Xương trụ nằm ở đâu? Cấu trúc và vai trò của xương trụ

1. Vị trí của Xương trụ

Cùng với xương quay, xương trụ là một trong hai xương dài của cẳng tay. Xương trụ dài hơn xương quay và có dạng hình lăng trụ, nằm dọc theo cạnh trong của cẳng tay. 

Xương trụ cùng với xương quay đều là cấu phần thuộc chi trên. Theo vị trí giải phẫu, xương trụ nằm về phía trong của cẳng tay gần cơ thể, ở trên khớp với xương cánh tay, ở dưới khớp với xương cổ tay tiếp giáp nhau qua đĩa sụn, ở ngoài khớp với xương quay.

Cách định hướng xương trụ:

Đặt xương thẳng đứng, đầu lớn hơn hướng lên trên. Mặt lõm của đầu lớn (hình bán nguyệt lõm) hướng ra phía trướcCạnh sắc ở thân xương hướng ra ngoài

2. Cấu tạo của Xương trụ

Về cấu trúc, xương trụ là xương dài có 2 đầu và 1 thân xương:

2.1 Hai đầu xương

Đầu trên của xương trụ có 2 mỏm và 2 khuyết:

  • Mỏm khuỷu: như một hình tháp gồm 4 mặt (trong, ngoài, trước, trên), nhô ra ở phía sau khuỷu, đặc biệt nổi rõ khi cẳng tay ở tư thế gấp lại. Mặt trên của mỏm khuỷu gồ ghề có cơ tam đầu bám. Mặt trước tạo nên phần trên của khuyết ròng rọc. 

Ngoài ra còn có 2 mặt bên mỏm khuỷu lắp vào hố khuỷu xương cánh tay khi cẳng tay thả lỏng duỗi hoặc chống tay lên bàn.

  • Mỏm vẹt: nhô ra phía trước, lắp vào hố mỏm vẹt của xương cánh tay khi gấp cẳng tay. Mặt trên của mỏm vẹt tạo nên phần dưới của khuyết ròng rọc.
  • Khuyết ròng rọc (hõm Sigma lớn): do mặt trước của mỏm khuỷu và mặt trên của mỏm vẹt tạo thành. Khuyết ròng rọc gồm một gờ và hai sườn cấu thành hình bán nguyệt để khớp với ròng rọc của xương cánh tay.
  • Khuyết quay (hõm Sigma nhỏ): nằm ở mặt ngoài của mỏm vẹt, là một diện khớp liên tục với diện khớp ở khuyết ròng rọc. Khuyết quay này khớp với vành đai quay của xương quay.

Đầu dưới: lồi thành một chỏm nhỏ gọi là chỏm xương trụ, có diện khớp vòng khớp với khuyết trụ của xương quay. Phía trong của chỏm có mỏm trâm trụ, từ mỏm này có một dĩa sụn sợi hình tam giác đi ra ngoài dính vào bờ dưới khuyết trụ của xương quay, do đó ngăn cách đầu dưới xương trụ với các xương cổ tay.

2.2 Thân xương 

Thân xương có hình lăng trụ tam giác có 3 mặt và 3 bờ:

3 mặt bao gồm:

  • Mặt trước: nửa trên hơi lõm, có lỗ dưỡng cốt. Phía dưới hơi lồi có cơ gấp chung nông bám, dưới phẳng có cơ sấp vuông bám  
  • Mặt trong: phía dưới trơn nhẵn, phía trên có bề mặt gồ ghề là chỗ bám của cơ gấp chung sâu các ngón tay và che phủ phía dưới xương.
  • Mặt sau: phía trên lồi có diện của cơ khuỷu bám, càng xuống dưới càng thu hẹp và càng lõm. Trên có 1 diện hình tam giác cho cơ khuỷu bám. Dưới có gờ thẳng chia mặt sau ra làm 2 phần: phần trong lõm có các cơ duỗi cổ tay trụ bám, phần ngoài cho các cơ lớp sau bám. 

3 bờ bao gồm:

  • Bờ trước: khá nhẵn, trên có cơ gấp chung sâu, dưới có cơ sấp vuông bám.
  • Bờ sau: cong hình chữ S, ở trên toả ra làm hai ngành ôm lấy mỏm khuỷu, ở dưới mờ dần rồi mất hẳn, có cơ trụ trước, trụ sau bám. Có thể sờ được toàn bộ bờ này ở dưới da.
  • Bờ ngoài (bờ gian cốt): Nằm ở phía ngoài bờ trước và có bờ gian cốt mảnh và sắc. chia ra làm hai ngành ôm lấy khuyết quay (hõm Sigma bé), ở dưới nhẵn có màng liên cốt bám  

Trên thân xương có 1 cạnh sắc, dựa vào đặc điểm cạnh sắc luôn hướng ra ngoài có thể biết được xương trụ là bên tay phải hay tay trái.

3. Chức năng của Xương trụ

Cùng với xương quay, xương trụ là một trong hai xương của cẳng tay và góp phần tạo nên khớp cổ tay, khớp khuỷu. Hai khớp này giúp cho chuyển động của cổ tay, cánh tay linh hoạt hơn. 

Hệ thống xương cẳng tay có chức năng đặc biệt quan trọng là sấp ngửa cẳng tay. Khi bàn tay để ngửa hai xương nằm song song nhau, khi sấp bàn tay xương quay sẽ quay quanh xương trụ. Thao tác này rất cần thiết cho nhiều động tác sinh hoạt, lao động hằng ngày.

4. Những điều cần lưu ý

Một số nguyên nhân phổ biến gây tác động đến cấu trúc xương trụ bao gồm:

  • Chơi và tập luyện các môn thể thao dễ bị chấn thương như bóng đá, đấm bốc, trượt ván, cầu lông, tennis…
  • Đánh nhau, xô xát gây thương tích cho cẳng tay
  • Té ngã, tai nạn giao thông
  • Cao tuổi (người càng lớn tuổi càng dễ bị gãy xương)
  • Mật độ xương thấp (loãng xương), xương giòn, dễ gãy.

Nguồn: Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *