Màng nhĩ có cấu tạo như thế nào?

1. Vị trí của Màng nhĩ

Màng nhĩ người là một màng mỏng, mặt ngoài được phủ bởi da, mặt trong được phủ bởi niêm mạc. Màng nhĩ có màu xám lóng lánh, hơi trong suốt, hình bầu dục, lõm ở giữa, nằm chếch với thành dưới ống tai ngoài một góc khoảng 550, ngăn cách hoàn toàn ống tai ngoài và tai giữa. Màng nhĩ con người có đường kính thẳng đứng là 9-10 mm, đường kính ngang là 8-9 mm. Màng nhĩ trẻ em mỏng và có độ đàn hồi, khi trưởng thành màng nhĩ trở nên dày và cứng hơn.

2. Cấu tạo của Màng nhĩ

Cấu tạo màng nhĩ có hai phần:

  • Phần chùng ở trên: nhỏ, mỏng, mềm, dính trực tiếp vào xương đá ở khuyết nhĩ.
  • Phần căng ở dưới (là phần chính của màng nhĩ): dày, chắc hơn, bám vào rãnh nhĩ bởi một vòng sụn sợi.

Giới hạn của hai phần này là là nếp búa trước và nếp búa sau.

Về cấu tạo, màng nhĩ gồm bốn lớp từ ngoài vào trong là:

  • Lớp da liên tiếp với da của ống tai ngoài
  • Lớp sợi cứng gồm hai lớp. Lớp ngoài giống như các nan hoa của bánh xa, lớp trong là đồng tâm, xòe ra trong vòng trò mở rộng. Hai lớp kết hợp với nhau tạo thành một lớp màng vững chắc, bền vững dưới tác động của nước, không khí và nhiễm trùng.
  • Lớp niêm mạc liên tiếp với niêm mạc hòm nhĩ, nằm ở khoang tai giữa.

Khi soi màng nhĩ có thể thấy được hình cán xương búa in trên màng nhĩ gọi là vân búa. Vân búa đi từ rốn màng nhĩ tới lồi búa, là bóng của mỏm ngoài xương búa. Một đường thẳng chếch xuống dưới ra sau dọc theo vân búa và một đường thứ hai nằm ngang vuông góc với đường thẳng trên chia màng nhĩ thành hai khu dưới. Khu sau dưới không liên quan đến các cấu trúc quan trọng của tai nên trong các thủ thuật, đây là vị trí rạch tháo mủ tai giữa.

Mạch máu ở màng nhĩ gồm động mạch tai sau và động mạch nhĩ trước, là một nhánh của động mạch hàm. Hệ thống thần kinh chi phối màng nhĩ gồm thần kinh hàm dưới, thần kinh lang thang và thần kinh thiệt hầu.

3. Chức năng của Màng nhĩ

Chức năng màng nhĩ là truyền tải âm thanh từ không khí vào ba xương nhỏ bên trong tai giữa là xương búa, xương đe và xương bàn đạp,  sau đó âm truyền vào cửa sổ hình bầu dục bên trong ốc tai chứa đầy dịch lỏng. Quá trình này nhằm chuyển đổi và khuếch đại rung động trong không khí thành rung động trong chất lỏng. Kích thước màng nhĩ lớp gấp 17 lần so với cửa sổ bàu dục, các chuỗi xương nhỏ đóng vai trò như đòn bẩy để làm tăng áp suất âm thanh. Khi tới cửa sổ bầu dục, áp suất âm thanh tăng khoảng 1,3 lần. Từ đây, rung cơ học sẽ biến thành xung điện truyền thông tin lên não bộ.

4. Những vấn đề cần lưu ý

Để thực hiện tốt chức năng của mình, màng nhĩ phải được giữ nguyên vẹn, có độ mỏng và độ đàn hồi cần thiết. Trong thực tế thì màng nhĩ rất dễ bị thủng, nếu khi ngoáy tai, ráy tai hoặc lấy dị vật trong tai không cẩn thận sẽ có nguy cơ làm thủng màng nhĩ. Khi thực hiện các phẫu thuật xương tai, chấn thương va đập trực diện vào vùng tai, khi áp lực thay đổi đột ngột khi máy bay chuyển độ cao (đặc biệt với bệnh nhân đang bị viêm tắc vòi tai) hoặc khi vị viêm mủ tai giữa cũng có nguy cơ gây thủng màng nhĩ.

Để bảo vệ màng nhĩ, trong sinh hoạt hằng ngày cần lưu ý:

  • Dùng nút bảo vệ tai để tránh tiếp xúc với các âm thanh quá lớn.
  • Không nghe nhạc quá lớn, không sử dụng tai nghe trong thời gian quá dài. Không nói chuyện điện thoại quá lâu vì sẽ gây những ảnh hưởng đến khả năng thính lực.
  • Giữ cho tai luôn khô ráo, hạn chế nước lọt vào tai.
  • Nên sử dụng dụng cụ che tai khi bơi để tránh nước và các hóa chất xâm nhập, gây kích ứng.
  • Không nên làm sạch ống tai quá mức, do làm sạch lớp bảo vệ có thể gây kích ứng ống tai, gây nhiễm khuẩn.
  • Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, sử dụng các thực phẩm tốt cho khả năng nghe như các thực phẩm giàu magie, kẽm,… Hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *