Ngà răng có vai trò gì?

1. Vị trí của Ngà răng

Ngà răng là một lớp cứng, dày, là phần chiếm khối lượng và thể tích chủ yếu của răng và tạo nên hình dạng cơ bản của răng. Trên một chiếc răng bình thường, ngà răng không lộ ra ngoài mà nằm dưới lớp men răng, được men răng che phủ hoàn toàn. Ngà răng bao phủ toàn bộ ống tủy và tủy răng, trừ phần lỗ chân răng. 

Ngà răng tuy không cứng chắc như men răng nhưng lại có độ đàn hồi tốt hơn, không giòn và dễ vỡ như men răng. Ngà răng tự nhiên có màu vàng nhạt, xốp và có tính thấm. Độ cứng của ngà răng ở cổ, thân và chân răng tương tự nhau. Tuy vậy, tùy theo vùng, độ cứng của ngà có sự khác biệt. Ngà răng cứng nhất nằm ở khoảng cách tủy 0,4 – 0,6mm cho tới giữa lớp ngà. Ngà răng mềm hơn ở gần tủy răng. Ngà răng ở vùng ngoại vi tương đối mềm.

2. Cấu tạo của Ngà răng

Tính từ thời điểm răng hình thành cho tới khi phát triển và ổn định trên cung răng, ngà răng có cấu trúc gồm 2 tổ chức sau:

2.1 Ngà răng tiên phát

Đây là tổ chức ngà răng được hình thành từ khi răng bắt đầu mọc, chiếm tỷ lệ chủ yếu của răng. Tổ chức ngà răng tiên phát gồm 3 thành phần chủ yếu: 

  • Ống ngà: là các ống mang cảm giác, tạo một phần cảm giác cho răng. Ống ngà xuất phát từ bề mặt tủy răng, chạy suốt chiều dài từ ngà răng tới điểm cuối cùng – ranh giới giữa ngà và men răng. Đây là lý do giải thích tại sao khi men răng bị mòn, đầu chốt ống ngà ở điểm ranh giới bị lộ ra (ngà răng bị lộ) khiến răng bị nhạy cảm, ê buốt. Thường các ống ngà trong cùng một vùng chạy song song với nhau nhưng bản thân nó không chạy theo một đường thẳng mà sẽ có điểm bị gấp khúc, đặc biệt ở cổ răng. Tại thân răng, ống ngà chạy theo đường hình chữ S nhưng ở cổ răng thì ống ngà chạy theo đường thẳng. Tại vùng gần tủy răng, mật độ ống ngà là 50.000 ống/mm2. Còn tại vùng ngoại biên, mật độ ống ngà khoảng 15.000 ống/mm2. Đường kính ống ngà vùng ranh giới men ngà là 1µm và ở vùng tủy là 3-5 µm. Ngoài ra, còn có các ống ngà phụ và các nhánh nối khác.
  • Ngà gian ống (chất giữa các ống ngà): được hình thành từ sự ngấm vôi những thành phần hữu cơ có cấu trúc dạng sợi. Trong đó, chủ yếu là những sợi keo được sắp xếp vuông góc với các ống ngà.
  • Dây Tomes: là đuôi nguyên sinh chất kéo dài của tạo ngà bào nằm trong ống ngà. Bộ phận này đảm bảo sự trao đổi chuyển hóa và khả năng tạo ngà của răng. Tùy thuộc vào độ dày của lớp ngà răng, chiều dài của dây Tomes sẽ dao động từ 1 – 5mm. Đường kính của dây Tomes thay đổi, giảm dần từ trong ra ngoài: khoảng 4-5µm trước khi đi vào lớp tiền ngà, 1-3µm ở vùng ngà gần tủy và 0,5-1µm ở vùng ngà xa tủy. Trên đường đi, dây Tomes cho các nhánh bên (vi nhung mao) đi vào các ngà gian ống. Các nhánh này có đường kính từ 0,35µm – 0,6µmm, có thể tiếp xúc với nhánh của các đuôi lân cận.

2.2 Ngà răng thứ phát

Đây là tổ chức ngà được hình thành ở giai đoạn răng đã tồn tại trên cung răng. Tổ chức ngà này có 2 loại cơ bản gồm:

  • Ngà sinh lý: hình thành liên tục trong suốt thời gian tồn tại của răng với nhịp độ rất chậm.
  • Ngà thứ phát bệnh lý: hình thành do răng gặp phải các vấn đề bệnh lý (lớp ngà phản ứng) như sang chấn, sâu răng, quá trình làm mòn răng hoặc do tạo lỗ hàn răng.

3. Chức năng của Ngà răng

Ngà răng có 3 chức năng chính:

  • Cấu thành lên răng.
  • Bao bọc và bảo vệ tủy răng.
  • Tạo cảm giác cho răng: do cấu tạo của ngà răng có các ống ngà chứa tế bào ngà, tạo cảm giác cho răng khi ăn các thực phẩm nóng, lạnh, chua ngọt hoặc tiếp xúc với hơi gió lạnh.

4. Các bệnh thường gặp

  • Nha chu
  • Mòn răng
  • Sâu răng
  • Thiểu sản men răng

5. Những vấn đề cần lưu ý

Quá trình hình thành ngà răng

Ngà răng được tạo thành bởi nguyên bào tạo ngà dưới tác động của nhú răng. Những nguyên bào tạo ngà sẽ tạo một khung hữu cơ, được khoáng hóa tạo nên ngà răng. Như vậy, nhú răng là bộ phận làm nhiệm vụ sản xuất ngà răng. Nhú răng sau cùng sẽ phát triển thành tủy răng. 

Quá trình hình thành ngà răng như sau:

  • Sự hình thành ngà răng bắt đầu vào giai đoạn chuông răng phát triển trong tổ chức mao mạch gần chóp của biểu mô răng trong xếp nếp. Vị trí này là nơi phát triển khởi đầu của múi răng.
  • Ngà răng hình thành lan xuống sườn múi đến viền cổ răng.
  • Ngà răng dày lên cho tới khi tất cả ngà thân răng hình thành.
  • Ngà chân răng hình thành khi có sự tăng sinh của tế bào biểu mô từ viền cổ răng xung quanh nhú răng.

Ngà răng hình thành liên tục cho tới khi hoàn tất hình thể ngoài của răng và nó được xem là ngà răng sinh lý nguyên thủy. Khi đã hoàn tất hình thể răng thì tốc độ tạo ngà sẽ chậm lại. Lớp ngà răng được tạo ra sau này được gọi là ngà răng sinh lý thứ phát và sự hình thành của nó làm thu hẹp dần kích thước buồng tủy răng.

Ảnh hưởng của cấu tạo ngà răng tới sức khỏe răng miệng

Ngà răng mỏng dần từ thân răng xuống tới cổ răng và chân răng. Ngà ở thân răng được bao bọc bởi lớp men răng, ngà ở cổ răng được che chở bởi ngà vỏ (phần tiếp giáp giữa thân răng với chân răng), ngà ở chân răng được bao phủ bởi men xi măng răng và xương răng.

Ngà răng dễ bị xâm nhập hơn men răng dưới tác động của các axit bào mòn răng. Khi ngà răng bị vỡ, tủy răng sẽ bị tấn công và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho răng. Bên cạnh đó, ngà răng bị hư hại sẽ không thể tự phục hồi lại mà chỉ có thể khắc phục bằng cách dùng các vật liệu nhân tạo để bổ sung. Vì vậy, cách bảo vệ ngà răng tốt nhất là bảo vệ men răng, lợi và xương răng. Khi tránh được các vấn đề ở men, lợi và xương răng thì ngà răng sẽ khỏe mạnh.

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *