1. Tổng quan về Cắt chỏm nang gan
- Tên kỹ thuật: Cắt chỏm nang gan
- Mô tả sơ bộ kỹ thuật:
Nang gan (simple hepatic cyst) là một sang thương lành tính và khá phổ biến. Chỉ khoảng 10-15% người có nang gan là có triệu chứng và cần đến sự can thiệp của y khoa. Về mặt giải phẫu thì vỏ nang gan được lót bằng một lớp tế bào biểu mô gần giống như biểu mô đường mật. Dịch nang là do các tế bào biểu mô này tiết ra, có thành phần tương tự như huyết tương. Dịch nang không chứa bilirubin, amylase cũng như bạch cầu. Trong một số rất ít trường hợp, nang có sự thông thương với dịch mật và dịch nang có màu vàng của mật.Cắt chỏm nang gan là thủ thuật phẫu thuật nội soi loại bỏ nang gan ra khỏi cơ thể.
2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định:
- Nang gan có triệu chứng: đau, nhiễm trùng, chảy máu.
- Nang gan đơn độc hay có một nang gan lớn đe dọa vỡ.
- Vách nang mỏng.
- Vị trí nang nằm ở phân thùy giữa, trước và bên. Nếu nang gan ở hạ phân thùy sau thì nên chuyển mổ mở.
Chống chỉ định:
- Người bệnh có rối loạn đông máu, nhiễm trùng toàn thân nặng.
- Có chống chỉ định gây mê toàn thân: bệnh lý tim mạch, hô hấp nặng.
- Nang có chứa vi trùng (nang bội nhiễm).
- Nang có thông nối với đường mật.
- Những trường hợp nghi ngờ ác tính, nang sán lá gan.
- Nang gan ở hạ phân thùy sau.
3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật
Ưu điểm:
- Hạn chế xâm lấn đến cơ thể bệnh nhân.
- An toàn cho sức khỏe bệnh nhân.
- Bệnh nhân phục hồi sức khỏe, ăn uống và đi lại được sau khoảng 8 giờ phẫu thuật.
- Thời gian lưu viện ngắn.
- Tiết kiệm chi phí so với các phương pháp điều trị khác.
Nhược điểm:
Bệnh nhân có thể gặp một số tai biến sau:
- Áp xe, ổ dịch tồn dư.
- Rò mật.
- Viêm phúc mạc mật.
4. Quy trình thực hiện
- Bước 1: Tư thế
- Người bệnh nằm ngửa, có thể kê tấm độn dưới lung ngang vị trí mũi ức. Tay phải dạng, tay trái khép.
- Phẫu thuật viên đứng bên phải người bệnh, bác sĩ phụ 1 đứng bên trái, phụ 2 (nếu có) đứng trên bác sĩ phụ 1.
- Bước 2: Vô cảm: Gây mê nội khí quản, có giãn cơ.
- Bước 3: Tiến hành thủ thuật.
- Rạch da theo đường trắng giữa, hoặc đường Kehr, đường chữ J, đường Mercedes tùy vị trí của nang.
- Cắt dây chằng tròn, bộc lộ, thăm dò chung ổ bụng.
- Giải phòng và di động gan: cắt dây chằng liềm, dây chằng tam giác, dây chằng vành phải và trái nhằm bộc lộ hoàn toàn nang. Đánh giá lại số lượng, vị trí kích thước nang.
- Chọc dò dịch nang, gửi làm sinh hoá: thử Bilirubin, amylase; gửi vi sinh cấy vi khuẩn.
- Cắt chỏm nang gan, cắt nang sát nhu mô gan, đảm bảo chỏm nang được cắt rộng rãi. Sau cắt rộng chỏm nang kéo mạc nối lớn che toàn bộ nang, khâu cố định mạc nối lớn.
- Bước 4: Kết thúc thủ thuật
- Cầm máu kĩ, đặt 1-2 dẫn lưu dưới gan và ngay cạnh vị trí cắt chỏm nang.
- Đóng bụng theo các lớp giải phẫu.
5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật
- Bệnh nhân đau nhẹ ở vết mổ và vùng bụng nhưng sẽ hết sau 1 – 2 ngày
Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?
- Bệnh nhân bị chảy máu.
- Bệnh nhân bị nhiễm trùng vùng phẫu thuật.
- Bệnh nhân bị sốt, đau bụng dữ dội.
Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này
- Thụt tháo sạch đại tràng.
- Sáng ngày mổ: nhịn ăn, sát khuẩn vùng bụng.
- Tại thời điểm rạch da: kháng sinh dự phòng.
- Trong 24h đầu: người bệnh thở oxy, theo dõi sát mạch, huyết áp, nhiệt độ, nước tiểu, dẫn lưu.Làm xét nghiệm công thức máu, đông máu cơ bản, sinh hoá: chức năng gan thận, điện giải ngày thứ 1 sau mổ.
- Vào ngày thứ 3 sau mổ có thể cho ăn trở lại, thức ăn từ lỏng đến đặc dần, số lượng tăng dần.
Nguồn: Vinmec