1. Sắt là gì?
Sắt là nguyên tố phổ biến trong tự nhiên, quan trọng trong trao đổi điện tử. Nó là một yếu tố kiểm soát quá trình tổng hợp DNA. Các tiến trình có hiệu quả cho phép các cơ thể sống vận chuyển và dự trữ nguyên tố kém hoà tan nhưng có tính hoạt động cao này.
Sắt là một thành phần quan trọng, sắt có tác dụng trong tổng hợp hemoglobin (chất vận chuyển oxy cho các tế bào trong cơ thể) và myoglobin (chất dự trữ oxy cho cơ thể). Ngoài ra sắt còn tham gia vào thành phần một số enzyme oxy hoá khử như catalase, peroxydase và các cytochrome ( những chất xúc tác sinh học quan trọng trong cơ thể). Nó đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất ra năng lượng oxy hoá, vận chuyển oxy, hô hấp của ty lạp thể và bất hoạt các gốc oxy có hại. Đặc biệt đối với những phụ nữ mang thai, sắt giúp tạo nên một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn. Để đảm bảo đủ nhu cầu sắt trong thời kỳ mang thai, cơ thể người phụ nữ phải có lượng sắt dự trữ, ít nhất là 300 mg trước khi mang thai.
Một hậu quả khác của thiếu sắt là nguy cơ hấp thu chì từ đường tiêu hóa sẽ cao, gây ra ngộ độc chì cho cơ thể. Môi trường sống ở Việt Nam hiện rất ô nhiễm, khói bụi có hàm lượng chì rất cao. Do đó những đứa trẻ thiếu sắt thì nguy cơ ngộ độc chì rất cao, dễ tổn thương cho hệ thống tái tạo máu và hệ thần kinh trung ương. Đối tượng chính hay bị thiếu sắt thường gặp nhất ở phụ nữ, đặc biệt là ở phụ nữ có thai và trẻ em. Nguyên nhân là do cơ thể không hấp thu sắt kém, hay do nhiễm giun sán, dị ứng, kinh nguyệt… hoặc nhu cầu cơ thể quá cao trong một số giai đoạn tăng trưởng nhanh và hồi phục sau khi bệnh. Do đó thiếu sắt sẽ gây ra tình trạng thiếu máu thiếu sắt và ảnh hưởng đến hoạt động chuyển hoá của tế bào do thiếu hụt các men chứa sắt. Ngược lại quá tải sắt trong cơ thể cũng gây ra ứ đọng sắt tại các mô như tim, gan, tuyến nội tiết….. dẫn đến rối loạn trầm trọng chức năng các cơ quan này.
Thừa sắt hay Hemochromatosis là một rối loạn gây ra bởi sự hấp thu quá nhiều sắt từ thực phẩm mà bạn tiêu thụ, dẫn đến tập trung quá nhiều sắt trong máu. Nó có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khi cơ thể bạn không có các để loại bỏ lượng sắt dư thừa. Sắt dư thừa sẽ tích lũy lại ở: gan, tim, tụy và các khớp.
2. Công dụng của Sắt
- Sắt có vai trò quan trọng để tạo hồng cầu
- Vận chuyển oxy và CO2 trong quá trình hô hấp (Hb)
- Dự trữ oxy cho cơ (myoglobin)
- Vận chuyển electron (cytochrom, mitochondrial dehydrogenase)
- Hô hấp tế bào (catalase, peroxydase)
- Tham gia vào thành phần của một enzym trong hệ miễn dịch.
- Sắt còn là thành phần của một số men quan trọng
- Sắt có vai trò quan trọng trong sự phát triển trí não ở trẻ.
3. Nhu cầu
Nhu cầu sắt tăng lên có thể đáp ứng được nhờ chế độ ăn giàu sắt giá trị sinh học cao. Tuy nhiên, ở một số nước đang phát triển, khả năng tiếp cận các nguồn thực phẩm nguồn động vật có lượng sắt giá trị sinh học cao rất thấp và khẩu phần hàng ngày chủ yếu gồm các thực phẩm nguồn gốc thực vật nên nguy cơ bị thiếu sắt cao.
- Tình trạng nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt nhiễm giun móc và bệnh sốt rét có ảnh hưởng đáng kể nhất tới sức khỏe cộng đồng. Thêm vào đó, nhiễm Helicobacter pylori (H. Pylori) gần đây được báo cáo có tỷ lệ cao tại các nước đang phát triển, dẫn tới tình trạng thiếu sắt nhưng cơ chế và nguyên nhân vẫn chưa được biết rõ. Có giả thuyết cho rằng nhiễm H. pylori làm giảm sự bài tiết acid dẫn tới giảm hấp thu sắt trong ruột. Các bệnh khác như loét và chảy máu đường ruột cũng có thể gây thiếu máu thiếu sắt nhưng thường không phải là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng.
- Rất hiếm gặp tình trạng thừa sắt do tiêu thụ thực phẩm nhờ cơ chế tự điều hòa chuyển hóa của cơ thể. Tuy nhiên có thể gặp tình trạng tích lũy gây thừa sắt ở những bệnh nhân phải truyền máu thường xuyên trong các bệnh thiếu máu huyết tán.
- Trong cơ thể, nhu cầu sắt hàng ngày bình thường để tạo hồng cầu là 20-25mg sắt. Tuy nhiên hầu như toàn bộ lượng sắt cần thiết để sản xuất hồng cầu đều được tái sử dụng từ quá trình phân huỷ hồng cầu già. Do đó chỉ cần 1mg sắt/ngày là đủ bù lại lượng sắt mất đi qua phân, nước tiểu, mồ hôi và tế bào biểu mô bong ra. Nhu cầu sắt trong cơ thể sẽ tăng lên trong một số trường hợp mất máu qua các chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, có thai, cho con bú, trẻ em tuổi dậy thì……
Bảng Nhu cầu Sắt khuyến nghị
(Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam, 2016)
Nhu cầu về sắt được áp dụng theo khuyến nghị của FAO/WHO 2004, SEA-RDAs 2005 được tính toán dựa trên bốn cấp độ giá trị sinh học của sắt trong khẩu phần ăn và thay đổi nhu cầu sắt ở phụ nữ có kinh nguyệt và hiệu chỉnh theo cân nặng nên có của người Việt Nam.
Nhu cầu khuyến nghị sắt (mg/ngày)
Nhóm tuổi | Nam | Nữ | ||
Nhu cầu sắt (mg/ngày) theo giá trị sinh học của khẩu phần | Nhu cầu sắt (mg/ngày) theo giá trị sinh học của khẩu phần | |||
Hấp thu 10% ** | Hấp thu 15%**** | Hấp thu 10% ** | Hấp thu 15% *** | |
0-5 Tháng | 0,93 | 0,93 | ||
6-8 Tháng | 8,5 | 5,6 | 7,9 | 5,2 |
9-11 tháng | 9,4 | 6,3 | 8,7 | 5,8 |
1-2 Tuổi | 5,4 | 3,6 | 5,1 | 3,5 |
3-5 Tuổi | 5,5 | 3,6 | 5,4 | 3,6 |
6 -7 Tuổi | 7,2 | 4,8 | 7,1 | 4,7 |
8-9 Tuổi | 8,9 | 5,9 | 8,9 | 5,9 |
10-11 Tuổi | 11,3 | 7,5 | 10,5 | 7,0 |
10-11 tuổi (Có kinh nguyệt) | 24,5 | 16,4 | ||
12-14 tuổi | 15,3 | 10,2 | 14,0 | 9,3 |
12-14 tuổi (Có kinh nguyệt) | 32,6 | 21,8 | ||
15-19 tuổi | 17,5 | 11,6 | 29,7 | 19,8 |
20-29 tuổi | 11,9 | 7,9 | 26,1 | 17,4 |
30-49 tuổi | 11,9 | 7,9 | 26,1 | 17,4 |
50 -69 tuổi | 11,9 | 7,9 | 10,0 | 6,7 |
> 50 tuổi (có kinh nguyệt) | 26,1 | 17,4 | ||
> 70 tuổi | 11,0 | 7,3 | 9,4 | 6,3 |
Phụ nữ có thai (trong suốt cả quá trình) | + 15 **** | + 10 **** | ||
Phụ nữ cho con bú | Chưa có kinh nguyệt trở lại | 13,3 | 8,9 | |
Phụ nữ sau mãn kinh | Đã có kinh nguyệt trở lại | 26,1 | 17,4 |
** Loại khẩu phần có giá trị sinh học sắt trung bình (khoảng 10% sắt được hấp thu): Khi khẩu phần có lượng thịt hoặc cá từ 30g – 90g/ngày hoặc lượng vitamin C từ 25 mg – 75 mg/ngày.
*** Loại khẩu phần có giá trị sinh học sắt cao (khoảng 15% sắt được hấp thu): Khi khẩu phần có lượng thịt hoặc cá > 90g/ngày hoặc lượng vitamin C > 75 mg/ngày.
**** Bổ sung viên sắt được khuyến nghị cho tất cả phụ nữ mang thai trong suốt thai kỳ. Những phụ nữ bị thiếu máu cần dùng liều điều trị theo phác đồ hiện hành.
4. Các vấn đề thường gặp
- Thiếu máu do thiếu sắt
5. Những vấn đề cần lưu ý
- Bổ sung sắt bằng đa dạng hóa bữa ăn
- Bổ sung viên sắt, đặc biệt cho trẻ em và phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ
- Phòng chống các bệnh nhiễm ký sinh trùng, sốt rét và vệ sinh môi trường
- Tăng cường bổ sung sắt trong thực phẩm
Nguồn: Vinmec