Nướu răng có tác dụng gì?

Vị trí của Nướu răng

Nướu răng là một phần của niêm mạc miệng. Nướu bao bọc quanh xương ổ răng và răng, ôm sát cổ răng và trải dài từ cổ răng đến lằn tiếp hợp niêm mạc di động (đáy hành lang miệng).

Cấu tạo của Nướu răng

Nướu bình thường có màu hồng nhạt, rắn chắc, bề mặt nướu có lấm chấm màu da cam, có thể chia nướu ra làm hai phần là nướu rời và nướu dính.

Nướu rời (nướu tự do):

  • Gọi là nếu rời hay nướu tự do vì người ra có thể dùng cây thăm dò tách nướu ra khỏi mặt răng. Đây là phần nướu viền bao quanh cổ răng, không dính vào răng, được giới hạn với nướu dính bởi một rãnh nhỏ gọi là rãnh nướu rời. Nướu rời rộng khoảng 1mm và làm thành vách mềm của khe nướu.
  • Khe nướu là một rãnh nhỏ hẹp hình chữ V, là nơi tiếp xúc giữa nướu rời và mặt răng. Chiều sâu của khe nướu bình thường là từ 0 đến 3,5mm. Khe nướu gồm 2 vách, vách mềm là nướu rời, vách cứng là bề mặt gốc răng. Khe nướu giữ một vị trí quan trọng và là điểm xuất phát cho nhiều hình thức viêm nướu do biểu mô khe nướu mỏng và không được sừng hóa, độc tố vi khuẩn dễ xâm nhập gây viêm. Trong khe nướu thường xuyên tiết ra một chất dịch để sát trùng và rửa sạch khe nướu.
  • Gai nướu (nướu kẽ răng) là phần nướu giữa hai răng. Gai nướu có hình tháp. Nếu gai nếu quá to hoặc không có gai sẽ gây ứ đọng thức ăn, tạo những lỗ hốc trong kẽ răng, tạo điều kiện cho bệnh nha chu phát triển.

Nướu dính:

Nướu dính  có bề rộng từ 0,5-6mm, là phần nướu kế tiếp phần nướu rời trải dài đến lằn tiếp hợp nướu- niêm mạc di động. Nướu dính không di động, áp sát vào răng, bám chặt vào xi măng và xương ổ răng. Nướu dính không thay đổi dưới sức nhai.

Chức năng của Nướu răng

Chức năng của nướu răng: Nướu răng là một bộ phận cấu thành mô nha chu, có nhiệm vụ nâng đỡ răng và giúp răng đứng vững trên cung hàm. Khi nướu bị tổn thương, răng sẽ không đứng vững được.

Các bệnh thường gặp

  • Viêm nướu

Những điều cần lưu ý

Nguyên nhân của viêm nướu cũng như các bệnh về nha chu là do các mảng bám vi khuẩn, mảng bám gây ra viêm nướu và từ đó sẽ phát triển thành nhiều hình thức bệnh răng miệng khác. Do đó, để phòng ngừa bệnh cần giữ gìn vệ sinh răng miệng, đánh răng đúng cách, dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng đúng cách, khám răng, lấy cao răng theo định kỳ để phát hiện sớm những tổn thương nếu có. Trám răng sâu, sửa chữa những phục hình sai, miếng trám sai kỹ thuật. Cần loại bỏ những thói quen xấu như mút tay, cắn chỉ, cắn móng tay,…

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *