Kết tràng là gì?

1. Vị trí của Kết tràng

 Đại tràng là phần cuối cùng của ống tiêu hoá, có hình chữ U úp ngược. Đại tràng có chức năng tiếp nhận các thức ăn không tiêu hoá được ở dạ dày và ruột non như chất xơ…, mặt khác, một số vi sinh vật ở đại tràng có thể sản xuất các vitamin cho cơ thể, hấp thụ nước và tạo nên khuôn phân để thải ra ngoài. Ở người, đại tràng dài khoảng 1.5-2m và bao gồm 3 phần chính: manh tràng, kết tràng và trực tràng.

   Kết tràng là phần chính của đại tràng, giới hạn phía trên với manh tràng, giới hạn dưới với trực tràng, có hình chữ U ngược, ôm lấy hỗng tràng và hồi tràng. Kết tràng được chia làm 4 phần: kết tràng lên, kết tràng ngang, kết tràng xuống và kết tràng sigma. 

    Kết tràng lên bắt đầu từ manh tràng đi lên, dọc theo bên phải ổ bụng cho đến khi gặp gan, vị trí uốn cong đó gọi là đại tràng góc gan. Tiếp theo là kết tràng ngang, đi ngang qua ổ bụng. Khi tiếp giáp với lách ở bên trái nó quay xuống để tạo thành kết tràng xuống, vị trí uốn cong đó gọi là đại tràng góc lách. Cuối cùng, kết tràng đi vào khung chậu, có hình chữ S gọi là kết tràng sigma.

2. Cấu tạo của Kết tràng

Kết tràng lên nằm bên phải ổ bụng, dính vào thành bụng sau bằng mạc dính kết tràng lên. Kết tràng ngang đi  ngang ổ bụng, từ phía sau gan sang phía lách, ở đây có một mảng mỡ di động gắn vào gọi là mạc nối lớn. Kết tràng ngang dính vào thành bụng sau bằng mạc treo kết tràng ngang. Kết tràng xuống nằm bên trái ổ bụng, dính vào thành bụng sau bằng mạc dính kết tràng xuống. Kết tràng sigma di động, không đi thẳng và cuộn vòng, chiều dài rất thay đổi, treo vào thành bụng sau bằng mạc treo kết tràng sigma.

Về hình thể ngoài, kết tràng có 3 dải cơ dọc: dải mạc treo kết tràng phía sau trong; dải mạc nối phía sau ngoài, dải tự do phía trước. Túi phình kết tràng nằm giữa các dải cơ dọc, phân cách bới những chỗ thắt ngang, di chuyển thường xuyên, không cố định. Túi thừa mạc nối là túi phúc mạc nhỏ, chứa mỡ, bám vào các dải cơ dọc, trong chứa động mạch nuôi dưỡng nên khi thắt có thể gây hoại tử ruột.

Kết tràng có màu xám do ít mạch máu nuôi dưỡng, chứ đựng các chất cặn bã nên dễ hoại tử và nhiễm trùng.

Về cấu tạo trong, đi từ ngoài vào kết tràng có 5 lớp:

  • Lớp thanh mạc được tạo bởi lá tạng của phúc mạc ổ bụng, có túi thừa mạc nối.
  • Tấm dưới thanh mạc.
  • Lớp cơ: Bên ngoài là lớp cơ dọc với 3 dải cơ (giữa 3 dải cơ dọc rất mỏng)- phân tán dần ở kết tràng xuống, mất hoàn toàn ở kết tràng sigma. Bên trong là lớp cơ vòng.
  • Tấm dưới niêm mạc: là vị trí chứa nhiều mạch máu và thần kinh.
  • Lớp niêm mạc: Có những nếp bán nguyệt và nhiều nang bạch huyết đơn độc.

3. Chức năng của Kết tràng

  • Tiêu hoá: phần lớn thức ăn được tiêu hoá ở dạ dày và ruột non, tuy nhiên, ở kết tràng vẫn diễn ra sự tiêu hoá của một số chất. Môi trường acid của dịch vị dạ dày có thể bỏ qua một số chất có lợi cho cơ thể. Những chất thường được tiêu hoá ở kết tràng như: chất xơ không hòa tan, một số thành phần đạm mỡ mà dạ dày không xử lí được.
  • Hấp thụ chất dinh dưỡng: không chỉ thực hiện chức năng tiêu hoá, kết tràng còn có chức năng hấp thụ tiếp những chất dinh dưỡng vừa tiêu hoá được để đưa vào máu, cung cấp cho cơ thể..
  • Hấp thụ nước, đóng khuôn chất bã: Chức năng chính của kết tràng là hấp thụ nước. Quá trình này sẽ giúp cho thận nhận trở lại lượng nước tái hấp thu ngay sau đó. Chính vì vậy, khi bệnh nhân cắt kết tràng, hoặc kết tràng mất chức năng do bệnh lý, lượng nước sẽ ứ lại trong lòng ruột, không được tái hấp thu lại thận, dẫ đến tình trạng tiêu chảy, mất cân bằng muối nước, rất nguy hiểm cho cơ thể. Bên cạnh đó, một chức năng vô cùng quan trọng và không cơ quan nào có thể thay thế được của kết tràng là đóng khuôn phân và thải ra ngoài qua hậu môn.
  • Hấp thu muối khoáng: kết tràng có thể hấp thu muối khoáng và một số nguyên tố khác để cung cấp trong cơ thể.
  • Ngoài ra, vòng bạch huyết ở kết tràng cũng có vai trò miễn dịch quan trọng trong cơ thể.

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *