Mắt cá chân có tác dụng gì?

1. Vị trí của Mắt cá chân

Mắt cá chân gồm có mắt cá chân trong và mắt cá chân ngoài. 

  • Mắt cá chân trong (facies malleolaris medialis) thuộc phần đầu dưới của xương chày. Phần đầu xương chày có 3 mặt là mặt dưới, mặt ngoài và mặt trong. Mặt dưới khớp tiếp giáp với xương sên, mặt ngoài có khuyết mác, mặt trong kéo dài xuống thấp hơn các mặt khác tạo nên mắt cá trong. Trên mắt cá trong có rãnh mắt cá và diện khớp mắt cá.
  • Mắt cá chân ngoài (facies malleoralis lateralis) là phần đầu dưới có hình tam giác của xương mác. Mắt cá ngoài có vị trí xuống thấp hơn mắt cá trong khoảng 1cm. Mặt sau mắt cá chân ngoài có rảnh mắt có cho gân cơ mác đi qua, ở đỉnh có hố mắt cá ngoài cho dầy chằng mác-sên bám và mặt khớp mắt cá tiếp với xương sên.

Trong ngôn ngữ thông thường, mắt cá chân chỉ đề cập đến vùng mắt cá chân. Trong Y học, khi nói đến mắt cá chân là có thể đang đề cập đến cả vùng cổ chân, là điểm nối giữa chân và bàn chân.

2. Cấu tạo của Mắt cá chân

Cấu tạo mắt cá chân: Mắt cá chân là một vùng phức tạp phức tạp, liên quan đến xương chày và xương mác (ở cẳng chân) và xương sên (ở bàn chân). Khớp nối các xương này là khớp cổ chân hay còn gọi là khớp sên- cẳng chân (articulatio talocruralis), đây là một khớp hoạt dịch kiểu bản lề giúp liên kết xương sên với đầu dưới hai xương cẳng chân. 

Các mặt khớp gồm:

  • Về phía xương sên, mặt khớp là ròng rọc xương sên gồm mặt trên, mắt cá trong và mắt cá ngoài. Ba mặt khớp tương ứng của xương cẳng chân là: mặt khớp dưới của xương chày tiếp với mặt trên của ròng rọc xương sên, mặt khớp mắt cá của mặt ngoài mắt cá trong xương chày tiếp khớp với mặt ngoài mắt cá trong của xương sên, mặt khớp mắt cá ở mặt trong mắt cá ngoài tiếp khớp với mặt mắt cá ngoài của xương sên. Khớp nối giữa xương chày và xương sên chịu nhiều trọng lực hơn xương mác xương sên. Xương chày và xương mác vừa khít trên ròng rọc xương sên, mắt cá ngoài thấp hơn mắc cá trong, bảo vệ các dây chằng bên ngoài cổ chân, giúp chống lại sự di lệch ra ngoài.
  • Bao khớp được tăng cường bởi các dây chằng ở mặt ngoài và trong của khớp, gồm: dây chằng delta, dây chằng sên- gót gian cốt, dây chằng sên- mác, dây chằng gót- mác.

3. Chức năng của Mắt cá chân

Mắt cá có tác dụng gì?

Mắt cá chân chịu được trọng lượng lớn, hỗ trợ trọng lượng của toàn bộ cơ thể, đóng góp quan trọng vào chức năng của hệ chi dưới.

 Mắt cá chân là phần nối cẳng chân và bàn chân, hệ thống các khớp và dây chằng ở vùng mắt cá chân giúp bàn chân thực hiện các cử động linh hoạt. Các cử động xảy ra theo ba mặt phẳng, được gọi là quay sấp và quay ngửa. Quay sấp gồm các vận động: vặn ngoài, dạng và gập mu bàn chân. Quay ngửa gồm các vận động gót vặn trong, khép và gập lòng bàn chân.

4. Những điều cần lưu ý

Mắt cá chân là một vị trí dễ bị tổn thương. Để bảo vệ mắt cá chân, nên rèn luyện những thói quen sinh hoạt sau:

  • Trước khi tập thể thao nên khởi động thật kỹ, đặc biệt là khi chơi những môn thể thao cần vận động mạnh như múa bale, tennis, bóng đá, võ thuật. Tập luyện đúng kỹ thuật, phương pháp. Nếu tăng cường độ tập luyện nên tăng dần dần, không nên tăng độ nặng, tần suất bài tập quá đột ngột.Lựa chọn giày có kích thước phù hợp, giày thể thao không vừa chân hoặc quá mòn có thể dẫn đến nguy cơ gây té ngã, gãy xương.
  • Chế độ ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, bổ sung giàu canxi như sữa tươi, phô mai, sữa chua và vitamin D để ngăn ngừa nguy cơ loãng xương.
  • Nếu bị các chấn thương ở vùng mắt cá chân, nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị. Các cơ chế gây chấn thương dù đơn giản nhưng cũng có nguy cơ gây gãy xương mắt cá, hở khớp, đòi hỏi phải phẫu thuật. Không nên tự điều trị tại nhà bằng các phương pháp truyền thống như nắn khớp, đắp lá,… Các chấn thương không được xử lý, điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng và khó điều trị hơn rất nhiều.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *