Vitamin B1 có ở đâu, vai trò là gì?

1. Vitamin B1 là gì?

Vitamin B1 là một hợp chất sulfur hữu cơ, còn gọi là thiamin ở dạng tinh thể màu trắng, là loại vitamin tan trong nước, cần thiết cho quá trình trao đổi chất bao gồm glucose, axit amin và lipid và cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Vitamin b1 có ở đâu? Vitamin B1 có nhiều trong những thực phẩm như: Nấm men cung cấp một lượng vitamin B1 rất lớn nên thường được dùng vào mục đích chữa bệnh khi bị thiếu vitamin nhóm B, nấm men bia, mầm ngũ cốc, thịt lợn, thịt bò, cá trích, hạt lanh, hạt vừng, hạt hướng dương, măng tây, rau bina, đậu xanh…

2. Công dụng của Vitamin B1

Vai trò của vitamin B1

  • Vitamin B1 dưới dạng thiaminpirophosphat, tham gia vào hệ enzyme decacboxyl oxy hóa các cetoaxit như acid pyruvic hoặc α-cetoglutaric. Vì vậy khi cơ thể thiếu vitamin B1 sẽ dẫn tới tích lũy các cetoaxit làm hỗn loạn trao đổi chất kèm theo hiện tượng bệnh lý trầm trọng như giảm sút tiết dịch vị, tê phù,…
  • Cần thiết trong quá trình chuyển hóa đường, bẻ gãy các hợp chất carbonhydrate thành glucose. Thiamin-pirophosphat là coenzyme của các enzyme pyruvat-decarboxylase hoặc cetoglutaratdecarboxylase. Các acid pyruvic và các acid cetoglutaric chính là các sản phẩm của quá trình trao đổi glucid. Chính vì vậy khi thiếu vitamin B1 thì sự trao đổi glucid sẽ ngừng trệ.
  • Trong cơ thể người, thiamin chuyển thành dạng pirophosphat. Dưới dạng này mới tham gia phân giải acid pyruvic tạo ra sản phẩm cuối cùng là oxyetylpirophosphat. Thiamin pyrophosphate (TPP) là một coenzyme cần thiết cho một số enzyme rất quan trọng. Sự tổng hợp TPP từ thiamine đòi hỏi sự có mặt của magnesium, adenosine triphosphate (ATP) và enzyme thiaminpyrophosphokinase. Ngoài ra, trong phản ứng transcetolase làm trung gian cho sự chuyển đổi của hexose và pentose phosphate. Mà một trong những bước trung gian quan trọng nhất của con đường này là ribose-5-phosphate, một đường 5 carbon liên quan đến quá trình phosphoryl hóa cần thiết cho sự tổng hợp ATP và GTP
  • Thiamin (vitamin B1) quan trọng trong việc chuyển hóa carbohydrates từ thực phẩm thành các sản phẩm cần thiết cho cơ thể, điều trị hoặc ngăn ngừa thiếu hụt vitamin B1, thiamin dạng tiêm được sử dụng để điều trị bệnh beriberi, một tình trạng nghiêm trọng do thiếu vitamin B1 kéo dài..

Sự hấp thu của vitamin B1 trong cơ thể xảy ra phần lớn ở đoạn tá tràng của ruột non tuy nhiên một số ít cũng được hấp thụ ở phần sau của ruột non nhưng mức hấp thu tối đa chỉ khoảng 2.5-5mg/ngày. Ở nồng độ cao được hấp thu bằng cơ chế thụ động, ở nồng độ thấp được hấp thụ bằng hệ thống vận chuyển chủ động. Từ ruột, tá tràng vitamin B1 được hấp thụ nó chuyển vào gan chủ yếu dưới dạng thiamin pyrophosphat, khoảng 30mg, rồi vào máu để phân bố đi khắp cơ thể. Sự hấp thu sẽ giảm do các nguyên nhân giảm acid chlohydric ở dạ dày, quá nhiều mật ở ruột, tiêu chảy làm mất vitamin B1 theo phân.Vào máu vitamin B1 được phospho hóa nhờ ATP để cho Cocarboxylase gắn với protein huyết tương mà chủ yếu là albumin và hồng cầu. Các cơ quan dự trữ thiamin bao gồm cơ, tim, gan thận và não, trong đó cơ là nơi dự trữ chính và với thời gian bán hủy trong khoảng 9 – 18 ngày. Trữ lượng vitamin B1 trong các mô là rất ít, vì thế hàm lượng B1 trong cơ thể phụ thuộc vào lượng đưa vào qua thức ăn.

3. Nhu cầu

  • Lượng Vitamin B1 cần cung cấp không cao về số lượng nhưng phải được cung cấp hàng ngày để thỏa mãn nhu cầu cần thiết vì Vitamin B1 không dự trữ được trong cơ thể. Nhu cầu về vitamin B1 phụ thuộc vào các điều kiện khác nhau như trạng thái sinh lý của cơ thể, chế độ thức ăn, làm việc…Trung bình người cần từ 1 – 3 mg vitamin B1 trong 24h.
  • Vitamin cần cho mọi đối tượng nhưng nam giới, người có chuyển hóa tăng  như stress, chơi thể thao, tăng hoạt giáp, phụ nữ mang thai và đang cho con bú cần nhiều vitamin B1 hơn vì những đối tượng này cần nhiều năng lượng hơn
  • Người nghiện rượu, café, chè, những người ăn chủ yếu thức ăn đường hay mắc các bệnh làm giảm hấp thu, dự trữ vitamin B1 (tiêu chảy mãn tính, đái tháo đường,điều trị lợi tiểu kéo dài, giun sán, sốt kéo dài…) cũng cần được bổ sung nhiều vitamin B1 hơn.
  • Người già nhu cầu vitamin B1 trong cơ thể cũng cao hơn mức bình thường mặc dù sự đào thải của vitamin B1 ít hơn người trẻ tuổi, do người già có tỷ lệ biến dưỡng chất dinh dưỡng thấp hơn người trẻ.
  • Những người bị nóng, sốt, làm việc nặng nhọc, bệnh hoạn hay bị thương tích cũng cần lượng vitamin B1 nhiều hơn do trong cơ thể cần năng lượng, gia tăng sự biến dưỡng cho việc hàn gắn vết thương.

4. Hàm lượng

Liều thông thường cho người lớn

  • Liều thông thường cho người lớn bị bệnh Beriberi: dùng 10-20 mg tiêm bắp 3 lần mỗi ngày trong 2 tuần. Tiếp theo, sử dụng multivitamin uống có chứa 5-10 mg vitamin B1 hàng ngày trong một tháng. Trong thời gian dùng thuốc,cũng cần tuân theo một chế độ ăn uống đầy đủ và cân bằng.
  • Liều thông thường cho phụ nữ có thai bị viêm dây thần kinh: Nếu nôn ói nặng, không sử dụng thiamin (vitamin B1) dạng uống. Đối với dạng thuốc tiêm, bạn tiêm bắp 5-10 mg hàng ngày.
  • Liều thông thường cho người lớn bị suy cơ tim có ứ dịch: Thiamin (vitamin B1) được tiêm từ từ qua đường tĩnh mạch.
  • Liều thông thường cho người lớn thiếu thiamin: Nếu cung cấp dextrose, bệnh nhân có tình trạng thiamin (vitamin B1) ngoại biên, sử dụng 100 mg trong mỗi vài lít đầu tiên của dịch tiêm tĩnh mạch để tránh dẫn đến suy tim.
  • Liều thông thường cho người lớn để bổ sung vitamin/chất khoáng: dùng 50-100 mg uống mỗi ngày một lần.
  • Liều thông thường cho người lớn bệnh não Wernicke: Liều khởi đầu 100mg tiêm tĩnh mạch, sau đó là 50-100 mg/ngày tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch đến khi bệnh nhân cân bằng chế độ ăn uống.

Liều thông thường cho trẻ em

  • Liều thông thường cho trẻ em mắc bệnh Beriberi: dùng 10 – 25 mg tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch cho trẻ hàng ngày (nếu bệnh nặng) hoặc dùng 10 – 50 mg cho trẻ uống mỗi ngày trong 2 tuần, sau đó dùng 5 – 10 mg cho trẻ uống mỗi ngày trong 1 tháng.
  • Liều thông thường cho trẻ em thiếu thiamin: Nếu cung cấp dextrose thì cho trẻ dùng 100 mg trong mỗi vài lít đầu tiên của dịch tiêm tĩnh mạch để tránh dẫn đến suy tim.
  • Liều thông thường cho trẻ em để bổ sung vitamin/chất khoáng: Đối với trẻ sơ sinh, bạn dùng 0,3 – 0,5 mg cho trẻ uống mỗi ngày một lần. Đối với trẻ em, bạn dùng 0,5 – 1 mg cho trẻ uống mỗi ngày một lần.

Thiamin (vitamin B1) có những dạng và hàm lượng:

  • Viên nang, uống 50 mg.
  • Dung dịch tiêm 100 mg/ml.
  • Viên nén 50 mg; 100 mg; 250 mg.

5. Những vấn đề cần lưu ý

Nhận trợ giúp y tế khẩn cấp nếu có bất cứ dấu hiệu của một phản ứng dị ứng: phát ban; khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi hoặc họng. Hãy gọi cho bác sĩ ngay nếu có một tác dụng phụ nghiêm trọng như:

  • Môi chuyển màu xanh;
  • Đau ngực, cảm thấy khó thở;
  • Phân có máu, hoặc hắc ín;
  • Ho ra máu hoặc nôn mửa giống như bã cà phê.

Tác dụng phụ ít nghiêm trọng có thể bao gồm:

  • Buồn nôn, cảm giác chặt trong cổ họng;
  • Mồ hôi, cảm giác ấm;
  • Phát ban nhẹ hoặc ngứa;
  • Cảm thấy bồn chồn;
  • Bị chai và nổi cục cứng nơi tiêm thiamin (vitamin B1).

Nguồn: Vinmec

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *