Đau dây thần kinh sinh ba: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Đau dây thần kinh sinh ba

Dây thần kinh sinh ba còn có tên gọi khác là dây thần kinh tam thoa hay dây thần kinh sọ não V. Đây là dây thần kinh hỗn hợp, chi phối vận động các cơ nhai và cảm giác cho phần lớn vùng mặt, mỗi bên mặt có một sợi dây thần kinh sinh ba tương ứng. Dây thần kinh V xuất phát từ hộp sọ đến vùng mặt ngang mức trước tai, ở vị trí thái dương. Có tên gọi là dây thần kinh sinh ba vì chúng chia làm 3 nhánh:

  • Nhánh V1 hay còn gọi là dây mắt, cho các nhánh đến vùng da đầu, trán và xung quanh ổ mắt.
  • Nhánh V2 hay còn gọi là dây hàm trên, cho các nhánh đến chi phối cho vùng má.
  • Nhánh V3 hay còn gọi là dây hàm dưới, cho các nhánh đến khu vực xung quanh hàm.

Đau dây thần kinh sinh ba là một chứng bệnh hiếm gặp. Các sợi dây thần kinh cảm giác và của dây thần kinh bị tổn thương nên khi một kích thích xuất hiện sẽ hình thành nên một xung động đau. Những kích thích kéo dài, lặp lại nhiều lần tạo nên một vùng hưng phấn ở vỏ não làm người bệnh có cảm giác đau thường xuyên, liên tục và dữ dội. Đau dây thần kinh sinh ba là một chứng bệnh mãn tính, kéo dài nhiều ngày đến nhiều tháng.

Tỷ lệ mắc phải của bệnh trong cộng đồng ước tính khoảng 4,5/100.000 dân. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng ưu thế ở nhóm tuổi trung niên và người già. Nữ giới chiếm hơn 60% các trường hợp. Đau dây thần kinh sinh ba ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nên cần được khám, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân bệnh Đau dây thần kinh sinh ba

Nguyên nhân gây bệnh đau dây thần kinh sinh ba vẫn chưa được hiểu rõ. Một số giả thuyết được đặt ra như sau:

  • Chèn ép mạch máu: hầu hết các trường hợp bệnh nhân đau dây thần kinh sinh ba được phát hiện với tình trạng chèn ép cơ học mạch máu trên dây thần kinh hoặc ở hạch thần kinh sinh ba.
  • Chấn thương: Đau dây thần kinh sinh ba thường xảy ra sau một chấn thương như gãy xương nền sọ, hay sau một thủ thuật can thiệp tại vùng mặt như nhổ răng.
  • Nhiễm khuẩn: nhiễm virus herpes cũng được xem là nguyên nhân gây bệnh.
  • Bệnh lý khác: đau dây thần kinh sinh ba có thể là biểu hiện của các bệnh lý nền phía sau như: u não, ung thư vòm họng di căn, bệnh xơ cứng rải rác, túi phồng động mạch thông sau.
Đau dây thần kinh sinh ba: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Triệu chứng bệnh Đau dây thần kinh sinh ba

Triệu chứng đau dây thần kinh sinh ba phổ biến nhất là đau. Bệnh nhân phải đối mặt với các cơn đau dữ dội, được miêu tả giống với cảm giác bị điện giật hoặc bị đâm bởi các vật sắc nhọn, khuôn mặt thường nhăn nhó đau đớn. Cơn đau có khi rất ngắn chỉ khoảng vài giây, có khi kéo dài vài phút và có khoảng nghỉ giữa các cơn. Những cơn đau liên tục ở vùng mặt tường không nghĩ đến nguyên nhân do đau dây thần kinh sinh ba. Cơn đau thường xuất hiện một bên mặt, lan dọc theo xương gò má, mũi, môi trên và các răng trên và/hoặc lan theo phần dưới của xương gò má, môi dưới và xương hàm dưới. Vùng trán và xung quanh ổ mắt ít gặp hơn.

Triệu chứng đau thường xuất hiện mà không có dấu hiệu báo trước nên không thể dự đoán được cơn đau sẽ xuất hiện vào lúc nào trong tương lai. Tần suất xuất hiện của các cơn đau tăng lên khi về già. Đau tăng lên khi nhai, nói, rửa mặt, cạo râu hay trang điểm.

Đường lây truyền bệnh Đau dây thần kinh sinh ba

Đau dây thần kinh sinh ba không lây truyền từ người bệnh sang người lành.

Đối tượng nguy cơ bệnh

Các yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đau dây thần kinh sinh ba, bao gồm:

  • Giới tính: nữ giới có xu hướng mắc bệnh nhiều hơn nam, chiếm trên 60% trường hợp.
  • Di truyền: bệnh có khả năng di truyền với những thành viên trong gia đình.
  • Tuổi tác: khả năng mắc bệnh tăng theo tuổi, đặc biệt ở những người trên 50 tuổi.
  • Bệnh lý: nếu tình trạng sức khỏe không tốt vì mắc các bệnh lý khác như bệnh xơ cứng rải rác, nguy cơ mắc bệnh đau dây thần kinh sinh ba sẽ tăng theo.  

Phòng ngừa

Hiện nay không có biện pháp nào có hiệu quả trong việc phòng tránh để không mắc phải bệnh đau dây thần kinh sinh ba. Một số thói quen sinh hoạt sau có thể giúp người bệnh hạn chế diễn tiến của bệnh:

  • Sử dụng các thức ăn mềm, dễ nhai.
  • Tránh làm những việc kích thích vùng mặt khi đang đau.
  • Đến gặp bác sĩ để được điều trị sớm nếu gặp phải triệu chứng đau vùng mặt hoặc đau điển hình.

Các biện pháp chẩn đoán

Trên thực tế lâm sàng, đau dây thần kinh sinh ba dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý răng miệng. Có các trường hợp phải nhổ răng để giải quyết triệu chứng đau, tuy nhiên sau đó vấn đề vẫn không được giải quyết. Vì thế việc chẩn đoán chính xác bệnh đóng vai trò rất quan trọng, quyết định phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.

Bác sĩ muốn chẩn đoán đúng bệnh cần phải phối hợp giữa việc khai thác tiền sử, bệnh sử, thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng. Triệu chứng lâm sàng đau điển hình đóng vai trò chính trong chẩn đoán. Các xét nghiệm cận lâm sàng và phương tiện chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, giúp loại trừ các bệnh lý khác khi biểu hiện lâm sàng không điển hình, bệnh xuất hiện ở người trẻ tuổi, không đáp ứng với thuốc điều trị và muốn phân biệt với các nguyên nhân khác.

Các biện pháp điều trị

Đau dây thần kinh sinh ba: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Đau dây thần kinh sinh ba ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống của người bệnh nếu không được điều trị. Bệnh nhân thường chán nản, lo lắng và có xu hướng hạn chế những việc làm cơn đau trở nên nặng nề hơn như không đánh răng, rửa mặt, cạo râu, trang điểm,… Tuy nhiên một điều đáng mừng là đau dây thần kinh sinh ba đáp ứng tốt với các thuốc đặc hiệu nếu được điều trị sớm ngay từ đầu. 

Ngoài thuốc, một số phương pháp khác được áp dụng để điều trị đau dây thần kinh sinh ba khi biện pháp điều trị nội khoa thất bại như:

Đau dây thần kinh sinh ba: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
  • Phẫu thuật: được thực hiện khi tồn tại các khối u hoặc mạch máu chèn ép lên dây thần kinh. Có nhiều loại phẫu thuật bao gồm phẫu thuật bằng tia gamma không tiếp xúc, mổ hở để loại bỏ các khối u nhằm giải áp lên dây thần kinh. Phẫu thuật được xem là phương pháp kiểm soát triệu chứng đau một cách lâu dài có hiệu quả vì hầu hết các trường hợp đau dây thần kinh sinh ba là do chèn ép lên dây thần kinh. Các biến chứng sau phẫu thuật có thể gặp phải là viêm giác mạc thứ phát, giảm cảm giác vùng mặt.
  • Kích thích não sâu: đây là phương pháp truyền xung điện vào não thông qua một đầu dò. Chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ não sẽ được áp dụng để đảm bảo đầu dò được đặt đúng vị trí.
  • Hủy hạch Gasser: nhiều tác giả cho rằng diệt hạch gasser sẽ giúp điều trị khỏi bệnh hoàn toàn. Một số phương tiện được áp dụng để diệt hạch như cồn 90 độ, đốt điện. Biện pháp điều trị này tỏ ra an toàn hơn phẫu thuật, ít tác dụng phụ nhưng có tỷ lệ tái phát cao hơn.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *