1. Tổng quan về Cắt hạ phân thùy gan
- Tên khoa học: Cắt hạ phân thùy gan
- Tên thường gọi: Cắt gan phân thùy sau
- Mô tả sơ bộ kỹ thuật :
Cắt gan là phẫu thuật cắt bỏ một phần gan bệnh lý, là biện pháp điều trị hiệu quả nhất đối với một số bệnh lý gan, đặc biệt là các bệnh lý ung thư gan nguyên phát. Cắt gan phân thuỳ sau là phẫu thuật cắt gan bao gồm các hạ phân thuỳ 6 và 7, thường kèm theo cắt túi mật. Cắt gan phân thuỳ sau là phẫu thuật thường gặp trong chuyên khoa Gan mật, có nhiều tỷ lệ biến chứng
Kỹ thuật này dùng để điều trị bệnh gì?
- Ung thư gan nguyên phát
2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định:
Các tiêu chuẩn liên quan đến thương tổn gan:
- U gan đơn độc hoặc nhiều u nhưng khu trú tại phân thuỳ sau
- Kích thước: không hạn chế.
- Chưa xâm lấn các mạch máu lớn như tĩnh mạch chủ
- Chưa có biểu hiện di căn xa: cơ hoành, phổi, não.
Các tiêu chuẩn liên quan đến phần gan còn lại:
- Nhu mô gan còn lại lành hoặc xơ nhẹ.
- Chức năng gan tốt: Child A, Child B 7đ
- Thể tích gan còn lại đủ: >1% trọng lượng cơ thể.
- Không mắc các bệnh lý: Tim mạch, hô hấp, đái tháo đường không ổn định, rối loạn đông máu…
Chống chỉ định:
- U gan lan tỏa cả 2 thuỳ.
- Đã có di căn xa: phúc mạc, xương, não…
- Chức năng gan: Child B, C.
- Có biểu hiện tăng áp lực tĩnh mạch cửa: giãn tĩnh mạch thực quản, lách to, số lượng tiểu cầu < 100.000/ml.
- Bệnh lý nội khoa nặng: bệnh tim mạch, hô hấp, rối loạn đông máu…
3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật
Ưu điểm:
- Bệnh nhân đau ít sau mổ.
- Hồi phục nhanh.
- Nhu động ruột hồi phục nhanh, mau ăn bình thường trở lại.
- Sẹo thẩm mỹ.
Nhược điểm:
- Kỹ thuật khó, chỉ cần để xảy ra một sơ xuất nhỏ cũng gây biến chứng nặng nề
4. Quy trình thực hiện – Cắt hạ phân thùy gan
Bước 1: Chuẩn bị người bệnh
- Ngày trước mổ, người bệnh phải được vệ sinh thân thể, cạo lông bộ phận sinh dục, thụt tháo sạch, trong trường hợp u gan lớn, xâm lấn ruột phải được tẩy ruột bằng Fortrans (3 gói pha 3000ml uống trong 3h).
- Người bệnh được giải thích đầy đủ về bệnh lý, về quy trình phẫu thuật, các tai biến rủi ro có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật.
- Người bệnh nằm ngửa, 2 tay dạng vuông góc với người.
- Vô cảm: Gây mê nội khí quản, đặt sonde dạ dày, đặt sonde tiểu, vein ngoại vi và trung ương. Thường kê một gối nhỏ ở mũi ức để bộc lộ rõ đường mổ, sát trùng toàn bộ ổ bụng từ dưới núm vú đến xương mu.
Bước 2: Tiến hành kỹ thuật
- Mở bụng: Tùy theo thương tổn, chủ yếu mở đường dưới sườn mở rộng lên mũi ức hoặc đường chữ J. Trong một số trường hợp u nhỏ, người bệnh gầy thì có thể mở đường trắng giữa trên dưới rốn.
- Đánh giá thương tổn đại thể ổ bụng, hạch cuống gan, tổ chức u gan.
- Sinh thiết tức thì tổn thương gan và phần nhu mô gan lành để xác định bản chất tổn thương và mức độ xơ gan.
- Giải phóng gan: Dây chằng tròn, dây chằng liềm, dây chằng tam giác, dây chằng vành, dây chằng gan tá tràng. Giải phóng toàn bộ gan ra khỏi mặt trước tĩnh mạch chủ dưới, thắt các nhánh tĩnh mạch gan phụ.
- Phẫu tích kiểm soát các thành phần cuống gan: động mạch gan, tĩnh mạch cửa. Cắt túi mật, luồn sonde nhựa qua ống cổ túi mật vào ống mật chủ, cố định. Dùng Dissecteur phẫu tích cuống phân thuỳ sau tại vị trí giường túi mật
- Cắt gan theo phương pháp Tôn Thất Tùng: Cặp chọn lọc cuống mạch phân thuỳ sau, thấy phần gan thiếu máu chính là đường cắt gan. Mặt trên gan đường cắt theo rãnh phải lệch sang bên phải của tĩnh mạch gan phải. Ở mặt sau gan: Đường cắt đi song song với bờ phải của tĩnh mạch chủ dưới và luôn cách tĩnh mạch chủ dưới (đoạn sau gan) 1cm.
- Lau ổ bụng, đặt dẫn lưu: Đặt 02 dẫn lưu tại diện cắt, đóng bụng.
5. Biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật
- Có thể đau vết mổ hay đau bụng sau mổ cho đến 1 tuần.
- Có thể buồn nôn hay nôn sau mổ 1 đến 2 ngày.
Khi nào thì những biểu hiện sau thực hiện kỹ thuật là bất thường và cần tái khám ngay?
- Đau bụng tăng nhiều hơn và kéo dài
- Đỏ nơi vết mổ nhiều và lan rộng hơn kèm theo đau.
- Bụng chướng căng, kèm buồn nôn nôn.
- Lạnh run và sốt cao hơn 38,5 độ C
- Dịch chảy ra qua vết mổ nhiều hơn và có mùi hôi.
6. Những điều cần lưu ý khi thực hiện kỹ thuật này
- Uống nước và ăn lỏng khi bắt đầu thấy đói
- Có thể tắm rửa và thay băng mỗi ngày
- Sinh hoạt bình thường trở lại sau 5 ngày đến 1 tuần lễ.
- Sau khi phẫu thuật, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ để nhanh hồi phục và tránh được những biến chứng có thể xảy ra.
- Người bệnh sau mổ cần tập vận động nhẹ nhàng, tập hít thở để tránh biến chứng sau mổ như: tắc ruột, dính ruột. Tuy nhiên, không nên vận động mạnh, chỉ đi lại nhẹ nhàng vài bước trong phòng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nguồn: Vinmec