Nhau thai có chức năng gì?

1. Vị trí của Nhau thai

Nhau thai là gì?

Khi trứng được thụ tinh sẽ sinh ra các tế bào. Ở thời điểm này, một phần tế bào sẽ phát triển thành em bé. Phần tế bào còn lại sẽ phát triển thành nhau thai.

Nhau thai là gì? Nhau thai (gọi tắt là nhau) là cơ quan nối bào tử đang phát triển với thành tử cung. Hiểu một cách đơn giản: nhau thai là một bộ phận của thai nhi, có hình tròn giống chiếc bánh, màu đỏ, bề mặt mịn, nối bào thai, cụ thể là dây rốn của bé với thành tử cung của mẹ. Chức năng chính của nhau thai là cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi, hỗ trợ đào thải chất thải và trao đổi không khí qua máu với cơ thể mẹ.

Nhau thai không có bất kỳ tế bào thần kinh nào, không nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của não hay tủy sống. Nhau thai đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thời kỳ mang bầu vì nó giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh. Trong thời kỳ mang thai, mỗi phút có khoảng 550ml được bơm vào tử cung để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất trao đổi giữa thai nhi và người mẹ qua nhau thai. Tuy nhiên, ngay sau khi em bé ra đời, bộ phận này cũng sẽ đi ra khỏi cơ thể mẹ.

Vị trí nhau thai

Ở mỗi thai phụ, vị trí nằm của nhau thai sẽ khác nhau. Ở tuần thứ 11 – 12 của thai kỳ, các bác sĩ có thể thấy được hình ảnh bánh nhau thông qua siêu âm bằng đầu dò âm đạo. Thông thường, có 4 vị trí nhau thai bám vào và phát triển được coi là bình thường, không gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của mẹ và bé là:

  • Nhau bám mặt trước (phía trước thành tử cung): chỉ có một rắc rối nhỏ là nhiều khả năng người mẹ phải chỉ định mổ đẻ.
  • Nhau bám mặt sau (phía sau thành tử cung).
  • Nhau bám ở phía trên thành tử cung.
  • Nhau bám ở bên phải hoặc bên trái tử cung.

Nếu trong tờ ghi kết quả siêu âm, thai phụ được bác sĩ xác định những vị trí nhau thai như trên thì có thể hoàn toàn yên tâm.

2. Cấu tạo của Nhau thai

Sau tháng thứ 4 của thai kỳ, nhau thai được coi như đã hoàn thành cấu tạo. Lúc này, nhau thai chỉ còn lớn lên cho tới khi bé được sinh ra. Ở thời điểm này, nhau thai có hình đĩa, đường kính khoảng 20cm, dày khoảng 3cm, trọng lượng khoảng 500g. Cấu tạo của nhau thai gồm:

  • Mặt trông vào khoang ối của nhau nhẵn, được bao phủ bởi màng đệm và màng ối. Dây rốn đính vào giữa hoặc hơi lệch tâm. Ở vị trí dây rốn đính vào nhau tỏa ra các mạch đệm thuộc mạch rốn.
  • Từ màng đệm của nhau thai, xuất phát 200 thân chính, chia nhiều nhánh thành các nhung mao đệm. Mỗi nhung mao đệm gồm một trục liên kết, chứa các nhánh nhỏ của động mạch và tĩnh mạch đệm được nối với nhau bởi lưới mao mạch đệm. Phủ ngoài trục liên kết là lá nuôi hợp bào. Trên bề mặt lá nuôi hợp bào có nhiều vi mao. Diện tích trao đổi chất của mẹ và thai nhi trên mặt các nhung mao đệm đạt tới 14m2.
  • Phần nhau được tạo bởi mô mẹ là lớp đặc trưng của màng rụng nhau. Khi nhau thai đã sổ, ở mặt trông về phía tử cung có nhiều rãnh nông định ranh giới cho các múi nhau. Có khoảng 15 – 20 múi nhau được bao phủ bởi một lớp màng rụng nhau và bao lá nuôi tế bào. Mỗi múi nhau chứa một chùm nhung mao đệm.
  • Chỗ bám của nhau: trứng có thể làm tổ ở bất kỳ vị trí nào trên thành tử cung. Do đó, nhau thai có thể được tạo ra ở nhiều vị trí khác nhau. Vị trí nhau thai hay bám nhất là ở thành sau tử cung. Ngoài ra, nhau cũng có thể bám vào thành trước hoặc đáy tử cung. Trường hợp nhau bám ở gần lỗ trong ống tử cung được gọi là nhau tiền đạo, dễ gây chảy máu nghiêm trọng trong nửa sau thai kỳ và trong khi sinh đẻ.

3. Chức năng của Nhau thai

  • Cung cấp dưỡng chất cho thai nhi: nhau thai giúp vận chuyển dinh dưỡng từ cơ thể mẹ tới bào thai. Đầu tiên, chất dinh dưỡng sẽ đi qua nhau thai, tới dây rốn rồi đi vào cơ thể thai nhi.
  • Hoạt động như một bộ lọc: thận và hệ thống tiết niệu của thai nhi vẫn còn rất yếu. Vì vậy, nhau thai hoạt động như một bộ lọc hoặc thận với chức năng lọc máu, phân tách các chất độc hại khác, đẩy nó ra ngoài qua hệ thống tiết niệu và bài tiết của người mẹ, bảo vệ sức khỏe của thai nhi.
  • Hoạt động như phổi: giống như thận, phổi của thai nhi cũng chưa hoàn thiện. Phổi chỉ bắt đầu hô hấp khi em bé chào đời. Trong thời kỳ em bé còn phát triển trong tử cung, nhau thai hoạt động như phổi, giúp cung cấp oxy cho thai nhi.
  • Hỗ trợ bài tiết: nhau thai đưa chất thải sinh học của thai nhi trở lại cơ thể người mẹ rồi thải ra ngoài qua đường nước tiểu.
  • Phòng ngừa nhiễm trùng: nhau thai tách máu của mẹ và bé riêng biệt, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng đối với cơ thể thai nhi.
  • Điều chỉnh lượng đường trong máu: nhau thai sản xuất nhiều hormone giữ cho lactose có trong rau thai kỳ. Nó giúp đảm bảo cơ thể người mẹ có đủ lượng đường trong máu để cung cấp cho bé một cách hiệu quả.
  • Tiêu hóa thức ăn: nhau thai có vai trò nghiền nát các hạt thức ăn mà người mẹ tiêu thụ để đưa chất dinh dưỡng đến cơ thể thai nhi một cách nhanh nhất.
  • Đưa oxy vào cơ thể bé: nhau thai giúp khuếch tán oxy vào máu, đưa tới hệ thống tuần hoàn của thai nhi, giúp bé nhận được oxy mà không hít phải nước ối trong bụng mẹ.
  • Điều tiết hormone: nhau thai tiết ra lượng lớn các hormone nữ như estrogen và progesterone để ngăn ngừa sự co thắt xảy ra ở tử cung trước khi em bé sẵn sàng chào đời. Đồng thời, nó cũng giúp các mô tử cung mềm hơn khi người mẹ chuẩn bị đến ngày sinh nở.
  • Chuẩn bị cho em bé chào đời an toàn: trong suốt thời kỳ mang thai, nhau thai liên tục di chuyển trong tử cung và không ngừng phát triển. Khi bắt đầu có thai, nhau thai thường nằm thấp nhưng dần dần bộ phận này sẽ di chuyển lên đỉnh tử cung để tạo điều kiện cho việc mở rộng dạ con, bảo vệ em bé an toàn cho đến thời điểm ra đời.

4. Các bệnh thường gặp

  • Thai trứng (chửa trứng)
  • Thai ngoài tử cung
  • Suy thai
  • Nhau cài răng lược
  • Nhau tiền đạo
  • Nhau bong non
  • Nhiễm độc thai nghén
  • Suy thai trong tử cung
  • Thai chậm phát triển trong tử cung
  • Thai chết lưu

5. Những vấn đề cần lưu ý

Một số vấn đề có thể gây ảnh hưởng tới nhau thai

  • Độ tuổi mang thai: những vấn đề bất thường trên nhau thai thường gặp ở những bà bầu lớn tuổi (trên 40 tuổi). Một số trường hợp hy hữu cũng gặp phải ở những người từng bị sảy thai, sinh non hoặc mắc các bệnh liên quan tới tử cung.
  • Chứng rối loạn đông máu: mọi vấn đề bất thường về thời gian đông máu hoặc thời gian tan máu đông ở người mẹ đều sẽ ảnh hưởng tới nhau thai.
  • Căng thẳng, mệt mỏi: tinh thần người mẹ gặp bất ổn sẽ gây tác động xấu tới nhau thai.
  • Từng gặp vấn đề về nhau thai: nếu phụ nữ đã có tiền sử mắc các bệnh liên quan tới nhau thai thì khả năng lặp lại tình trạng này là rất cao.
  • Sử dụng chất kích thích trong thời gian dài: việc dùng rượu, bia, thuốc lá hay các chất kích thích,… có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhau thai và thai nhi, dễ dẫn đến hậu quả khó lường.
  • Bị thương ở bụng: thai phụ bị ngã, bị vật nhọn đâm vào bụng,… có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhau thai, làm tăng nguy cơ nhau thai bị đứt, gãy.
  • Mang đa thai: các bà mẹ mang đa thai thường có nhau thai phát triển yếu hơn.
  • Huyết áp cao: người mẹ bị cao huyết áp cũng có thể khiến nhau thai không phát huy được đầy đủ chức năng của nó.
  • Bong nút nhầy cổ tử cung sớm: tình trạng bong nút nhầy cổ tử cung quá sớm có thể khiến nhau thai gặp nguy hiểm.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *