Trẻ bú sữa mẹ
7-11 tháng0,8*-2,5****4,1****8,3****** Trẻ ăn sữa nhân tạo
Trẻ nhỏ1-3 tuổi2,44,18,4*** Trẻ ăn thức ăn nhân tạo, có nhiều phytat và protein nguồn thực vật
4-6 tuổi3,15,110,3**** Không áp dụng cho trẻ bú sữa mẹ đơn thuần
7-9 tuổi3,35,611,3**** Hấp thu tốt: giá trị sinh học kẽm tốt = 50 % (khẩu phần có nhiều protid động vật hoặc cá); Hấp thu vừa: giá trị sinh học kẽm trung bình = 30 % (khẩu phần có vừa phải protid động vật hoặc cá: tỷ số phytate-kẽm phân tử là 5 : 15). Hấp thu kém: giá trị sinh học kẽm thấp = 15 % (khẩu phần ít hoặc không có protid động vật hoặc cá).
Vị thành niên (tuổi)Nam 10-18 5,79,719,2 
Nữ 10-184,67,815,5 
Nam trưởng thành (tuổi)19-604,27,014,0 
>60 3,04,99,8 
Nữ trưởng thành (tuổi)19-503,04,99,8 
51-603,04,99,8 
>604,27,014,0 
Phụ nữ có thai3 tháng đầu3,45,511,0 
3 tháng giữa4,27,014,0 
3 tháng cuối6,010,020,0 
Bà mẹ cho con bú0-3 tháng5,89,519,0 
4-6 tháng5,38,817,5 
7-12 tháng4,37,214,4 

4. Những vấn đề cần lưu ý

  • Để phòng chống những tác dụng không mong muốn của tình trạng thiếu kẽm, đặc biệt đối với trẻ em, các gia đình cần có chế độ ăn đa dạng thực phẩm với những thức ăn giàu kẽm như các loại hải sản hàu, tôm, cua, ghẹ…, các loại thịt có màu đỏ như thịt dê, thịt bò, lòng đỏ trứng,…Tăng cường sử dụng các thực phẩm có nhiều vitamin C như rau quả, hoa qủa, mầm giá đỗ, dưa chua,… vì các thực phẩm này giàu vitamin C làm tăng hấp thu kẽm từ thức ăn. Kẽm không dự trữ lâu dài trong cơ thể do vậy cần đảm bảo có đủ kẽm trong chế độ ăn hàng ngày.
  • Hầu hết thực phẩm giàu kẽm đều có giá cao, nên sử dụng các thực phẩm được bổ sung kẽm như bánh quy, ngũ cốc, bột mì, hạt nêm,… là một giải pháp thuận tiện và phù hợp. Tuy nhiên khi sử dụng các sản phẩm này, cần chú ý đến hàm lượng và thời hạn sử dụng.
  • Nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ bú trong vòng nửa giờ đầu sau khi sinh và nuôi trẻ bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn dặm đúng cách và hợp lý là biện pháp tốt nhất trong phòng chống thiếu kẽm ở trẻ nhỏ.
  • Phòng chống và điều trị một số bệnh có thể gây giảm hấp thu kẽm như nhiễm giun sán , tiêu chảy, viêm tuỵ… Giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, sử dụng nước sạch.
  • Để dự phòng và điều trị các bệnh giúp hỗ trợ phòng chống thiếu kẽm cần cho trẻ tiêm chủng đúng lịch các loại vắc xin như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, lao, bại liệt, viêm gan B, viêm não Nhật Bản tại các cơ sở y tế. Cần tẩy giun định kỳ cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, 6 tháng một lần
Những vấn đề cần lưu ý

Ngoài ra, các y bác sĩ có thể kê đơn các đợt uống kẽm vài tuần hoặc vài tháng để dự phòng cho các đối tượng có nguy cơ thiếu kẽm (như trẻ kém ăn, chậm tăng cân, trẻ không được bú mẹ, trẻ sinh thiếu tháng nhẹ cân, phụ nữ có thai). Liều bổ sung phải phù hợp với nhu cầu sinh lý hàng ngày, có thể sử dụng liều tham khảo như sau:

  • Trẻ từ 7 tháng đến 3 tuổi sử dụng 5mg kẽm nguyên tố/ngày
  • Trẻ từ 4 đến 13 tuổi sử dụng 10mg kẽm nguyên tố/ ngày
  • Người lớn sử dụng 15mg kẽm nguyên tố/ngày

Phụ nữ có thai sử dụng từ 15-25mg kẽm nguyên tố/ ngày.

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *